Nguy cơ khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng

11:22 | 18/03/2020

|
(PetroTimes) - Ngày 6-3-2020, Arập Xêút đã khơi mào cuộc chiến dầu mỏ với Nga sau khi OPEC+ thất bại trong cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng để hỗ trợ giá dầu đang suy giảm do dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng.

Vì sao OPEC+ thất bại?

Ngày 5-3-2020, tại Vienna, 14 quốc gia thành viên OPEC và 10 đối tác trong đó có Nga hình thành nên liên minh OPEC+ đã nhóm họp để bàn về 2 vấn đề:

Thứ nhất, gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của liên minh. Thỏa thuận hiện tại có giá trị đến cuối tháng 3-2020.

nguy co khung hoang gia dau nghiem trong
Công nhân sửa chữa một tòa tháp tinh chế bị hư hỏng tại nhà máy chế biến dầu thô Abqaiq của Saudi Aramco

Thứ hai, cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày (bpd) để hỗ trợ giá dầu thô đang giảm vì dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã từ chối vấn đề thứ hai, nhưng để ngỏ khả năng đạt được sự đồng thuận về việc gia hạn. Ông Novak cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động từ dịch Covid-19 lên thị trường dầu mỏ, do đó chưa cần thiết phải cắt giảm thêm. Thay vào đó, Moscow chỉ sẵn sàng duy trì mức cắt giảm hiện tại (2,1 bpd) cho đến tháng 6-2020 trước khi có cuộc họp khác với các nước thành viên OPEC.

Cuộc họp thất bại. Cả hai vấn đề nghị sự đều không được xử lý. Sau cuộc họp, ông Novak cho biết, từ ngày 1-4-2020, sẽ không có nước nào trong OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng. Trong khi đó, đa số bộ trưởng các nước khác, trong đó có Arập Xêút, đã rời cuộc họp mà không đưa ra bình luận nào. Tổng Thư ký OPEC, ông Mohammed Barkindo cho biết, các nước đã quyết định tiếp tục quá trình tham vấn sau đó.

Về phần mình, các công ty dầu mỏ của Nga lo sợ nếu cứ cắt giảm sản lượng mãi thì họ sẽ bị mất thị phần vào tay các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ.

Bùng nổ cuộc chiến dầu mỏ

Thất bại của cuộc họp tại Vienna ngay lập tức mở ra cuộc chiến giành thị phần giữa các nước sản xuất dầu, trong đó có Arập Xêút, Nga và những nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.

nguy co khung hoang gia dau nghiem trong
Arập Xêút tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư vào việc khai thác, sản xuất dầu mỏ

Cuộc chiến tương tự từng xảy ra vào năm 2014, dẫn đến khủng hoảng giá dầu khi nguồn cung toàn cầu trở nên thừa mứa. Đáng chú ý, cuộc khủng hoảng đó đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của OPEC+ vào năm 2016 để bảo đảm kinh tế các nước thành viên không chịu tổn hại từ giá dầu. Liên minh OPEC+ kiểm soát hơn phân nửa sản lượng dầu của thế giới.

Ngay sau thất bại tại Vienna, Arập Xêút đã tung ra hai đòn đánh.

Thứ nhất, Riyadh tuyên bố kể từ ngày 1-4-2020, Arập Xêút sẽ giảm giá dầu bán cho tất cả các khách hàng hiện nay để giữ thị phần.

Thứ hai, Công ty Aramco của Arập Xêút ra thông báo cũng kể từ ngày 1-4-2020 sẽ nâng sản lượng lên 12,3 bpd, từ mức hiện nay khoảng 9,8 bpd.

Thêm vào đó, Arập Xêút với tư cách là nước lãnh đạo OPEC tuyên bố liên minh dầu mỏ này sẽ loại bỏ mọi giới hạn đối với sản lượng của họ. “Chúng tôi cho rằng Arập Xêút, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất và các nước sản xuất lớn khác của OPEC sẽ tăng sản lượng trong phần còn lại của năm 2020 nhằm giữ vững thị phần bất chấp giá dầu có hạ thấp”, Edward Bell, nhà phân tích hàng hóa tại Emirates NBD, cho biết.

Tất cả những tin xấu đến dồn dập đã khiến giá dầu thế giới mấy ngày qua bổ nhào. Giá dầu vào ngày thứ Hai tuần vừa qua đã xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua, giảm khoảng 25% sau thất bại của các cuộc đàm phán giữa các nhà sản xuất dầu mỏ ở vùng Vịnh và Nga để giảm sản lượng. Giá dầu đã tăng trở lại vào ngày 10-3 sau khi Moscow để ngỏ khả năng cho một thỏa thuận mới về sản lượng dầu. Nhưng giá dầu lại giảm một lần nữa vào thứ Tư sau khi Aramco cho biết có kế hoạch bơm dầu tràn ngập thị trường toàn cầu.

Đáng chú ý, các thông báo của Mỹ đã một lần nữa nhấn chìm giá dầu trong sắc đỏ. Tổng thống Trump tuyên bố đình chỉ trong 30 ngày tất cả các chuyến bay từ châu Âu, ngoại trừ Vương quốc Anh, đến Mỹ để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19. Ngày 11-3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cuối cùng đã tuyên bố Covid-19, đã lây nhiễm hơn 110.000 người trên toàn thế giới kể từ cuối tháng 12-2019, trở thành “đại dịch”.

Arập Xêút lý giải việc làm của mình là nhằm giữ thị phần dầu mỏ bất chấp giá dầu thấp đến cỡ nào. Bằng việc này, Arập Xêút đã từ bỏ chiến lược hỗ trợ giá mà chuyển sang áp dụng chiến lược giữ thị phần, vốn từng được nước này thực thi trong năm 2014.

Ai thiệt hơn ai?

“Ai cũng sẽ chịu đau đớn trong thị trường dầu mỏ. Sự sụp đổ của thỏa thuận đồng nghĩa chúng ta sẽ chứng kiến giá dầu rơi xuống 40 USD/thùng”, ông Josh Graves, chuyên gia tại Công ty RJ O’Brien & Associates (Mỹ), nhận định với Bloomberg. Bi quan hơn, ông Bjoernar Tonhaugen, chuyên gia của Công ty Rystad Energy (Na Uy), cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng nhất lịch sử theo sau diễn biến bất ngờ nói trên.

Sự đổ vỡ của liên minh OPEC+ đã dẫn đến giá dầu và thị trường chứng khoán vùng Vịnh sụt giảm mạnh. Cổ phiếu của Aramco đã giảm 9,1% vào ngày 8-3, mức giảm lớn nhất trong một phiên được ghi nhận kể từ tháng 12-2019. Vào sáng 9-3, đồng rúp của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Trong cuộc chiến mà các bên đều thiệt hại này thì ai có nhiều tiền hơn, người đó sẽ giành chiến thắng cuối cùng. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-3 cho biết, ông chắc chắn rằng nền kinh tế Nga sẽ chiến thắng sau cuộc chiến giá dầu đang diễn ra với Arập Xêút. “Nhiều khả năng các lĩnh vực sản xuất chính của Nga sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều sau cuộc chiến này”, ông Putin nói trong một cuộc họp với các nhà đầu tư, được công bố trên trang web của Điện Kremlin. “Tôi chắc chắn rằng Nga sẽ vượt qua thời kỳ hỗn loạn này với sự bình thản”, Tổng thống Nga nhấn mạnh. Ông Putin nói thêm rằng, các hành động của Arập Xêút tạo ra những khó khăn, nhưng ngược lại, cũng tạo ra những cơ hội mới, Ngân hàng Trung ương và chính phủ Nga có đủ công cụ và nguồn lực để bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế Nga.

Chính quyền Nga bảo đảm rằng, sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng về ngân sách, ngân quỹ nhà nước đã được dự trù trong trường hợp giá dầu giảm và có thể hỗ trợ ngay cả khi giá dầu giảm kéo dài. Quỹ dự trữ nhà nước Nga đã tích lũy 150 tỉ USD, giúp kinh tế Nga trụ vững từ 6-10 năm nếu giá dầu giảm xuống còn 25-30 USD/thùng, theo Bộ Tài chính Nga.

Không giống như cuộc chiến tranh giá dầu năm 2016 khi giá dầu xuống dưới 30 USD/thùng, Nga hiện đang trong tình trạng tài chính tốt hơn nhiều và có lợi thế hơn nhiều so với Ảrập Xêút, nhà phân tích Chris Weafer, người sáng lập Macro Advisory cho biết. Ông Weafer nói rằng, Nga bây giờ có dự trữ ngoại hối nhiều hơn 80 tỉ USD so với Arập Xêút. “Vương quốc này những năm gần đây đã dốc rất nhiều tiền dự trữ để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và tài trợ cho các dự án phát triển đầy tham vọng của Thái tử”, ông Weafer nói. Tiền tệ của Nga cũng linh hoạt hơn so với đồng tiền Riyal mà Arập Xêút neo vào đồng USD. “Ít có khả năng Nga bị ngã ngựa trước Arập Xêút trong cuộc so đấu về giá dầu hiện nay”, ông Weafer nhận xét.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak cho biết: “Cánh cửa đàm phán vẫn còn mở. Nếu thỏa thuận cắt giảm sản xuất giữa OPEC và các đồng minh không được gia hạn vào cuối tháng 3-2020, điều đó không có nghĩa là trong tương lai, chúng ta sẽ không còn có thể hợp tác giữa các nước trong và ngoài OPEC để ổn định thị trường dầu mỏ”.

Ngay sau thất bại tại Vienna, Arập Xêút đã tung ra hai đòn đánh: Kể từ ngày 1-4-2020, Arập Xêút sẽ giảm giá dầu bán cho tất cả các khách hàng để giữ thị phần và Công ty Aramco sẽ nâng sản lượng lên 12,3 bpd, từ mức hiện nay khoảng 9,8 bpd.

S.Phương