Ngành công nghiệp LNG lọt vào tầm ngắm của giới hoạt động môi trường

09:07 | 11/12/2023

|
(PetroTimes) - Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ngày 9/12 tại Dubai, các nhóm hoạt động môi trường đã kêu gọi các nước ngừng hỗ trợ việc mở rộng hoạt động thương mại khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu. Theo họ, ngành này đang làm suy yếu các cam kết ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Ngành công nghiệp LNG lọt vào tầm ngắm của giới hoạt động môi trường

Trong một bức thư kiến nghị gửi đến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hơn 250 nhóm hoạt động vì môi trường và cộng đồng đã kêu gọi ngừng cấp phép hoạt động cho các cơ sở LNG. Nội dung bức thư viết rõ: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền của ông Biden công khai cam kết tại COP rằng họ sẽ không còn cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào về mặt pháp lý, tài chính hoặc ngoại giao cho ngành LNG ở Mỹ hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.

Trong khi đó, các nhà hoạt động có mặt tại Dubai thì cầm biểu ngữ kêu gọi thế giới “ngưng làm đảo lộn khí hậu” và “phải phá vỡ chuỗi” cung cấp LNG toàn cầu.

Tại một cuộc biểu tình, bà Roishetta Ozane - một nhà hoạt động đến từ bang Louisiana của Mỹ, nói: “Không có gì tự nhiên về khí đốt tự nhiên: Nó nên được gọi là khí metan hóa lỏng”.

Một trong những vấn đề gai góc nhất mà các cuộc đàm phán phải giải quyết là sự chia rẽ nội bộ giữa các quốc gia về vấn đề loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và các thành viên của Liên minh châu Âu (EU), đã tăng cường mua bán LNG kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Vào năm trước, phần lớn khí đốt dẫn qua đường ống đi từ Nga đến châu Âu đã bị cắt giảm.

Tuy thải ra ít carbon hơn than, nhưng khí đốt lại có tác động đáng kể đến bầu khí hậu, nhất là khi được làm lạnh cực độ nhằm vận chuyển ở dạng lỏng, sau đó trải qua tiến trình tái khí hóa để dễ sử dụng.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, lượng khí thải CO2 từ các cơ sở LNG của Mỹ đã tăng 81% kể từ năm 2019, tương đương với tác động khí hậu do một số nhà máy nhiệt điện than lớn gây ra.

Hoạt động sử dụng khí đốt cũng tạo ra sản phẩm phụ dưới dạng khí nhà kính mạnh, tức khí metan, vì loại khí này có thể bị rò rỉ vào bầu khí quyển trong quá trình sản xuất.

Tại Dubai, 50 công ty năng lượng lớn đã ký một "hiến chương khử carbon", với nội dung cam kết giảm lượng khí thải ròng của họ xuống 0 vào năm 2050 và chấm dứt tình trạng thường xuyên đốt khí metan vào năm 2030. Thế nhưng, họ không cam kết sẽ giảm tốc trong việc phát triển những dự án mới.

Bà Tzeporah Berman - Chủ tịch tổ chức hoạt động Fossil Fuel Non-Proliferation Initiative, cho biết: “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi thật chất là kẻ đạo đức giả mỗi khi họ đề cập đến cuộc chiến chống lại khí metan, vì thực tiễn cho thấy hoạt động đầu tư vào các dự án khí đốt và LNG đang gia tăng rất mạnh”.

Giới phương tiện truyền thông đã cáo buộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), chủ nhà COP28, lợi dụng các cuộc đàm phán về khí hậu nhằm thảo luận về những hợp đồng khí đốt tự nhiên tiềm năng và nhiều thỏa thuận thương mại khác. Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này.

Đường vòng nguy hiểm?

Theo tổ chức tư vấn môi trường Urgewald, có 1.023 công ty trên toàn thế giới đang lên kế hoạch xây dựng bến cảng LNG, đường ống dẫn khí hoặc nhà máy nhiệt điện khí mới.

Giới chuyên gia nhận định rằng các công ty dầu khí có nguy cơ tạo ra những tài sản chưa được phát triển, nhất là tại những nước có thu nhập thấp và trung bình, những nước muốn sử dụng nhiên liệu hóa thạch để thu lời từ hoạt động xuất khẩu.

Theo Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển (Center for Energy, Ecology and Development - CEED), có trụ sở tại Philippines, hiện nay, 65% công suất phát nhiệt điện khí mới của thế giới nằm tại châu Á; nguồn tài chính đổ vào khí đốt lớn cao gần gấp đôi so với những dự án năng lượng tái tạo.

Ông Gerry Arances - Giám đốc điều hành của CEED nói: “Trong thập niên qua, xã hội dân sự đã đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn cản việc mở rộng hoạt động khai thác than. Thật không may, việc mở rộng sản xuất LNG đang quay đầu đi đường vòng sang Đông Nam Á.

Theo CEED, có ít nhất 165 tổ chức tài chính đã tài trợ 60,5 tỷ USD vào việc xây dựng và vận hành những dự án liên quan đến khí đốt trong khu vực - so với 31,8 tỷ USD dành cho năng lượng tái tạo, dù 56 tổ chức trong số trên đã cam kết theo đuổi những chương trình Net Zero.

Theo lời của những giám đốc điều hành của các công ty khí đốt có mặt tại COP28, nếu có thể kiểm soát phát thải CO2 và khí metan, khí đốt tự nhiên vẫn có thể đóng vai trò làm nguồn năng lượng dự phòng cho quá trình chuyển dịch sang những nguồn năng lượng sạch hơn nhưng không có tính liên tục, như năng lượng mặt trời và gió.

Trong năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ nâng sản lượng khí đốt tự nhiên thêm 10 tỷ m3. Đối với nước này, khí đốt là phương tiện giải quyết vấn đề cấp bách về ô nhiễm không khí đô thị do hoạt động sử dụng than gây ra.

Trong kế hoạch hành động công bố ngày 7/12, Trung Quốc gọi khí đốt tự nhiên - một nguyên liệu đốt sạch hơn so với than, là giải pháp phù hợp nhằm giải quyết hiện tượng khói mù quang hóa (smog) trong nước.

Xuất khẩu LNG của Nga sang châu Á năm 2023 có gì mới?Xuất khẩu LNG của Nga sang châu Á năm 2023 có gì mới?
Vì sao giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tăng trở lại?Vì sao giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tăng trở lại?
Shell đầu tư 6 tỷ USD vào khí đốt ngoài khơi NigeriaShell đầu tư 6 tỷ USD vào khí đốt ngoài khơi Nigeria

Anh Thư

AFP