Nga tìm cách gia tăng thị phần khí đốt tại thị trường Trung Quốc

14:26 | 04/03/2021

|
(PetroTimes) - Novatek gần đây cho biết, công ty con - Novatek Gas&Power Asia đã ký hợp đồng cung cấp LNG dài hạn với tập đoàn năng lượng Shenenergy của Trung Quốc.
Mùa đông khắc nghiệt ngăn Nga hưởng lợi từ thỏa thuận OPEC+Mùa đông khắc nghiệt ngăn Nga hưởng lợi từ thỏa thuận OPEC+
Lọc dầu Trung Quốc giảm mức thấp nhất trong vòng 7 thángLọc dầu Trung Quốc giảm mức thấp nhất trong vòng 7 tháng
Nga tìm cách gia tăng thị phần khí đốt tại thị trường Trung Quốc

Novatek Gas&Power Asia được đăng ký hoạt động tại Singapore, có chức năng giao dịch trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, Shenenergy thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Thượng Hải. Tập đoàn này đang đáp ứng nhu cầu năng lượng cho thành phố, bao gồm khí đốt thiên nhiên, các sản phẩm dầu mỏ và điện năng. Thượng Hải là thành phố đông dân thứ hai của Trung Quốc và là trung tâm tài chính, kinh doanh và kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Việc ký kết một thỏa thuận dài hạn với công ty Trung Quốc sẽ cho phép Novatek tiếp cận được các khoản vay ngân hàng cần thiết để đầu tư vào dự án Arctic LNG 2 và mở đường thâm nhập sâu hơn và thị trường khí đốt đang phát triển mạnh của Trung Quốc.

Bắt đầu xây dựng và lên phương án tài chính cho Arctic LNG 2

Dự án Arctic LNG 2 dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất LNG có công suất 19,8 triệu tấn/năm trên bờ biển của bán đảo Gydan, bao gồm ba dây chuyền hóa lỏng khí với công suất 6,6 triệu tấn/năm/dây chuyền. Để xây dựng nhà máy, đội ngũ kỹ sư sẽ sử dụng hệ thống móng trọng lực (GBS), trên đó sẽ lắp đặt các dây chuyền công nghệ. Theo các nhà quản lý của Novatek, việc sử dụng móng GBS sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vốn (CAPEX) và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Chi phí đầu tư cho Arctic LNG 2 ở khu vực Bắc Cực ước tính vào khoảng 21 tỷ USD. Một nửa kinh phí xuất phát từ các nhà đầu tư dự án theo tỷ lệ tham gia, nửa còn lại được lên kế hoạch thu hút dưới hình thức vay tín dụng. Nhiều ngân hàng bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp các khoản tín dụng cho dự án, nhưng chỉ dành cho những công ty đã ký thỏa thuận dài hạn với người mua sản phẩm của họ. Tại Arctic LNG 2, Novatek sở hữu 60% cổ phần, Total, Japan Arctic LNG, CNPC, CNOOC (Trung Quốc) mỗi bên sở hữu 10% cổ phần. Dự án đã bắt đầu được triển khai từ nửa đầu năm 2019. Trong năm đó, Novatek Gas&Power Asia đã ký hai thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn với tập đoàn dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) và công ty thương mại dầu khí Vitol. Theo các thỏa thuận, Arctic LNG 2 phải đảm bảo cung cấp 1 triệu tấn LNG/năm trong vòng 15 năm cho các đối tác. Đồng thời, giá LNG được tính trên cơ sở giá dầu và khí đốt trên thị trường châu Âu, hiện thấp hơn đáng kể so với thị trường châu Á trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các thỏa thuận với Repsol và Vitol lại không có tính ràng buộc. Chính điều này đang gây khó khăn cho những nhà đầu tư dự án vay vốn từ ngân hàng.

Nga tìm cách gia tăng thị phần khí đốt tại thị trường Trung Quốc

Sơ đồ các cảng xuất LNG của Novatek đến các khu vực trên thế giới. CA cảng xuất dự kiến: Yamal LNG, Arctic LNG-2, Murmask, Kamchatka.

Hành trình vận chuyển LNG đến châu Á: 36 ngày, giá 2,49$/MBTU

Hành trình vận chuyển LNG đến châu Á không qua Murmansk: 20-24 ngày, giá 1,84$/MBTU

Hành trình vận chuyển LNG đến châu Á qua Murmansk: 19 ngày, giá 1,65$/MBTU

Hành trình vận chuyển LNG đến châu Âu: 7-10 ngày, giá 0,98$/MBTU

Tiếp tục thi công dự án

Trong những đợt bùng phát đại dịch Covid-19 trong năm 2020, nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm, kéo theo đó là giá khí đốt thiên nhiên giảm. Novatek và các đối tác gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, dự án Arctic LNG 2 không bị trì hoãn. Công việc xây dựng nhà máy vẫn tiếp tục. Phó Tổng giám đốc Novatek Mark Gyetvay vào giữa năm 2020 cho biết, điều quan trọng là trong thời kỳ cao điểm của đại dịch thì Arctic LNG 2 tiếp tục được xây dựng, bất chấp việc chuyển nhượng và hủy bỏ ồ ạt các dự án LNG khác trên thế giới. Theo ông Gyetvay, các vấn đề tài chính sẽ không làm trì hoãn việc xây dựng dự án. Việc vận hành dây chuyền sản xuất LNG đầu tiên được lên kế hoạch vào năm 2023. Dây chuyền thứ hai và thứ ba sẽ vận hành vào năm 2024 và 2026. Tính đến tháng 01/2021, tiến độ xây dựng dây chuyền số 1 ước tính đạt 50%.

Tại thông cáo báo chí, Novatek cho biết, tổng khối lượng LNG cung cấp cho đối tác Shenenergy là hơn 3 triệu tấn trong vòng 15 năm. Ngày bắt đầu giao hàng chưa được công bố, tuy nhiên có thể giả định rằng, lô LNG đầu tiên sẽ bắt đầu ngay sau khi dây chuyền số 1 đi vào vận hành. Nếu khối lượng cung cấp cho Shenenergy được phân bổ đồng đều trong toàn bộ thời hạn của thỏa thuận thì sẽ có khoảng 3 chuyến tàu giao hàng LNG cho Shenenergy mỗi năm. Công suất của một dây chuyền trong Arctic LNG 2 đủ để giao hàng cho cả Shenenergy và Repsol, Vitol.

Giải quyết vấn đề vận tải

Theo thỏa thuận, các lô hàng LNG xuất khẩu sang Trung Quốc tuân theo điều khoản giao hàng DES (delivery ex-ship), trong đó bắt buộc người bán phải giao hàng đến cảng mà người mua quy định. Mọi chi phí rủi ro của việc giao hàng trước khi dỡ hàng sẽ do người bán chịu. Những điều kiện này được giải thích là do nhu cầu vận tải LNG trên các tàu lớp phá băng, loại tàu có số lượng hạn chế trên thế giới. Theo đơn đặt hàng của Novatek, 25 tàu chở dầu lớp phá băng sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Zvezda (Nga) và tại các nhà máy đóng tàu ở Hàn Quốc, phục vụ cho dự án Arctic LNG 2.

Sự hoạt động liên tiếp của các tàu vận tải lớp phá băng với số lượng đủ lớn sẽ giúp các tàu này có thể kéo dài thời gian di chuyển dọc theo Tuyến hàng hải phương Bắc mà không cần tàu phá băng hộ tống. Điều này sẽ làm giảm chi phí vận tải và tăng khả năng cạnh tranh của LNG từ Nga.

Các lô hàng LNG từ Arctic LNG 2 sẽ được giao chủ yếu tại hai cảng ở Thượng Hải do tập đoàn Shenenergy kiểm soát, gồm một cảng nước sâu trên đảo Dương Sơn và cảng Phố Đông. Tuy nhiên, các lô hàng LNG có thể được chuyển đến các cảng khác. Theo quyết định của Chính phủ Trung Quốc, trung tâm phân phối và kinh doanh khí đốt lớn nhất Trung Quốc đang được thành lập tại Thượng Hải. Hệ thống truyền dẫn khí được xây dựng cho phép cung cấp khí đốt cho thành phố từ các cảng LNG khác trên bờ biển phía đông cũng như từ các khu vực nội địa của đất nước.

Đối với Novatek, hãng đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở trung chuyển LNG ở ngoài khơi Kamchatka. Việc chuyển nhiên liệu LNG từ tàu vận tải lớp phá băng sang các tàu vận tải thông thường cho phép hãng giảm chi phí liên quan đến vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng đầu cuối ở thị trường châu Á. Việc trung chuyển tại Kamchatka sẽ rút ngắn thời gian sử dụng các tàu vận tải lớp phá băng, vốn có chi phí cao hơn nhiều so với các tàu vận tải thông thường.

Ngoài ra, Novatek dự định chỉ bán một nửa số sản phẩm của dự án Arctic LNG 2 theo các hợp đồng dài hạn. Nửa còn lại được tập đoàn này lên kế hoạch bán trên thị trường giao ngay để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Khu phức hợp trung chuyển sẽ góp phần phát triển giao dịch giao ngay và có thể trở thành trung tâm khí đốt của khu vực, nơi hình thành giá LNG.

Đầu ra đến người tiêu dùng đầu cuối

Chủ tịch Novatek Leonid Mikhelson đã xác định các ưu tiên của tập đoàn này rằng, chiến lược thương mại của hãng là đa dạng hóa cơ sở khách hàng và tiếp cận người tiêu dùng đầu cuối tại các thị trường đang phát triển nhanh ở khu vực châu Á-TBD.

Trong tháng 10/2020, trong cuộc họp với những người đứng đầu các công ty LNG được tổ chức tại Tây Ban Nha, ông Mikhelson cho biết, Novatek có kế hoạch nâng công suất sản xuất LNG đến năm 2025 lên 37,5 triệu tấn/năm. Điều này sẽ trở nên khả thi khi dự án Arctic LNG 2 được triển khai. Ông Mikhelson cũng cho biết thêm, hãng dự kiến bán 80% sản lượng LNG của mình ở thị trường châu Á. Ngoài ra, vấn đề thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đối với một phần LNG xuất khẩu cũng đang được xem xét. Novatek đặt mục tiêu cung cấp nguồn khí đốt tự nhiên với giá cả phải chăng cho khách hàng của công ty trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng, do đó hãng có kế hoạch tăng nguồn cung LNG cho nước này. Việc thực hiện thành công dự án LNG-2 ở Bắc Cực sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu này.

Cơ sở tài nguyên khổng lồ của dự án là mỏ Utrenneye. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng trữ lượng đã được chứng minh và có thể thu hồi của mỏ ước đạt 1.434 tỷ m3 khí thiên nhiên và 90 triệu tấn condensate. Một cơ sở tài nguyên lớn như vậy có thể đảm bảo hoạt động cho Arctic LNG 2 ở mức đầy tải trong vòng 50 năm. Trữ lượng lớn, chi phí khai thác khí và sản xuất LNG thấp là những lợi thế cạnh tranh chính của dự án Arctic LNG 2.

Trung Quốc hiện là thị trường khí đốt phát triển nhanh nhất thế giới. Bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19, nguồn cung LNG cho nước này vào năm 2020 đã tăng 12% so với một năm trước đó, đạt 67,6 triệu tấn, cao hơn đáng kể so với các dự đoán của giới chuyên gia ngân hàng đầu tư phương Tây và một số cơ quan phân tích giá cả. Nga đứng thứ ba về cung cấp LNG cho thị trường Trung Quốc sau Úc và Qatar. Trong năm 2020, tổng lượng xuất khẩu khí đốt bao gồm khí đường ống và LNG của Nga sang Trung Quốc đã tăng lên 154 tỷ m3, cao hơn 5,3% so với năm 2019.

Viễn Đông