Nga thay đổi chiến lược năng lượng

07:00 | 19/04/2022

|
(PetroTimes) - Trong cuộc họp về tình hình ngành dầu khí, Tổng thống Nga V.Putin đã chỉ thị cho Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm chuyển hướng xuất khẩu tài nguyên sang các thị trường mới và hỗ trợ xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới từ khu vực Siberia. Trang tin 1 prime.ru mới đây có bài viết phân tích liên quan đến việc Nga chuyển hướng xuất khẩu khí đốt trong bối cảnh Mỹ/phương Tây tăng cường trừng phạt nước này.
Nga thay đổi chiến lược năng lượng

Cung cấp khí

Các chuyên gia tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga cho biết, cách dễ dàng nhất để xuất khẩu khí đốt là sử dụng các đường ống dẫn khí. Tất cả các quy hoạch đường ống dẫn khí tại Nga đã được công bố và câu hỏi duy nhất đặt ra là công suất thiết kế. Có hai trung tâm tài nguyên chính mà từ đó Nga cung cấp khí đốt đến thị trường EU. Đầu tiên là cơ sở tài nguyên cũ của Liên Xô - mỏ Urengoy, vẫn đang hoạt động. Thứ hai là bán đảo Yamal, mỏ Bovanenkovo và một số mỏ triển vọng khác. Liên quan đến cơ sở tài nguyên này, một đường ống dẫn khí đốt từ bán đảo Yamal đã được thiết kế nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt ra thị trường.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu khả thi đã được chuẩn bị cho dự án đường ống xuất khẩu khí đốt sang Mông Cổ và Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ/phương Tây tăng cường trừng phạt ngành năng lượng Nga, rõ ràng là gần như toàn bộ cơ sở tài nguyên phải hướng về Trung Quốc. Thị trường này có thể trở thành một nhà tiêu thụ đơn lẻ hàng đầu về khí đốt của Nga. Do đó, công suất đường ống mới cần phải được xem xét mở rộng. Trong tương lai, điều này sẽ làm nảy sinh sự cạnh tranh đối với những nguồn cung LNG, vốn được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Nhiều chuyên gia Nga đánh giá, việc xây dựng thêm một đường ống xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sẽ không gây trở ngại đối với các nguồn cung LNG. Chính phủ Nga vẫn đang tích lũy tiền trong Quỹ phúc lợi (NWF) và bây giờ là thời điểm cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng. Một số chuyên gia khác lưu ý thêm, việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai đến Trung Quốc mang tên “Power of Siberia 2” (Siberia 2) vẫn chưa được khởi công nên khả năng tăng tốc xây dựng đường ống này là khó khăn. Để bắt đầu xây dựng, Gazprom phải ký hợp đồng cung cấp khí mới với những đối tác Trung Quốc. Hiện tại thì các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và chưa rõ khi nào chúng sẽ hoàn thành.

Cung cấp dầu

Các chuyên gia Nga cho biết, không có kế hoạch tương tự như trên đối với các đường ống dẫn dầu. Ý tưởng chính ở đây vẫn là phát triển các cảng. Tất nhiên, có một lựa chọn để xây dựng một đường ống khác dọc theo tuyến đường ống dẫn dầu ESPO đến Kozmino và mở rộng công suất của cảng này, vì đây là tuyến đường xuất khẩu dầu đến cả thị trưởng châu Á nói chung, chứ không chỉ đến Trung Quốc. Hiện tại, cảng Kozmino cung cấp đáng kể dầu thô cho Trung Quốc. Phía Nga hoàn toàn có thể xây dựng thêm một đường ống từ vùng Blagoveshchensk đến Kozmino. Một cách khác là sử dụng Tuyến hàng hải phương Bắc (NSR). Tuyến hàng này có ý nghĩa quan trọng đối với Nga và cần phải phát triển đội tàu chở dầu riêng của mình. Do đó, Chính phủ Nga cần phải chú trọng nhiều hơn đến hoạt động vận tải biển, bao gồm vận tải dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ dọc theo NSR.

Trong hoàn cảnh hiện tại, Nga cần phải dựa vào sự đa dạng hóa của các kênh cung cấp (quá trình này được khởi động từ năm 2009). Đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương kết nối các cánh đồng ở Tây và Đông Siberia với thị trường đang phát triển của Trung Quốc và các nước châu Á khác. Năm 2019, công suất đường ống dẫn dầu ESPO-1 đã được nâng lên 80 triệu tấn/năm.

Vào cuối năm 2021, hơn 50% nguồn cung cấp nhiên liệu thô của Rosneft dành cho các thị trường ở châu Á. Vào tháng 02/2022, Rosneft và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký một thỏa thuận về việc cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc thông qua Kazakhstan trong vòng 10 năm. Dầu thô sau đó sẽ được chế biến ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm dầu mỏ của nước này. Liên quan vấn đề này, bước đi hợp lý nhất trong tình hình hiện đối với Nga là mở rộng hơn nữa năng lực của cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm tổ chức tốt hơn việc cung cấp dầu cho các nước châu Á - TBD, bao gồm đường ống, đường sắt, cảng biển và thiết bị đầu cuối.

Lộ trình

Các chuyên gia tại Quỹ An ninh năng lượng đánh giá tích cực về quyết định thay đổi chiến lược năng lượng của nhà lãnh đạo Nga. Ngành công nghiệp dầu khí Nga hiện đang cần một mục tiêu rõ ràng. Do đó phải có các tài liệu đáng tin cậy để thực hiện chức năng kế hoạch của nhà nước. Hiện tại, Nga đang ở trong một tình huống mới và cần một kế hoạch năng lượng phù hợp với thực tế hơn. Các nhiệm vụ chính cần được đặt ra rõ ràng và rành mạch. Nga cần tìm kiếm những thị trường mới và hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước.

Tiến Thắng