Mỹ và EU đồng thuận về các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga

14:48 | 27/01/2022

|
(PetroTimes) - Trang tin Financial Times (FT) mới đây đã có bài viết phân tích việc Mỹ và EU có quan điểm tương đồng về các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga trước nguy cơ Nga xâm lược Ukraine.
Mỹ và EU đồng thuận về các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga

Theo FT, các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền nước này và giới lãnh đạo EU đang có sự hội tụ về các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm làm tê liệt hệ thống ngân hàng Nga trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine. Trước đó, các nước phương Tây đã tìm cách thúc đẩy một gói các biện pháp trừng phạt kinh tế để đối phó với một cuộc tấn công có thể xảy ra nhằm vào Ukraine.

Sau cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với các nhà lãnh đạo châu Âu để thống nhất lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, họ vẫn hy vọng rằng, mối đe dọa về những hậu quả kinh tế tàn khốc có thể khiến Tổng thống Nga V.Putin từ bỏ ý định xâm lược Ukraine. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, khả năng chịu đựng trừng phạt kinh tế của Nga có thể cao hơn các nền kinh tế khác, song mức độ trừng phạt kinh tế lần này có thể ảnh hưởng đáng kể đến nhưng tính toán xâm lược của chính quyền Nga.

Hiện tại, các quan chức Mỹ và EU đang cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất về các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong trường hợp Ukraine bị tấn công, trong đó Mỹ cố gắng tập hợp các thành viên EU hướng tới các biện pháp trừng phạt kinh tế. Chính giới EU mới đây cho biết, cần phải “làm việc thêm ở hậu trường” để xác định rõ ràng tuyệt đối về những tác nhân gây ra các lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, các bên cũng cần thảo luận về bản chất và quy mô các cuộc tấn công của Nga có thể xảy ra. Về nội dung các biện pháp trừng phạt, đại diện chính quyền Mỹ nhấn mạnh, Mỹ và các đồng minh đã đạt sự hội tụ đáng khích lệ, nhất là các biện pháp trừng phạt tài chính đang được xây dựng. Sự hội tụ đó tập trung vào quy mô của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp nhà nước được nhắm mục tiêu, cũng như mức độ nghiêm trọng và tính tức thời của các biện pháp, mức độ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán.

Chính quyền Mỹ cũng đã công khai ủng hộ những nỗ lực của Quốc hội nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga, bao gồm Sberbank, VTB, Gazprombank và Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga. Nỗ lực tìm kiếm một lập trường chung về các lệnh trừng phạt sẽ được đưa ra khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp nhau để điều phối quan điểm của EU về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cuộc gặp diễn ra sau các động thái của Mỹ và NATO nhằm tăng cường hỗ trợ quân sự cho các thành viên của khối ở Đông Âu, bao gồm cả việc đưa quân vào trạng thái sẵn sàng triển khai.

Ngoài các biện pháp trừng phạt tài chính, Mỹ và EU cũng đang thảo luận về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm cấm chuyển giao công nghệ nhạy cảm và hạn chế ngành năng lượng Nga. Hai bên cũng đã thảo luận về các cách giảm thiểu tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu do khả năng mất nguồn cung cấp nhiên liệu, năng lượng từ Nga. Các quan chức chính quyền Mỹ xác nhận, họ đã đàm phán với các đối tác gồm Qatar và Úc để tăng sản lượng khí đốt hóa lỏng và bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở châu Âu trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả khi phương Tây chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công có thể xảy ra, các quan chức châu Âu và Mỹ cũng đang tìm kiếm một lập trường chung về các cuộc đàm phán ngoại giao có sự tham gia của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhằm xoa dịu căng thẳng.

Một quan chức EU cho biết, liên minh đã có sự phối hợp sâu rộng với Mỹ về các phản ứng cần thiết đối với những yêu cầu an ninh mà Nga đề nghị. Về phía Nga, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peshkov cho biết, Nga sẽ xem xét các bước tiếp theo sau khi nhận được văn bản trả lời của Mỹ về các đề nghị về an ninh của Nga vào cuối tuần này. Theo hãng thông tấn Interfax, phía Nga đang theo dõi các động thái của Mỹ, đồng thời cáo buộc chính quyền Mỹ đang làm leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine.

Nga đã thông báo về các cuộc tập trận quân sự mang tính “chớp nhoáng” ở các khu vực phía tây và phía nam đất nước, gần biên giới Ukraine, đồng thời cho rằng các cuộc tập trận không hề liên quan đến hoạt động quân sự của NATO. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video ghi lại một cuộc tập trận, bao gồm việc triển khai các bệ phóng tên lửa Iskander và cho biết có 6000 quân nhân đang tham gia một cuộc tập trận chiến thuật ở phía nam đất nước. Trong những tháng gần đây, Nga đã triển khai hơn 106.000 binh sĩ và hơn 60 nhóm tác chiến gần biên giới Ukraine.

Tiến Thắng