Một kỷ nguyên mới dồi dào dầu mỏ

10:20 | 03/03/2016

|
(PetroTimes) - Sau một giai đoạn ổn định đặc biệt với mức giá trung bình khoảng 110USD/thùng, kể từ tháng 6-2014 giá dầu đã sụt xuống và rớt xuống mức 40USD/thùng vào cuối tháng 8-2015, mức giá thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Sự sụt giảm giá dầu như vậy không phải là chưa từng xảy ra: Lịch sử dầu mỏ đã được ghi dấu ấn bởi những đợt giảm giá dầu đột ngột, chẳng hạn như năm 1986 khi xảy ra cú sốc dầu mỏ, năm 1998 sau cuộc khủng hoảng châu Á, hay năm 2008 vào giữa cuộc khủng hoảng tài chính.  

Những yếu tố gây nên sự sụt giảm giá dầu

Tạp chí The Economist đã giải thích rằng, "cuộc chiến của các thủ lĩnh Hồi giáo chống dầu khí đá phiến đã chuyển thế giới từ tình trạng khan hiếm sang tình trạng dư thừa dầu mỏ". Thật vậy, trong số nhiều yếu tố là nguồn gốc của sự sụt giảm giá dầu gần đây, sự phát triển của dầu khí đá phiến ở Mỹ là nguyên nhân thứ nhất.

mot ky nguyen moi doi dao dau mo
Cuộc cách mạng dầu khí đá phiến đã làm thay đổi cục diện chính trị, kinh tế và khoa học kỹ thuật của thế giới

Sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng từ 5,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2010 lên 9,3 triệu thùng/ngày vào tháng 6-2015, đưa Mỹ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, đứng trên Arập Xêút và Nga, gần tiến tới khả năng tự túc về khí đốt nhờ xuất khẩu khí đá phiến. Từ nay, Mỹ có thể dựa vào nguồn tài nguyên của họ để đáp ứng hơn 70% nhu cầu dầu mỏ trong nước, so với 40% năm 2005. Những cuộc tranh luận đang diễn ra nhằm gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô - được quyết định sau cú sốc dầu mỏ đầu tiên và cho phép các nhà sản xuất dầu của Mỹ xuất khẩu dầu thô.

Là ưu tiên của Nhà Trắng kể từ năm 1973, cuộc tìm kiếm sự độc lập về năng lượng đã thu hút các quỹ hỗ trợ nghiên cứu - đặc biệt đã cho phép phát triển công nghệ khai thác dầu khí bằng thủy lực. Ngoài cuộc cách mạng công nghệ này, Mỹ đã có thể khai thác khí đốt, dầu mỏ và khí đá phiến nhờ các yếu tố đặc thù của họ như: một chính sách thuế ưu đãi, luật khai thác mỏ thuận lợi với một chế độ ưu tiên cho việc sở hữu tư nhân về lòng đất, mật độ dân số thấp trong các khu vực dầu mỏ và sự năng động của các nhà khai thác.

Hơn nữa, Mỹ đã có một nguồn cung dồi dào các dịch vụ dầu mỏ, cũng như các cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc khai thác nguồn tài nguyên này. Vì cần phải khoan mỏ nhiều hơn so với sản xuất dầu khí thông thường, việc khai thác dầu khí đá phiến đã được tạo thuận lợi nhờ sẵn có vô số giàn khoan trên đất Mỹ.

mot ky nguyen moi doi dao dau mo
Hệ thống máy bơm thủy lực dùng trong kỹ thuật khai thác dầu khí đá phiến

Cuộc đổ xô đi tìm nguồn vàng đen này đã gây ra những tác động đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ, mang lại cho nước này một đòn bẩy cạnh tranh cho nền công nghiệp Mỹ và tạo ra những việc làm mới, cũng như sự giảm bớt phụ thuộc vào các nguồn cung cấp năng lượng bên ngoài. Những tác động của cuộc cách mạng này đã thực sự vượt ra khỏi các đường biên giới của Mỹ và làm đảo lộn tương quan lực lượng trên thị trường năng lượng thế giới.

Từ năm 2010, tấm bản đồ thương mại thế giới về dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ đã được vẽ lại và đầu ra của các nước vẫn cung cấp dầu mỏ cho Mỹ xưa nay đã bị thu hẹp. Do vậy, các nước Tây Phi xuất khẩu dầu thô nhẹ, giống dầu của Mỹ đã buộc phải đổi hướng các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ tới các thị trường khác.

Thị trường năng lượng bị đảo lộn

Thị trường dầu mỏ bước vào một kỷ nguyên dồi dào nguồn cung, bắt đầu từ tháng 6-2014, không chỉ liên quan tới sự phát triển của dầu khí đá phiến Mỹ. Kể từ thời điểm này, những lo sợ về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ của Trung Đông đã giảm bớt, nhờ triển vọng gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Iran và việc khôi phục sản lượng dầu mỏ của Libya và Iraq. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào tháng 7-2015, sản lượng dầu mỏ của Iraq đã đạt mức kỷ lục 4,1 triệu thùng/ngày. Hoạt động khai thác dầu mỏ của Iraq do hơn 30 công ty nước ngoài đảm nhiệm và chủ yếu được thực hiện ở miền Nam nước này, nằm cách xa các khu vực do IS kiểm soát.

Iran cũng mong muốn tăng sản lượng dầu mỏ vào năm 2016, ngay sau khi các biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ, để đạt trở lại mức sản lượng trước khi Iran bị Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ quyết định áp đặt lệnh cấm vận. Sản lượng dầu mỏ của Iran do vậy có thể được nâng lên mức 3,7 triệu thùng/ngày vào năm 2016, tức tăng 1 triệu thùng/ngày so với sản lượng hiện nay.

Kể từ tháng 6-2014, OPEC không ngừng vượt mức sản lượng trần 30 triệu thùng/ngày do chính tổ chức này ấn định. Lượng tiêu thụ dầu mỏ thế giới không tương xứng với quỹ đạo sản lượng dư thừa này. Trong khi năm 2014, sản lượng dầu mỏ tăng thêm 2 triệu thùng/ngày so với năm 2013, thì mức cầu chỉ tăng 0,8 triệu thùng/ngày, tức tăng 0,9% (thấp nhất kể từ năm 2009), so với 2% trong năm 2013. Dầu mỏ luôn là nguồn năng lượng thiết yếu trên thế giới, chiếm thị phần 32% trong tổng nguồn năng lượng trên thế giới, song lượng tiêu thụ lại giảm ở nhiều nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đặc biệt là các nước EU và Nhật Bản. Rõ ràng, trong những năm gần đây, nhu cầu dầu mỏ thế giới được đánh dấu bởi sự bùng nổ nhu cầu năng lượng của các nước mới nổi.

Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi, đặc biệt những nước có sức tiêu thụ năng lượng lớn như Brazil, Trung Quốc hay Nga được thể hiện qua nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tuy vẫn tăng, nhưng với nhịp độ thấp hơn so với những năm trước. Những đợt điều chỉnh giảm liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thực hiện kể từ giữa năm 2014 đã khẳng định những lo ngại của thị trường trước các triển vọng về một xu hướng giảm cầu, và gây sức ép cho giá dầu thô.

Nhìn chung, sự đi lên của đồng USD, đồng tiền tham chiếu trên thị trường dầu mỏ, một mặt có xu hướng làm giảm nguồn thu của các nước tiêu thụ dầu mỏ (do làm giảm nhu cầu dầu mỏ của họ), mặt khác làm tăng lượng cung trong các nước sản xuất dầu mỏ (nhờ mức lạm phát thấp hơn). Sự phá giá bất ngờ đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã làm lu mờ các triển vọng tăng cầu và kéo theo sự lo ngại của các thị trường tài chính.

OPEC không còn là nhà sản xuất phụ

Cộng thêm vào những biến động về lượng cung và cầu như vậy là quyết định lịch sử của các nước OPEC hồi tháng 11-2014 và được khẳng định hồi tháng 6-2015, nhằm duy trì sản lượng dầu mỏ ở mức ổn định và không ngăn chặn sự sụt giảm giá. OPEC và đặc biệt là "thủ lĩnh" Arập Xêút không còn muốn gánh vai trò lịch sử là nhà sản xuất phụ. Trong những thập kỷ vừa qua, nhờ quy mô và sự linh động của các trữ lượng dầu của mình, Arập Xêút - được các nền quân chủ vùng Vịnh hậu thuẫn - đã điều chỉnh giá dầu bằng cách điều chỉnh sản lượng dầu trong khoảng 8-11 triệu thùng/ngày, theo nhu cầu của thị trường.

Cùng với sự tăng sản lượng dầu mỏ của Mỹ, thị phần của OPEC trong nguồn cung dầu mỏ thế giới suy giảm nghiêm trọng và Arập Xêút không còn muốn gánh vác trách nhiệm một mình. Riyad dường như quyết tâm giữ thị phần của mình cho dù phải giảm giá dầu.

Quyết định này không được tất cả các nước OPEC tán thành. Cú sốc phản hồi về dầu mỏ một lần nữa cho thấy sự chia rẽ lịch sử giữa các thành viên trong OPEC.

Kể từ mùa hè 2014, Arập Xêút đã tiến hành một cuộc chiến quyết liệt để loại bỏ những loại dầu đắt đỏ nhất trên thị trường dầu mỏ, trước hết là dầu khí đá phiến của Mỹ - phần lớn loại dầu này cần phải bán với giá khoảng 45-75USD/thùng mới có lãi. Nhưng chiến lược này chưa hoàn toàn mang lại những thành quả. Dầu khí đá phiến tỏ ra “ngoan cố” hơn dự đoán: Dù đã giảm 60% số máy khoan trong giai đoạn tháng 8-2014 đến tháng 8-2015, sản lượng dầu thô của Mỹ chỉ giảm nhẹ và luôn đạt mức kỷ lục kể từ 44 năm qua do lợi nhuận sản xuất liên tục tăng. Những tiến bộ kỹ thuật đạt được và những đổi mới về công nghệ và tài chính đã cho phép giảm giá sản phẩm và tăng lợi nhuận bất chấp giá dầu giảm.

Trong bối cảnh này, vai trò của người sản xuất phụ trên thị trường thế giới từ nay do các nhà khai thác Mỹ đảm nhiệm và họ phải điều chỉnh mức cung của họ theo biến động giá. Giá dầu tham chiếu của thị trường không còn do dầu của các nước OPEC quyết định, mà do dầu khí đá phiến của Mỹ. Loại dầu khí đá phiến này đã bổ sung cho nhu cầu dầu mỏ và thiết lập một trật tự mới trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Những hậu quả của một trật tự mới về dầu mỏ

Những nước sản xuất dầu mỏ là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất. Những nước này chủ yếu thu ngân sách từ “vàng đen”, buộc phải chấp nhận và thích nghi với nguồn thu nhập dầu mỏ của họ bị siết lại. Nguồn thu từ dầu mỏ chiếm hơn 25% GDP của Nga, 70% giá trị hàng hóa xuất khẩu của nước này và 50% thu nhập liên bang. Dầu mỏ và khí đốt chiếm trung bình 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của các nước vùng Vịnh và lợi tức dầu mỏ chiếm 33% GDP của họ.

Giá dầu trung bình năm 2015 chỉ đạt mức 59USD/thùng, nên họ đã chịu thiệt hại tới mức 287 tỉ USD chỉ riêng đối với các nước vùng Vịnh và 444 tỉ USD đối với toàn bộ các nước thuộc OPEC. Việc giảm nguồn thu từ dầu mỏ kể từ tháng 6-2014 đã làm “hao mòn” các khoản thặng dư ngân sách của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Ngoại trừ Kuwait, Qatar và Kazakhstan, tất cả các nước sản xuất dầu mỏ mới nổi đều bị thâm hụt ngân sách và thâm hụt đối ngoại năm 2015 - thể hiện qua việc giảm tỷ giá ngoại hối ở nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ như Nigeria, Nga, Angola hay Algeria. Venezuela đang ở bên bờ vực không có khả năng thanh toán, với tỷ lệ lạm phạt gần 100% và suy thoái kinh tế tới 7% trong năm 2015 theo tính toán của IMF.

Nền kinh tế Nga, vốn đã bị suy yếu bởi các đòn trừng phạt của phương Tây, từ năm 2014 lại chịu thiệt hại trực tiếp do dầu sụt giá dẫn đến sự mất giá nghiêm trọng đồng ruble và những triển vọng tăng trưởng âm. Ngân quỹ quốc gia đã đặc biệt được cầu cứu để hỗ trợ nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Nga đang gặp khó khăn, chẳng hạn như các công ty năng lượng Rosneft và Novatek. Tương tự, tháng 11-2014, Kazakhstan đã thông báo kế hoạch trích 3 tỉ USD/năm trong giai đoạn 2015-2017 từ ngân quỹ quốc gia (ước tính 77 tỉ USD) để hỗ trợ nền kinh tế. Quốc hội Iran cũng đã thông qua quyết định trích 4,8 tỉ USD từ ngân quỹ quốc gia để bù vào chỗ thất thu do giảm giá dầu.

Arập Xêút cũng buộc phải “moi” quỹ dự trữ ra để duy trì mức sinh hoạt và có thể đã chi 65 tỉ USD kể từ đầu năm để bù vào thâm hụt ngân sách. Năm 2014, mức thâm hụt ngân sách của Vương quốc này là 17 tỉ USD và năm 2015 có thể lên tới 38,7 tỉ USD. Tuy nhiên, nguồn thu từ dầu mỏ giảm khó có thể trở thành mối đe dọa ngay lập tức đối với nước này, vì khối tài sản ngoại hối mà ngân hàng trung ương nước này tích lũy trong những năm qua rất lớn (732 tỉ USD đến cuối năm 2014). Với mức nợ công rất thấp (chiếm 2% GDP vào cuối năm 2014), Arập Xêút, cũng như các nền quân chủ dầu mỏ khác của vùng Vịnh, vẫn đủ lực tài chính để đối phó với sự sụt giảm giá dầu.

Do trước đó không thể tiếp tục bán dầu trên thị trường Mỹ, nên Algeria và Nigeria đã phải chịu thiệt thòi do sự phát triển dầu khí đá phiến của Mỹ từ trước khi giá dầu sụp đổ.

Kỷ nguyên dầu mỏ mới đã vẽ lại tương quan lực lượng địa chính trị thống trị trong nhiều thập kỷ qua trên thị trường năng lượng thế giới.

Vaclav Smil, một nhà phân tích thông thạo về các vấn đề năng lượng mới đây đã ví giá dầu giống như một “nghệ thuật tung hứng, không chỉ với 3 hay 4, mà là với 12 quả bóng; tình hình kinh tế của Ấn Độ, của Trung Quốc, của Mỹ và của châu Âu, những tiến bộ về công nghệ, những chính sách giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tương lai của tình trạng khí hậu nóng lên, tình hình địa chính trị ở Trung Đông, thỏa thuận với Iran về hạt nhân…”. Phương trình dầu mỏ phức tạp đến mức bất cứ cố gắng dự đoán nào cũng nhanh chóng tỏ ra đáng ngờ.

Võ Hoàng

Năng lượng Mới số 501