Moscow nói EU có thể hứng hậu quả 20 năm vì "cai" năng lượng Nga

09:45 | 10/10/2022

|
Điện Kremlin nhận định, việc Liên minh châu Âu (EU) cố tìm cách thoát phụ thuộc vào năng lượng của Nga có thể khiến khối này hứng chịu hậu quả dài hạn, có thể kéo dài tới 20 năm.
Moscow nói EU có thể hứng hậu quả 20 năm vì cai năng lượng Nga - 1
Nga là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu trong nhiều năm qua (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn kênh Rossiya 1, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 9/10 cảnh báo, nỗ lực rời xa năng lượng Nga có thể sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho EU với 20 năm đối diện với tình trạng bị phi công nghiệp hóa.

Theo ông Peskov, Mỹ giờ đây đang kiếm được nhiều lợi nhuận từ việc bán khí đốt hóa lỏng cho các nước châu Âu với giá cao.

"Và người châu Âu trả tiền cho họ, và điều này có thể làm mất đi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới sản xuất bị ảnh hưởng. Quá trình phi công nghiệp hóa đang đến gần. Tất cả những điều này sẽ gây ra những hậu quả rất, rất nghiêm trọng cho châu Âu, ít nhất là trong vòng 10-20 năm tới", ông Peskov nói.

Ông Peskov cho biết, Mỹ đang bán khí đốt với giá gấp 3-4 lần Nga và châu Âu đang khiến cho nền kinh tế của chính họ trở nên kém cạnh tranh hơn khi chấp nhận trả những khoản tiền đó cho Mỹ.

Giá khí đốt ở châu Âu đã bắt đầu tăng vào đầu năm nay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2. Sau khi EU và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Moscow, giá khí đốt đạt mức cao kỷ lục, dẫn đến lạm phát tăng vọt tại nhiều quốc gia châu Âu.

Tuần trước, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo rằng châu Âu có thể sớm phải đối mặt với việc giảm đáng kể hoạt động công nghiệp và gia tăng bất ổn xã hội nếu không làm gì để giảm giá năng lượng. Trong khi đó, Reuters đưa tin rằng lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ cung cấp nhiều khí đốt tự nhiên hơn cho EU so với Nga, nhưng giá khí đốt của Mỹ "đắt gấp 10 lần" so với nguồn cung cấp của Nga.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 5/10 cho rằng Mỹ và một số nhà cung cấp thân thiện với Berlin đang bán khí đốt với giá "cao ngất ngưởng", dường như ám chỉ họ đang hưởng lợi từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Ông Habeck kêu gọi sự đoàn kết hơn nữa từ Mỹ khi hỗ trợ các đồng minh bị áp lực về năng lượng ở châu Âu.

"Mỹ đã liên lạc với chúng tôi khi giá dầu tăng và sau đó, nguồn dự trữ dầu ở nhiều nước châu Âu đã được giải phóng. Tôi cho rằng, sự đoàn kết tương tự như vậy cũng sẽ giúp kiềm chế giá khí đốt", ông Habeck cho biết.

Ông Habeck cũng cho rằng, Liên minh châu Âu EU nên làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt trong khu vực, trong bối cảnh các nước trong khối đang tranh giành nguồn cung khí đốt và động thái này đang đẩy giá lên cao.

Ông Habeck nhận định, EU nên tập hợp sức mạnh thị trường của mình và điều chỉnh hành vi mua hàng của các quốc gia trong khối một cách đồng bộ để các nước thành viên không trả giá cao hơn nhằm cạnh tranh lẫn nhau và làm tăng giá trên thị trường thế giới.

Tháng trước, Thủ hiến bang Saxony của Đức Michael Kretschmer cảnh báo, nguồn cung khí đốt của Nga đã, đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng với Đức trong tương lai gần bất chấp nỗ lực của Berlin nhằm đa dạng hóa nguồn cung.

"Chúng ta đã chứng kiến một sự thật rằng chúng ta không thể vận hành nếu thiếu khí đốt Nga", ông nói.

Theo Dân trí

Dân châu Âu tích trữ củi cho mùa đông trước Dân châu Âu tích trữ củi cho mùa đông trước "cơn khát" khí đốt
Đức cáo buộc Mỹ bán khí đốt với giá “cắt cổ”Đức cáo buộc Mỹ bán khí đốt với giá “cắt cổ”
Bốn quốc gia EU đề xuất ý tưởng về hành lang giá khí Bốn quốc gia EU đề xuất ý tưởng về hành lang giá khí "năng động"
Mỹ phật lòng, Nga hưởng lợi từ quyết định gây tranh cãi của OPEC+Mỹ phật lòng, Nga hưởng lợi từ quyết định gây tranh cãi của OPEC+
Eni sẵn sàng trả tiền để có khí đốt NgaEni sẵn sàng trả tiền để có khí đốt Nga
Châu Âu “kêu giời” khi Đức tung gói viện trợ năng lượng khổng lồChâu Âu “kêu giời” khi Đức tung gói viện trợ năng lượng khổng lồ
Tổng thống Putin lên tiếng sau lệnh sáp nhập 4 vùng ly khai UkraineTổng thống Putin lên tiếng sau lệnh sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine
Cuộc sống dần trở lại thành phố chiến tuyến trọng điểm của UkraineCuộc sống dần trở lại thành phố chiến tuyến trọng điểm của Ukraine
Nga bác bỏ gợi ý sử dụng vũ khí hạt nhân ở UkraineNga bác bỏ gợi ý sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine