Nga bác bỏ gợi ý sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

06:33 | 04/10/2022

1,197 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nga tuyên bố vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên học thuyết do Moscow đặt ra và không dựa trên cảm tính.
Cuộc sống ở thành phố chiến lược miền Đông khi Ukraine tuyên bố giải phóngCuộc sống ở thành phố chiến lược miền Đông khi Ukraine tuyên bố giải phóng
Thông điệp của Nga sau quyết định sáp nhập 4 vùng ly khai UkraineThông điệp của Nga sau quyết định sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine
Nga bác bỏ gợi ý sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: AP).

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3/10 tuyên bố, Nga không dựa trên cảm tính khi thảo luận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố của Điện Kremlin được đưa ra sau khi ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, cho rằng Nga nên cân nhắc sử dụng "vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ" trên chiến trường Ukraine.

Theo ông Peskov, các thống đốc và người đứng đầu các khu vực thuộc Nga có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân của họ và "đưa ra đánh giá" về các vấn đề. Điều này áp dụng với cả ông Kadyrov, người mà ông Peskov cho rằng đã "đóng góp rất nhiều" cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các quan chức có thể tự do thể hiện cảm xúc của họ, "ngay cả trong những thời điểm khó khăn", ông Peskov nói.

Khi được hỏi liệu phát biểu của ông Kadyrov có thể được coi là phát biểu cảm tính không phù hợp hay không, người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng ở Nga, "vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân".

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của Nga, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Bình luận của ông Kadyrov được đưa ra hôm 1/10 nhằm phản ứng trước việc các lực lượng Nga rút khỏi thành phố Lyman ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết việc rút quân là do "nguy cơ bao vây" từ các lực lượng Ukraine.

Nhà lãnh đạo Chechnya cũng kêu gọi Nga thực hiện "các biện pháp quyết liệt hơn" ở Ukraine, đề xuất thiết quân luật ở các khu vực của Nga giáp Ukraine.

Trong bài phát biểu hôm 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngụ ý có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu "toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin "có lẽ không phải là một lời nói suông, mà có thể trở thành sự thật".

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ vũ khí nào trong kho vũ khí của Moscow, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược, đều có thể được sử dụng để bảo vệ các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga. Tổng thống Putin và lãnh đạo 4 vùng Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia tuần trước đã ký thỏa thuận về việc sáp nhập.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 3/10 cho biết ông không tin Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột Ukraine. Ông Wallace cho biết viễn cảnh Nga phóng vũ khí hạt nhân chống lại lực lượng Ukraine là "rất khó xảy ra."

Phó Tổng tham mưu trưởng Ukraine, Trung tướng Sergey Nayev, ngày 3/10 nhận định kế hoạch cuối cùng của Nga ở Ukraine là kiểm soát thủ đô Kiev. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng không có nguy cơ nào sắp xảy ra đối với Kiev.

"Tất nhiên là có khả năng xảy ra, bởi vì Nga sẽ không bao giờ từ bỏ ý định kiểm soát Ukraine và thủ đô (Kiev). Đây là một trong những ưu tiên trong các kế hoạch của Nga", ông Nayev nói thêm.

Quân đội Nga đã rút khỏi Kiev và các khu vực khác ở miền Bắc Ukraine từ cuối tháng 3 sau nhiều tuần giao tranh quanh thủ đô. Bộ Quốc phòng Nga vào thời điểm đó tuyên bố rằng, việc rút lui là một động thái thiện chí trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình đang được tiến hành giữa Moscow và Kiev.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đổ vỡ và giao tranh tiếp tục ở miền Nam và vùng Donbass ở miền Đông. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký lệnh huy động một phần với mục tiêu kêu gọi 300.000 quân dự bị để tăng cường cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo Dân trí