Mông Cổ khánh thành tuyến đường sắt xuất khẩu than sang Trung Quốc

16:39 | 15/09/2022

|
(PetroTimes) - Mông Cổ vừa khánh thành một tuyến đường sắt xuất khẩu than sang Trung Quốc. Với tuyến đường này, Mông Cổ sẽ xuất khẩu được 50 triệu tấn/năm.
Mông Cổ khánh thành tuyến đường sắt xuất khẩu than sang Trung Quốc

Tuần này, ông Ukhnaa Khurelsukh - Tổng thống Mông Cổ đã tham dự lễ ra mắt của tuyến đường sắt nối mỏ than Tavan Tolgoi ở phía nam sa mạc Gobi với đồn quân sự Gashuunsuukhait ở biên giới giáp với Trung Quốc. Theo công ty nhà nước Tavantolgoi Railway LLC - đơn vị xây dựng tuyến đường sắt dài 233 km này,dự án đặt mục tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng đạt mức 30 triệu - 50 triệu tấn than/năm.

Mỏ than Tavan Tolgoi tọa lạc cách biên giới 270 km và chứa 6,4 tỷ tấn than. Khoảng 1/4 sản lượng là than cốc cao cấp dùng trong ngành công nghiệp thép, phần còn lại là than nhiệt. Hoạt động khai thác mỏ chiếm 1/4 GDP của Mông Cổ. Do vậy, đất nước này đang tìm cách hiệu quả hơn và rẻ hơn để xuất khẩu khoáng sản. Trên thực tế, Mông Cổ đã thực hiện chiến lược quốc gia nhằm mở rộng mạng lưới đường sắt sang Nga và Trung Quốc.

Theo nhà chức trách xây dựng đường sắt, dự kiến tuyến đường mới ​​sẽ giảm chi phí vận chuyển than xuống còn 8 USD/tấn, so với 32 USD/tấn khi vận chuyển than bằng xe tải.

Trong năm 2020, Mông Cổ đã xuất khẩu được 28,6 triệu tấn than. Tuy nhiên, vào năm 2021, xuất khẩu đã giảm xuống còn 15,9 triệu tấn. Thật vậy, trong nhiều năm, Mông Cổ vẫn luôn chở than vào Trung Quốc bằng xe tải. Sản lượng cao dẫn đến vấn đề xếp hàng dài ở biên giới và xảy ra tai nạn thường xuyên. Hơn nữa,gần đây, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào than để đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tình trạng kinh tế giảm tốc và khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu.

Chính phủ Mông Cổ đã hình thành ý tưởng dự án xây dựng tuyến đường sắt từ mỏ Tavan Tolgoi đến biên giới trong hơn một thập kỷ. Vào năm 2018, chính phủ thành lập công ty Tavantolgoi LLC để thực hiện dự án. Về vị trí địa lý, đồn biên phòng Gashuun Sukhait-Gantsmod là điểm giao cắt thứ hai giữa đường sắt nối Mông Cổ với Trung Quốc, điểm còn lại ở thị trấn Zamyn-Uud-Erlian phía đông.

Mạng lưới đường sắt của Mông Cổ, dài 1.900 km, được xây dựng gần như hoàn toàn trong thế kỷ 20 với sự giúp đỡ của Liên Xô. Nó chủ yếu bao gồm đường xuyên Mông Cổ giữa Nga và Trung Quốc, và một đường phụ đến thành phố Erdenet.

Indonesia nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu thanIndonesia nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu than
Nhật Bản yêu cầu Indonesia nối lại xuất khẩu thanNhật Bản yêu cầu Indonesia nối lại xuất khẩu than

Ngọc Duyên

AFP