Mỏ khí Hải Thạch - Mộc Tinh: Niềm kiêu hãnh Việt Nam

07:50 | 22/02/2015

|
(PetroTimes) - Tháng 9-2013 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đưa dự án dầu khí trọng điểm quốc gia -  cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh vào khai thác, đây là cụm mỏ ngoài khơi xa nhất, là công trình trên biển lớn nhất do Việt Nam trực tiếp thực hiện thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, trên thềm lục địa Việt Nam, cách Vũng Tàu khoảng 320km về phía đông nam. Dự án phát triển mỏ Hải Thạch -Mộc Tinh còn có tên gọi quen thuộc là dự án Biển Đông-1.

Câu chuyện từ tên dự án

Dự án phát triển mỏ dầu khí là một chuỗi các hoạt động, trong đó bao gồm việc chế tạo, xây lắp các công trình khai thác dầu khí. Thông thường mỗi dự án phát triển mỏ được gọi theo tên của mỏ dầu khí đó, chẳng hạn như: dự án Lan Tây, Sư Tử Đen, Cá Ngừ Vàng, Chim Sáo, Đại Hùng, Sư Tử Trắng … là để khai thác các mỏ dầu khí cùng tên. Tuy nhiên, riêng ở dự án khai thác khí tại cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh lại không gọi theo cách thông thường như vậy, một cái tên mới đã được đặt ở đây: dự án Biển Đông-1.

Biển Đông - một trong những danh từ gần gũi nhất trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam. Nói đến biển là nói đến cội nguồn từ huyền thoại trăm trứng, là nói đến niềm tự hào và tinh thần dân tộc từ hàng nghìn năm nay. Có thể thấy một điều, trải qua bao triều đại, đất nước được chia làm nhiều vùng miền theo đặc điểm địa lý, kinh tế, nhưng Biển Đông luôn là một Biển Đông duy nhất, ôm dọc theo chiều dài đất nước.

mo khi hai thach moc tinh niem kieu hanh viet nam

Với những người dầu khí, Biển Đông là một phần số phận của họ.Gần như cuộc đời và sự nghiệp của những người trong ngành Dầu khí đều liên quan với Biển Đông.Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) bắt đầu khai thác dầu khí trên biển từ năm 1986 nhưng phải hơn 20 năm sau mới có một dự án, công trình mang tên Biển Đông. Điều đó cho thấy, phải là công trình có quy mô, giá trị như thế nào mới được mang cái tên đầy ý nghĩa này. Cho đến nay, dự án Biển Đông-1 đang sở hữu hàng loạt kỷ lục ở Việt Nam.

Cần phải nói thêm rằng, khi đặt tên dự án là Biển Đông-1, những người lãnh đạo Petrovietnam không nghĩ theo hướng đây là dự án của các kỷ lục, vì kỷ lục không thể giữ mãi theo thời gian. Tên gọi Biển Đông xuất phát từ tinh thần yêu nước sẵn có trong tâm khảm những người dầu khí bấy lâu nay, từ niềm tự hào dẫn hướng cho những hành động, kể cả những hành động mà không phải ai trong xã hội cũng biết. Các công trình nhà giàn DK1 trên biển là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Từ những năm 1990 đến nay, toàn bộ các nhà giàn DK1 được thiết kế, chế tạo, thi công và duy tu, sửa chữa bởi những người thợ dầu khí, nhưng phải 20 năm sau xã hội mới biết được điều đó khi tình hình Biển Đông đột ngột nóng lên trên thực tế và trên mặt trận thông tin. Phải ra các công trình thật xa, cách bờ hàng trăm hải lý như ở dự án Biển Đông-1 mới thực sự thấy hình ảnh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên những ngọn sóng. Dự án Biển Đông-1 được đặt tên và mang ý nghĩa như vậy trong sâu thẳm mỗi người dầu khí. Số 1 ở đây để nói lên rằng ngành Dầu khí Việt Nam sẽ không chỉ có dự án Biển Đông-1.

Quá trình tìm kiếm, thăm dò

Hai mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh nằm trong 2 lô dầu khí 05-2 và 05-3 thuộc bể Nam Côn Sơn. Bể Nam Côn Sơn là khu vực có giếng khoan đầu tiên ngoài khơi Việt Nam, từ năm 1974. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại bể Nam Côn Sơn bị gián đoạn đến những năm đầu thập kỷ 1990, khi các công ty lớn trên thế giới như BP, Statoil gia nhập. Năm 1992, BP phát hiện mỏ khí Lan Đỏ, năm 1993 phát hiện mỏ khí Lan Tây nằm ở lô 06-1 (cạnh lô 05-2 & 05-3). Cùng năm đó, công ty này tiến hành khoan thăm dò dầu khí ở lô 05-3 và đã phát hiện mỏ khí Mộc Tinh, năm 1995 tiếp tục phát hiện mỏ khí Hải Thạch ở lô 05-2.

Đến 31-12-2014 các chỉ tiêu về sản lượng khai thác khí và condensate tại cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đều vượt mức kế hoạch sản xuất năm 2014:

Sản lượng khai thác khí: 1,674 tỷ mét khối (đạt 129% kế hoạch)

Sản lượng condensate: 360,980 tấn (đạt 117% kế hoạch)

Tổng doanh thu: 595 triệu USD (đạt 114% kế hoạch)

Một đặc điểm của các mỏ thuộc khu vực này là hầu hết những giếng khoan thăm dò đầu tiên đều gặp sự cố do điều kiện địa chất phức tạp, đặc biệt là vấn đề nhiệt độ cao, áp suất cao trong quá trình khoan. Cả 2 giếng thăm dò tại Mộc Tinh đều phát hiện khí nhưng đều phải hủy giếng do gặp phải các khó khăn trong quá trình vận hành.

Thực chất các mỏ khí ở đây, đặc biệt là mỏ Hải Thạch phải gọi là mỏ khí Condensate mới đúng tên của nó.Việc khai thác mỏ khí condensate thường khó khăn hơn các mỏ khí thiên nhiên từ vấn đề khai thác cho tới công nghệ xử lý. Có thể hiểu nôm na, tài nguyên dầu khí dưới lòng đất ở đây không đơn thuần là khí tự nhiên mà bao gồm nhiều hợp chất khác nhau. Khi chuyển trạng thái từ trong lòng đất lên mặt đất, một phần khí có thể thay đổi chuyển sang dạng lỏng, gọi là condensate. Nguyên tắc của nó cũng gần giống như các bình gas sử dụng trong mỗi gia đình. Sản phẩm ở trong bình gas ở dạng lỏng nhưng ra ngoài môi trường bình thường thì chuyển sang dạng khí dùng để đốt. Chỉ một chút biến đổi ngược lại như vậy thôi cũng gây thêm rất nhiều khó khăn trong công tác phát triển và khai thác mỏ.

Với trữ lượng lớn và điều kiện hoạt động dễ hơn, mỏ Lan Tây và Lan Đỏ đã được công ty BP triển khai xây dựng trước. Năm 2003, dòng khí đầu tiên từ mỏ Lan Tây đưa vào bờ qua đường ống Nam Côn Sơn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển của công nghiệp khí. Kể từ đó, thị trường khí có sự bứt phá mạnh mẽ, hình thành các khu vực tiêu thụ lớn, từ nhà máy điện cho tới các khu công nghiệp.

Thông thường các hoạt động khai thác, xử lý dầu thô thường ít phức tạp hơn so với khai thác mỏ khí, từ kỹ thuật đến thương mại. Dầu thô có thể tàng trữ được trong các con tàu chứa, nhưng với khí, việc khai thác gắn trực tiếp với thị trường tiêu thụ. Trong điều kiện Việt Nam chưa có các bể chứa khí trong lòng đất và mạng lưới đường ống rộng lớn thì vấn đề tiêu thụ luôn đóng vai trò trực tiếp chi phối hoạt động vận hành, khai thác.Chính vì thế, với các công ty dầu khí trên thế giới, việc tìm thấy mỏ khí là điều họ không mong muốn bằng tìm thấy mỏ dầu.

Công nghiệp khí của Việt Nam có được vị trí như ngày hôm nay nhờ công lớn của BP cũng như các công ty dầu khí khác. Đến nay tại các công trình khai thác ngoài biển, Việt Nam có hơn 2000km đường ống trong đó có hơn 1000km đường ống dẫn khí. Dài nhất vẫn đang là hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn từ mỏ Lan Tây với 362km trên biển.

Thành công của BP tại 2 mỏ Lan Tây và Lan Đỏ thúc đẩy hoạt động tìm kiếm thăm dò ở bể Nam Côn Sơn. Tuy nhiên với vai trò nhà điều hành, BP đã chọn 2 mỏ thuận lợi nhất để phát triển và để dành lại 2 mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Đến nay, hai mỏ khí Lan Tây- Lan Đỏ vẫn đang là nguồn cung khí chủ lực của Việt Nam.

Trong những năm kinh tế Việt Nam bùng nổ và thị trường khí bắt đầu mở rộng thì BP đã lên kế hoạch cho việc phát triển 2 mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh để đưa vào khai thác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau từ kinh tế đến chính trị, đầu năm 2009 các đối tác nước ngoài đã quyết định từ bỏ 2 mỏ khí trên sau khi tính toán cân nhắc quyền lợi của mình.

Sự ra đời của Biển Đông POC

Việc rút lui của BP và các đối tác khỏi 2 lô 05-2 và 05-3 đã đưa Petrovietnam vào tình thế khó khăn. Khối tài sản hàng tỷ USD vẫn có nguy cơ tiếp tục nằm trong lòng đất như đã từng “im ắng” từ suốt 15 năm trước. Câu hỏi đầu tiên xuất hiện ở đây là làm thế nào để đưa khối tài nguyên này lên mặt đất, phục vụ nền kinh tế quốc dân cũng như khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Trả lời được câu hỏi này là điều hoàn toàn không đơn giản. Nếu tìm đối tác khác để tiếp tục phát triển mỏ này sẽ phải là đối tác có quy mô như thế nào, có đủ tầm vóc không (vì BP là top 5 công ty hàng đầu thế giới về dầu khí), mất bao lâu để tìm hiểu, ký hợp đồng và khởi động lại các hoạt động đã chuẩn bị?

Một giải pháp mới được đặt ra: Petrovietnam sẽ tự thực hiện công việc này.

Cần phải khẳng định rằng bước đi táo bạo này là sự dũng cảm và quyết tâm cao độ của lãnh đạo Petrovietnam. Từ trước đến nay Việt Nam chưa từng tự triển khai dự án nào ở độ sâu 135m nước. Đến thời điểm đó, Petrovietnam mới chỉ có 3 mỏ khí và các công trình này hoàn toàn được thực hiện với công nghệ và kỹ thuật tại nước ngoài. Không chỉ vậy, hai mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh là các mỏ khí khó phát triển, đây là nơi có điều kiện địa chất phức tạp vào loại hiếm có trên thế giới, khí đốt ở giếng có nhiệt độ lên đến 170oC và áp suất hơn 400 atmosphere,vì thế BP đã để lại 2 mỏ này và ưu tiên 2 mỏ Lan Tây -Lan Đỏ mặc dù cả 4 mỏ được phát hiện gần như cùng thời điểm.

Tháng 1-2009, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BDPOC) được thành lập với nhiệm vụ tiếp quản “di sản” của BP để lại nhằm phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Một giai đoạn mới của lĩnh vực khai thác khí bắt đầu.

mo khi hai thach moc tinh niem kieu hanh viet nam

Dự án của những kỷ lục

Cho đến tận bây giờ, không phải ai cũng hiểu được quy mô của dự án Biển Đông-1, đặc biệt trong những ngày đầu triển khai. Bản thân một số người từ bộ phận điều hành cho tới các đơn vị trực tiếp thực hiện cũng chưa thể hình dung hết được quy mô bởi vì lần đầu thực hiện công trình quá lớn và triển khai trong thời gian ngắn như vậy.

Về quy mô, tổng khối lượng chế tạo của dự án Biển Đông-1 vào khoảng hơn 40.000 tấn. Nếu bao gồm cả thi công cọc thì tổng khối lượng chế tạo vào khoảng 60.000 tấn. Con số này bằng 20% tổng khối lượng chế tạo suốt trong 25 năm trước đó của toàn ngành Dầu khí, hoặc gấp 2 lần tổng khối lượng chế tạo của riêng công ty PTSC M&C suốt 10 năm từ khi thành lập.

Về độ sâu, đây là công trình giàn cố định có độ sâu nhất Việt Nam hiện nay, 135m. Nếu tính cả chiều cao của khối thượng tầng (topside) trên mặt biển thì toàn bộ 3 giàn khai thác của dự án Biển Đông-1 đều có chiều cao trên 150m. Trong vòng 4 năm qua, ngành Dầu khí đã chế tạo hơn 20 giàn khai thác, trong đó có 3 công trình của dự án Biển Đông-1 đều là những giàn có chiều cao nhất, thậm chí thuộc nhóm các công trình cao nhất Việt Nam. Riêng giàn xử lý trung tâm (PQP) có tổng chiều cao 250m.Độ cao này đang là công trình đứng thứ 3 tại Việt Nam sau tòa nhà Keangnam ở Hà Nội và tháp tài chính Bitexco ở thành phố Hồ Chí Minh.

Các kỷ lục về chiều cao, khối lượng của dự án Biển Đông-1 chỉ là một trong những điều đáng chú ý ở dự án này chứ chưa phải là tất cả. Như quy luật trong cuộc sống, vươn tới những tầm cao mới là những điều không phải ai cũng có thể dễ dàng làm nổi.Các vận động viên muốn đạt được những thành tích lớn đều phải khổ luyện từ nhỏ. Những đơn vị thực hiện dự án Biển Đông-1 cũng thế, để có được những thành tích ấn tượng ngày hôm nay, họ đã phải trải qua những ngày tháng rất vất vả, gian khổ ngay từ khi bắt đầu dự án.

Dự án Biển Đông 1 gồm nhiều hạng mục: Chân đế & Giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch , Chân đế & Giàn Mộc Tinh 1, cầu dẫn với khoảng 70km đường ống, 20km cáp ngầm. Tổng khối lượng chế tạo, lắp đặt của dự án Biển Đông 1 lên tới trên 60.000 tấn, trong đó riêng chân đế giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch nặng trên 16.000 tấn, khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm nặng trên 12.000 tấn. Để hoàn thành Giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch, PTSC M&C đã phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được tích lũy hiệu quả và dùng rất nhiều bản vẽ thiết kế chi tiết, phức tạp. Trong thời gian thi công cao điểm, Ban dự án đã phải huy động nguồn lực trên 3000 cán bộ kỹ sư, công nhân lao động tay nghề cao, làm việc 24/24h để đáp ứng thực hiện hoàn thành Dự án đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và hiệu quả công trình thi công.

Cho đến thời điểm này, đây là công trình xây dựng trên biển trong một thời điểm lớn nhất từ trước đến nay của Petrovietnam và là công trình được thiết kế hiện đại nhất, quy mô nhất ở Đông Nam Á. Đây cũng là công trình được đánh giá cao nhất về hệ số an toàn với 17 triệu giờ công lao động mà không xảy ra bất kỳ sự cố nào. Do có phương án thi công hợp lý, phát huy tối đa sức mạnh nội lực của các đơn vị trong Tập đoàn, công trình đã rút ngắn được thời gian so với dự tính ban đầu của các công ty nước ngoài là 2 năm, và tiết kiệm được 74 triệu USD.

Những hành động và kết quả của dự án Biển Đông-1 là câu trả lời đầy đủ về tiến độ dự án. Bắt đầu thiết kế FEED vào tháng 9-2009 và cho dòng khí đầu tiên (First gas) vào đầu tháng 8-2013 và dòng khí thương mại (Commercial gas) vào tháng 9-2013. Điều đó cho thấy, người Việt Nam có thể làm được những điều mà các công ty lớn trên thế giới đang thực hiện. Thành tích này trước hết là tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm của những người dầu khí.

Sau khi tiếp quản dự án này, với quyết tâm rất cao là không chỉ tìm kiếm nguồn năng lượng đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia mà còn khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Petrovietnam đã quyết định đầu tư toàn bộ và tất cả mọi phần việc đều do cán bộ, kỹ sư của Tập đoàn thiết kế, thi công và điều hành. Các đơn vị thành viên của Tập đoàn như Vietsovpetro, PV Drilling; PTSC… đã hoàn thành xuất sắc những phần việc được giao, đặc biệt là việc chế tạo giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PVD V, đã góp phần quan trọng vào thành công của dự án.

Có thể khẳng định rằng chưa có mỏ dầu khí nào gặp khó khăn trong chiến dịch thi công ngoài biển như ở dự án Biển Đông-1. Khó khăn từ điều kiện tự nhiên cho tới khó khăn về các vấn đề kỹ thuật cao của dự án.

Với tất cả những nỗ lực của các đơn vị tham gia dự án, ngày 24-7-2013, dòng khí từ giàn Mộc Tinh đã bắt đầu chảy về Hải Thạch và ngày 7-8-2013 tại giàn Hải Thạch đã có dòng khí đầu tiên (First Gas), cho ra những sản phẩm dầu khí của dự án Biển Đông-1, ghi dấu son mới trong lịch sử ngành Dầu khí.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã nhiệt liệt biểu dương tinh thần dũng cảm, ý chí khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công nhân viên Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông. Chủ tịch nhấn mạnh: “Công trình này là nơi thử thách lòng yêu nước, là nơi thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của những người làm dầu khí Việt Nam”.

Ngày 24-7-2013, dòng khí từ giàn Mộc Tinh đã bắt đầu chảy về Hải Thạch và ngày 7-8-2013 tại giàn Hải Thạch đã có dòng khí đầu tiên (First Gas), cho ra những sản phẩm dầu khí của dự án Biển Đông-1, ghi dấu son mới trong lịch sử ngành Dầu khí.

Giàn Mộc Tinh và giàn Hải Thạch được đặt trên 8 chiếc cọc thép có đường kính… 2,37m, dài 146m và thép có độ dày 75mm, khối lượng cọc là 4.500 tấn. Giàn xử lý trung tâm được đặt trên 12 cọc thép cùng loại như vậy và khối lượng cọc lên đến… 6.000 tấn.

Giàn MT1: Phần cọc cho chân đế đóng ngập trong lòng đất 115m, phần chân đế nhô lên khỏi mặt đất lên hết mặt nước là 131m.

Các giàn HT1 và PQP: Phần cọc cho chân đế đóng ngập trong lòng đất: 132m, phần chân đế nhô lên khỏi mặt đất lên hết mặt nước là 147m.

(Bài viết sử dụng tài liệu từ Ban Khai thác Dầu khí – Petrovietnam)

Nguyễn Tiến Dũng