Majors tăng cường chuyển dịch sang năng lượng tái tạo

10:35 | 14/12/2021

|
(PetroTimes) - Các công ty dầu khí quốc tế hàng đầu (Big Oils) đang cho thấy quyết tâm đầu tư vào NLTT là một phần của giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều đó thể hiện qua việc đầu tư vào các loại hình năng lượng mới đang gia tăng nhanh chóng. Hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài viết phân tích về việc các công ty dầu khí toàn cầu (majors) đang tích cực chuyển dịch sang đầu tư vào NLTT.
Majors tăng cường chuyển dịch sang năng lượng tái tạo

Các chi phí cho năng lượng mới, NLTT đã tăng bao nhiêu?

Majors tăng cường chuyển dịch sang năng lượng tái tạo
Đầu tư và năng lượng mới của các majors tăng gấp đôi trong vòng hai năm. Nguồn: Wood Mackenzie

Theo thống kê của Wood Mackenzie, tổng các khoản chi tiêu của các majors vào năng lượng mới, NLTT đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2019 - 2020. Hai năm trước đó, các majors ở châu Âu đã lên kế hoạch chi trung bình hàng tỷ USD cho phát triển năng lượng mới, chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư của họ. Một giai đoạn phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT đã được thiết lập. Ngân sách trung bình mà majors lên kế hoạch cho cho các dự án NLTT là khoảng 4 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư thường niên, trong đó Repsol đặt mục tiêu cao nhất là phân bổ 35% đầu tư thường niên cho các dự án NLTT đến năm 2025.

Một thay đổi lớn so với hai năm trước là cuộc đua đầu tư vào NLTT đã có thêm sự tham gia của các majors Mỹ. Wood Mackenzie kỳ vọng, hai tập đoàn dầu khí ExxonMobil và Chevron sẽ đi theo xu hướng chuyển dịch năng lượng này. Kế hoạch ban đầu của hai majors này là phân bổ khoảng 10% chi tiêu của mình cho các dự án phát thải carbon thấp.

Các majors đầu tư vào lĩnh vực nào?

Thực tế cho thấy, các majors chủ yếu tập trung vào NLTT, nhằm đón đầu cơ hội tăng trưởng tức thì khi toàn thế giới gia tăng điện khí hóa. Năng lượng mặt trời, năng lượng gió trên bờ và gió ngoài khơi là một trong số ít các công nghệ carbon thấp có tính thương mại và tiềm năng mở rộng. Việc các majors đa dạng hóa danh mục đầu tư sang NLTT sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Tập đoàn năng lượng TotalEnergies đặt mục tiêu tăng 10 lần công suất NLTT, lên khoảng 50 GW ròng vào vào năm 2030. Tập đoàn dầu khí BP cũng đặt ra cho mình mục tiêu tương tự. Cả hai majors này có thể nằm trong TOP 5 nhà phát triển NLTT lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này. Các mục tiêu NLTT của các tập đoàn tiện ích (Enel đặt mục tiêu 120 GW công suất, Iberdrola đặt mục tiêu 95 GW) cũng cho thấy xu hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh sang tập đoàn năng lượng hiện nay.

Đa dạng hóa về mặt địa lý cũng chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược của các majors khi đầu tư mạnh vào NLTT. Chúng ta có thể thấy danh mục NLTT được mở rộng ra các thị trường quốc tế, không hề thua kém lĩnh vực E&P. Ví dụ như tập đoàn dầu khí Equinor đang đầu tư vào 15 GW công suất tại 14 quốc gia, BP triển khai các dự án của mình ở 15 quốc gia, TotalEnergies triển khai ở 17 quốc gia. Sự gia tăng cạnh tranh trong cuộc đua NLTT đã buộc các majors phải có tầm nhìn xa hơn để nắm bắt các cơ hội mới. TotalEnergies cũng đã thiết lập mạng lưới gồm 50 đơn vị phát triển NLTT ở 50 quốc gia.

Một trọng tâm khác của quá trình đầu tư vào NLTT của majors là phát triển cơ sở khách hàng. Hai tập đoàn Shell và BP dự kiến chi hơn 10% tổng ngân sách 5 năm của mình cho hoạt động tiếp thị và bán lẻ. Khách hàng sẽ là một phần quan trọng trong cách tiếp cận chuỗi giá trị tích hợp đối với nền kinh tế carbon thấp: từ sản xuất điện đến cung cấp các giải pháp năng lượng cho các phân khúc công nghiệp, thương mại và bán lẻ. Kinh doanh năng lượng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị. Các dịch vụ tăng thêm dành cho khách hàng sẽ gồm sạc điện, giải pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý tài nguyên năng lượng phân tán.

Công nghệ CCS và hydro sẽ phù hợp ở đâu?

Tất cả các majors đều mong muốn các công nghệ mới này đóng vai trò lớn trong thế giới không phát thải ròng carbon. Mặc dù đầu tư vào hai công nghệ này vẫn còn khiêm tốn, nhưng ngân sách dự kiến cho CCS và hydro sẽ lớn hơn nhiều lần khi xuất hiện những dự án có tính thương mại và quy mô lớn hơn.

Các dự án đường ống thu gom, vận chuyển CO2 trong khuôn khổ các dự án CCS cũng đang phát triển theo cấp số nhân. Tổng chiều dài đường ống dẫn CCS của các majors đã tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng qua, trong đó tập đoàn ExxonMobil đang sở hữu năng lực cao gấp đôi so với các đối thủ.

Các đường ống dẫn hydro đang trong giai đoạn sơ khai song thị trường cũng ghi nhận sự phát triển nhanh chóng. Việc sản xuất hydro hiện tại của các majors trong khuôn viên các nhà máy lọc dầu mang lại cho họ lợi thế sớm trên thị trường. Tất cả majors đều coi sản xuất hydro từ nhiên liệu hóa thạch kết hợp công nghệ CCS và phát triển hydro “xanh” là một cơ hội tăng trưởng rất lớn. Các tập đoàn Equinor, Shell và BP đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Năng lượng mới có đảm bảo lợi nhuận?

Wood Mackenzie cho rằng, chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. Một số dự án NLTT đang có biên độ lợi nhuận ở mức trung bình, khá cạnh tranh so với các dự án thượng nguồn. Đặc biệt, có những dự án có chỉ số IRR cao. Về tổng thể, rủi ro trong phát triển năng lượng mới đang được quản trị khá tốt, có sự điều chỉnh giảm. Việc tích hợp giữa các dự án năng lượng mới và dự án thượng nguồn cũng đẩy lợi nhuận từ NLTT tăng lên.

Đầu tư vào năng lượng mới sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu đầu tư?

Theo Wood Mackenzie, dầu khí sẽ tiếp tục cho phối lợi nhuận và dòng tiền trong những năm tiếp theo. Theo ước tính của Wood Mackenzie, ngay cả đối với Equinor - tập đoàn có tăng trưởng NLTT tích cực nhất, năng lượng mới sẽ chỉ đóng góp 15% dòng tiền hoạt động của hãng vào năm 2030 trên cơ sở các tài sản thương mại hiện nay. Chỉ khi các majors tăng cường mở rộng danh mục NLTT, đóng góp của lĩnh vực nào trong cơ cấu tăng trưởng sẽ gia tăng.

Xu hướng ủng hộ đầu tư vào các công nghệ năng lượng carbon thấp ngày càng gia tăng và sự xuất hiện của các majors Mỹ khiến lĩnh vực đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn. Wood Mackenzie dự báo, đầu tư cho các công nghệ carbon thấp sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới.

Khi các majors thúc đẩy mục tiêu không phát thải carbon ròng của mình, Wood Mackenzie dự báo, chi tiêu của các majors cho lĩnh vực năng lượng mới sẽ cân bằng với đầu tư dầu khí vào năm 2030.

Tiến Thắng