Luật hydrocacbon của Romania cần sửa đổi để giữ chân các nhà đầu tư

07:00 | 03/12/2021

|
(PetroTimes) - Romania sửa đổi Luật hydrocacbon ngoài khơi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư, những người chờ đợi những sửa đổi này để tiến hành quyết định đầu tư cuối cùng cho các dự án khí đốt.
Luật hydrocacbon của Romania cần sửa đổi để giữ chân các nhà đầu tư
Giàn trung tâm của Petromar ở Biển Đen.

Năm 2018, Nghị viện Romania đã thông qua Luật Biển, trong đó thiết lập các nguyên tắc khai thác khí ở Biển Đen. Theo luật, các nhà đầu tư có nghĩa vụ giao dịch 50% khí đốt trên thị trường chứng khoán Romania, và 25% nhân viên của họ phải là người Romania. Một số quy định của Luật Biển 2018 mâu thuẫn với Luật Năng lượng tác động tiêu cực đến ngành và dẫn đến việc hoãn các quyết định đầu tư cho các phát hiện mới ở ngoài khơi và môi trường đầu tư nói chung.

Các nhà đầu tư mong chờ sửa đổi luật hydrocacbon ngoài khơi tạo môi trường thuận lợi cho các dự án khí ở Biển Đen, vốn rất cần thiết cho nguồn cung cấp năng lượng của Romania. Nếu những dự án này không thành hiện thực, nhập khẩu khí đốt của Romania có thể tăng lên 40% lượng tiêu thụ nội địa vào năm 2030.

Công ty dầu khí lớn nhất Romania OMV Petrom cho rằng năm 2021 rất quan trọng đối với các dự án khí đốt ngoài khơi ở Biển Đen, vì khí ở đó đang chờ được khai thác và quyết định đầu tư chỉ phụ thuộc vào các biện pháp do các nhà chức trách Romania quyết định. Trên thực tế, quyết định đầu tư của liên doanh OMV Petrom-ExxonMobil đã bị hoãn trong vài năm.

Mục tiêu chính sách của chính phủ

Romania vẫn chưa phê duyệt Chiến lược Năng lượng Quốc gia mới. Tuy nhiên, vào năm 2020, chính phủ đã công bố tài liệu chiến lược mới cho giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này nằm trong Kế hoạch Khí hậu-Năng lượng Quốc gia (NECP) 2021-2030, được chính phủ phê duyệt vào năm 2020, theo yêu cầu của Chỉ thị Quản lý Năng lượng mới của EU.

Việc lập kế hoạch chiến lược trong lĩnh vực năng lượng của Romania được kỳ vọng sẽ tiếp tục đường lối hiện tại là đảm bảo quốc gia này giữ được nguồn năng lượng đa dạng và cân bằng, có nghĩa là các chính sách sẽ không có tác động đáng kể đến lĩnh vực dầu mỏ. Đáng chú ý nhất, cả dự án Chiến lược Năng lượng và NECP đều nhấn mạnh sự gia tăng sản xuất điện từ khí đốt trên toàn quốc, chủ yếu là sự chuyển dịch ngầm từ than sang khí tự nhiên trong lĩnh vực sản xuất điện. Do đó, khoảng các nhà máy điện khí mới với công suất phát tổng hợp là 1.600 MW được lên kế hoạch xây dựng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn sắp tới từ Thỏa thuận Xanh Châu Âu.

Thị trường hiện tại

Để ngăn chặn đà suy giảm sản lượng, các công ty cần đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực dầu mỏ của Romania. Khả năng của họ sẽ phụ thuộc nhiều vào cả mức giá dầu quốc tế và các thay đổi về thuế do chính phủ thực hiện. Với tình hình giá dầu sụt giảm như hiện nay, các khoản đầu tư nhằm duy trì hoặc tăng sản lượng dự kiến ​​sẽ giảm. Một số mỏ dầu trưởng thành đã kết thúc hoạt động trong 5 năm qua do chúng mất khả năng thương mại, xu hướng tương tự được ước tính sẽ tiếp tục trong vài năm tới.

Khung pháp lý gần đây

Luật số 85/2018 đưa ra các điều kiện thiết lập và duy trì mức dự trữ dầu và sản phẩm dầu mỏ ở mức tối thiểu để đảm bảo an ninh nguồn cung trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn lớn, tình huống khẩn cấp hoặc tình huống khủng hoảng cục bộ. Yêu cầu này áp dụng cho Cục Dự trữ Trung ương Romania và bất kỳ pháp nhân nào khác tiếp thị hơn 500 tấn sản phẩm dầu thô hoặc dầu mỏ ở Romania trong một năm.

Mức dự trữ khẩn cấp mà mỗi bên lưu kho phải duy trì tỷ lệ thuận với thị phần dầu hoặc sản phẩm dầu mỏ của họ tại Romania trong năm tham chiếu.

Về việc thiết lập và duy trì các kho dự trữ cụ thể, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho Ủy ban Châu Âu về mức độ của các kho dự trữ đó và thời gian duy trì chúng (ít nhất phải là một năm dương lịch ).

Luật Biển 2018

Năm 2018, Romania sửa đổi Luật Biển (Luật 256/2018) qui định một số biện pháp cần thiết để thực hiện các hoạt động dầu khí, đánh thuế bổ sung đối với thu nhập phát sinh từ việc bán khí đốt tự nhiên từ các hoạt động phát triển ngoài khơi. Sau đó, Chính phủ Romania lại thông qua Sắc lệnh Khẩn cấp (GEO 114/2018) áp đặt giá trần có thời hạn đối với việc bán khí tự nhiên, nhưng lại mâu thuẫn với Luật Năng lượng về thời hạn không xác định của giá trần, do đó tạo ra mâu thuẫn trong việc thực thi luật.

Các hoạt động trên bờ cũng bị ảnh hưởng bởi hai phán quyết của Tòa án Hiến pháp Romania (Quyết định số 585 và 621) đã hủy bỏ quyền sử dụng đất của người có giấy phép hoạt động thăm dò, khiến người có giấy phép phải tìm cách ký kết hợp đồng với chủ sở hữu đất để có được quyền đi lại trên đất của lô hợp đồng.

Từ năm 2020, luật Romania qui định bất kỳ việc chuyển nhượng quyền điều hành hoặc quyền kiểm soát nào trong bất kỳ công ty nào đang có hợp đồng nhượng địa đều cần chấp thuận của Chính phủ và nếu không sẽ bị vô hiệu hóa. Chính phủ giữ quyền phê duyệt, sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng nhượng địa đang được chuyển nhượng với lý do an ninh quốc gia.

Khí tự nhiên.

Nếu giá bán thực tế của khí thiên nhiên cao hơn giá bán tối đa thì chênh lệch đó phải chịu mức thuế là 90% (sẽ được trích lập trong một quỹ đặc biệt của chính phủ chỉ dành riêng để giúp đỡ những người tiêu dùng). Quy định này cũng có tính chất khó hiểu và đã gây ra các cuộc tranh luận gay gắt giữa các bên liên quan trong ngành và Chính phủ.

Đầu năm 2019, Black Sea Oil and Gas đã công bố quyết định đầu tư cuối cùng vào việc phát triển khí đốt của họ ở Biển Đen. Năm 2020, Exxon Mobil thông báo quyết định rút khỏi các hoạt động ở ngoài khơi Romania. Quyết định đầu tư của liên doanh OMV Petrom-ExxonMobil đã bị hoãn trong vài năm do tác động tiêu cực đến đầu tư của Luật Biển (Luật 256/2018).

Mai Hồ