LNG có thực sự trung hòa carbon?

08:23 | 27/01/2022

|
(PetroTimes) - Các công ty dầu khí đang tìm cách bảo vệ vai trò của nhiên liệu khí trong quá trình chuyển đổi năng lượng đã mở rộng sử dụng nhiên liệu LNG trung hòa carbon. Lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này cho phép người mua và người bán trao đổi lượng phát thải khí nhà kính từ mỗi lô hàng LNG thông qua cơ chế bù đắp carbon. Tuy nhiên, thương mại LNG trung hòa carbon hiện nay vẫn thiếu tính minh bạch và nhất quán.
LNG có thực sự trung hòa carbon?

Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) mới đây đã có bài viết đánh giá về vai trò và triển vọng của nhiên liệu LNG trung hòa carbon (tức trong quá trình sản xuất LNG, toàn bộ lượng khí thải carbon được hấp thụ hoặc bù đắp bằng một lượng tương đương).

Sự hấp dẫn của LNG trung hòa carbon là rất rõ ràng. Các giao dịch cho phép người bán và người mua bù đắp lượng khí thải của những lô hàng LNG bằng cách tài trợ cho các dự án loại bỏ khí thải tương đương ở những nơi khác. Các dự án đủ điều kiện nhận tín chỉ carbon bao gồm các chương trình trồng rừng và tái trồng rừng đến các trang trại điện gió mới. Chi phí bù đắp carbon có thể được chia sẻ giữa người bán và người mua LNG và giữa những người mua LNG và người tiêu dùng cuối cùng, chẳng hạn như các công ty tiện ích và các nhà sản xuất công nghiệp. Phạm vi bù đắp carbon cũng khác nhau. Một số thỏa thuận LNG trung hòa carbon bao gồm lượng khí thải trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, tức là từ đầu giếng khai thác đến quá trình đốt cháy của người tiêu dùng cuối cùng. Một số thỏa thuận khác thì chỉ bao gồm lượng khí thải từ đầu giếng đến bồn chứa, tức trong giai đoạn từ sản xuất đến giao hàng. Thuật ngữ LNG trung hòa carbon hiện chưa có cách hiểu đồng nhất vì bù đắp carbon ở đây có thể bao gồm các khí nhà kính khác ngoài CO2 như CH4, NO.

Bất chấp động lực nêu trên, trên thị trường vẫn tồn tại sự hoài nghi đối với nhiên liệu LNG trung hòa carbon. Có ít nhất bốn vấn đề chính hiện nay gồm: quy mô phát thải trên mỗi đơn vị hàng hóa cần được bù đắp carbon; chất lượng của việc hạch toán phát thải; hiệu quả của việc bù đắp carbon và lợi ích môi trường cuối cùng của các giao dịch này. Mỗi vấn đề đều đặt ra những thách thức về độ tin cậy.

Thứ nhất, các nhà sản xuất LNG khó có thể làm tất cả để bù đắp khí thải cho một ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon. Theo những ước tính khác nhau, lượng phát thải khí nhà kính trong vòng đời của một đơn vị hàng hóa LNG trung hòa carbon, bao gồm sản xuất thượng nguồn, hóa lỏng, vận chuyển, tái hóa khí và đốt cháy là 250.000 tấn CO2 quy đổi. Quá trình đốt cháy khí ở hạ nguồn có thể chiếm 70-75% lượng phát thải trên mỗi đơn vị hàng hóa, nhưng có sự thay đổi lớn hơn về cường độ phát thải đối với phân khúc từ đầu giếng đến phân phối. Ví dụ, khí đốt từ lưu vực Permian (Mỹ) được hóa lỏng tại một cơ sở LNG ở Bờ Vịnh và được vận chuyển đến Đông Bắc Á sẽ có đặc điểm khí thải khác với nhiên liệu LNG xuất khẩu từ Qatar hoặc Nga.

Bất kể cấu hình phát thải chính xác của từng loại LNG là bao nhiêu, việc cân bằng lượng khí thải trên quy mô lớn là một nhiệm vụ không nhỏ. Các công ty LNG có thể phải trồng 240.000 cây xanh để bù đắp lượng khí thải từ một chuyến hàng LNG. Do đó, việc bù đắp khí thải cho tất cả các lô LNG được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2020 có thể buộc trồng mới 1,5 tỷ cây xanh mỗi năm.

Vấn đề thứ hai là chất lượng của việc hạch toán phát thải khí nhà kính. Khi những chuyến hàng LNG trung hòa carbon đầu tiên được cung cấp, có rất ít sự minh bạch về cách tính lượng khí thải. Việc sử dụng các ước tính phát thải chung là không phù hợp. Nếu không có đo lường, báo cáo và xác minh chi tiết đối với chuỗi cung ứng cụ thể và cho từng loại LNG riêng lẻ thì không có cách nào để tính toán mức bù đắp phát thải carbon một cách chính xác và chi tiết. Tháng 11/2021, một hiệp hội ngành đã thực hiện một bước quan trọng trong việc tiêu chuẩn hóa lượng khí thải tính toán cho nhiên liệu LNG trung hòa carbon. Một số công ty sản xuất LNG đã công bố một phương pháp luận chi tiết để đưa ra các tuyên bố về phát thải khí nhà kính đối với các lô hàng LNG đã giao. Một nhà xuất khẩu LNG của Mỹ cũng đã công bố bản phân tích vòng đời của lô hàng LNG cụ thể cho chuỗi cung ứng của họ. Các khuôn khổ về phát thải khí nhà kính này, nếu được áp dụng rộng rãi, sẽ tạo ra bức tranh chính xác hơn về tác động của một loại LNG cụ thể (bao gồm cả cường độ khí metan của nó).

Vấn đề thứ ba là chất lượng bù đắp carbon làm cơ sở cho các giao dịch LNG trung hòa carbon. Với việc ngày càng có nhiều công ty đặt ra mục tiêu không phát thải ròng carbon, thị trường bù đắp carbon từ nhiên liệu hóa thạch (bao gồm dầu cũng như khí đốt) đã phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hoài nghi về tính nhất quán và chất lượng của việc bù đắp carbon. Các vấn đề bao gồm sự khác biệt thường xuyên giữa việc cắt giảm hoặc loại bỏ carbon thực tế; xung đột lợi ích tiềm tàng giữa các bộ phận xác minh của bên thứ ba; thiếu quản lý của thị trường để đảm bảo tính nhất quán. Khi quy mô thương mại LNG trung hòa carbon ngày càng tăng, sự giám sát đối với chất lượng bù đắp carbon sẽ phải chặt chẽ và hiệu quả hơn. Ngành công nghiệp khí sẽ phải làm tốt hơn công việc xác minh chất lượng bù đắp carbon.

Cho đến nay, chi phí bù đắp carbon trên thị trường vẫn còn khá thấp, vào khoảng 40-50 UScent/MMBTU, so với giá LNG giao ngay tại thị trường Đông Bắc Á hiện nay là khoảng 32 USD/MMBTU. Về lý thuyết, khi thị trường phát triển sâu hơn và tính minh bạch được cải thiện, giá LNG sẽ tăng để phản ánh tốt hơn chi phí thực sự cho bù đắp lượng khí thải trên mỗi đơn vị hàng hóa. Giá bù đắp carbon là con dao hai lưỡi. Các khoản bù đắp đắt đỏ sẽ làm tăng thêm chi phí đối với người mua.

Vấn đề cuối cùng là ngành công nghiệp LNG phải thẳng thắn nhìn nhận những tác động cuối cùng của LNG trung hòa carbon. Người mua đôi khi coi LNG trung hòa carbon là một phương tiện để cắt giảm lượng khí thải của họ hoặc đạt được các mục tiêu không phát thải ròng carbon. Để đảm bảo tính nhất quán, Nhóm các nhà nhập khẩu khí hóa lỏng quốc tế (GIIGNL) đã đề xuất rằng, chỉ nên dán nhãn LNG trung hòa carbon cho các lô hàng đã giảm phát thải Phạm vi 3 (phát thải từ năng lượng được sử dụng trong quá trình truyền tải và phân phối năng lượng).

Tiến Thắng