Liệu Trung Đông có cứu được châu Âu?

09:15 | 28/09/2022

|
(PetroTimes) - Đức - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng, đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga. Những giải pháp của Đức gồm có Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar. Qua chuyến công du tới vùng Vịnh, Thủ tướng Đức mong muốn tăng cường hợp tác năng lượng với các nước trong khu vực.
Liệu Trung Đông có cứu được châu Âu?
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trao đổi với Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman trong khuôn khổ chuyến thăm.

Trong bối cảnh giá năng lượng bùng nổ, Đức sẽ sớm đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế từ năm 2023. Ngoài ra, nền sản xuất công nghiệp của Đức đang giảm sút. Do đó, ông Olaf Scholz - Thủ tướng Đức, đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga để đảm bảo nguồn cung toàn quốc khi mùa đông đang cận kề.

Trong bối cảnh đó, ông Olaf Scholz đã chuyển hướng sang Trung Đông. Cụ thể hơn là 3 quốc gia vùng Vịnh: Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar. Qua chuyến công du gần đây, Đức mong muốn tăng cường quan hệ đối tác về năng lượng với các quốc gia trên.

Đức đặt hy vọng vào Ả Rập Xê-út

Tại Ả Rập Xê-út, ông Olaf Scholz đã gặp Thái tử Mohammed bin Salman để bền chặt mối quan hệ đối tác năng lượng giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, với ý định đi xa hơn nhiên liệu hóa thạch, Đức đã trao đổi về cả năng lượng tái tạo và thủy điện.

Ngoài vấn đề năng lượng, Thủ tướng Đức còn đề cập đến vấn đề nhân quyền. Nguyên nhân nằm ở vụ án sát hại nhà báo Jamal Khashoggi diễn ra vào 4 năm trước, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn thế giới.

Toàn cảnh quan hệ đối tác với các nước vùng Vịnh

Ngoài Ả Rập Xê-út, Đức còn đặt cược vào UAE và Qatar.

Theo một thông báo, tập đoàn năng lượng RWE (Đức) đã hoàn tất ký kết thỏa thuận với Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC - UAE) để cung cấp LNG cho Đức từ cuối tháng 12/2022. Tuy sản lượng giao dịch vẫn còn thấp, thỏa thuận này là bước đầu quan trọng về mặt hợp tác chính trị và kinh tế.

Về thỏa thuận này, ông Olaf Scholz nhận xét: “Đức muốn năng lực sản xuất LNG trên toàn thế giới phải thật mạnh mẽ để có thể đáp ứng nhu cầu cao hiện nay. Như vậy, chúng tôi mới không cần phải dựa vào năng lực sản xuất của Nga”.

Theo thỏa thuận, ADNOC sẽ giao 137.000 m3 LNG qua lô hàng đầu tiên đến cảng LNG nổi Brunsbüttel của Đức. Những lô hàng tiếp theo sẽ được vận chuyển vào năm 2023.

Ngoài ra, ADNOC sẽ cung cấp những loại hàng khác cho các công ty của Đức. Ví dụ, amoniac cho Steag và Aurubis; khoảng 250.000 tấn dầu diesel/tháng cho công ty vận chuyển Hoyer.

Đức cũng đã ký một thỏa thuận với ông Mohammed bin Zayed al-Nahyann - Tổng thống UAE. Thỏa thuận này tập trung vào việc tăng cường an ninh năng lượng và tăng trưởng công nghiệp.

Cuối cùng, để tuân thủ lộ trình chuyển dịch năng lượng, Đức đã ký kết một thỏa thuận với Masdar Clean Energy (UAE) để phát triển năng lượng gió ngoài khơi.

Liệu Trung Đông có cứu được châu Âu?
Thủ tướng Đức và Tổng thống UAE chứng kiến lễ ký thỏa thuận cung cấp LNG và diesel của UAE cho Đức

Liệu Đức có những giải pháp nào khác?

Để đối phó với khủng hoảng năng lượng, Đức đang đẩy mạnh đầu tư phát triển vào các cảng LNG nổi. Hiện tại, đã có 2 dự án cảng LNG được lên kế hoạch, với dự kiến sức chứa đạt 12,5 tỷ m3 khí, chiếm 13% lượng khí đốt tiêu thụ của Đức vào năm 2021.

Về thỏa thuận giữa RWE với ADNOC về việc xây dựng cảng LNG nổi, RWE cho biết: “Đây là một bước quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp LNG ở Đức và thiết lập sự đa dạng nguồn cung khí”.

Mặt khác, hàng nghìn người Đức đã biểu tình yêu cầu mở đường ống Nord Stream 2 - dự án phụ trách vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức. Tuy nhiên, sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine, Berlin đã cho đình chỉ dự án.

Đức xem xét kế hoạch giới hạn giá khi khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơnĐức xem xét kế hoạch giới hạn giá khi khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn
Đức nghi Nord Stream 2 bị tấn côngĐức nghi Nord Stream 2 bị tấn công
Đức nỗ lực giảm phụ thuộc dầu khí của NgaĐức nỗ lực giảm phụ thuộc dầu khí của Nga

Ngọc Duyên

AFP