Kỳ IV: Triển vọng nhu cầu LNG của Châu Âu
Ảnh minh họa |
Từ đầu năm 2022, châu Âu đã bổ sung 52 tỷ mét khối (bcm) LNG công suất tái hóa khí, bao gồm các dự án mở rộng và kho cảng mới. Việc nhập khẩu bổ sung thêm 94 bcm LNG được đề xuất có thể nâng tổng lượng nhập khẩu LNG của châu Âu lên 405 bcm (2030), theo đó, IEEFA dự báo nhu cầu LNG của châu Âu sẽ không vượt quá 133 bcm và 272 bcm LNG tồn kho (2030).
Giá khí đốt ở châu Âu đã ổn định trong bối cảnh nhu cầu giảm và mức dự trữ cao. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm từ mức cao nhất năm 2022 phần lớn do mùa đông ôn hòa, nhu cầu yếu, tăng cường sản xuất thủy điện và điện hạt nhân cũng như hiệu suất năng lượng tái tạo mạnh mẽ với kho dự trữ khí đốt vẫn ở mức cao kỷ lục. Mặc dù giá cả thấp hơn có thể khuyến khích sự phục hồi nhu cầu khí đốt, nên xu hướng cơ cấu cho thấy nhu cầu khí đốt và LNG giảm đến năm 2030.
Châu Âu đã nhập khẩu lượng LNG kỷ lục vào năm 2022 để thay thế nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của CHLB Nga bị mất và hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt của CHLB Nga. Tuy nhiên, nhu cầu khí đốt nói chung đã giảm 20% trong hai năm qua, xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ do chuyển đổi năng lượng, gia tăng các biện pháp sản xuất năng lượng điện hạt nhân và thủy điện, thời tiết ôn hòa và hiệu quả năng lượng. Các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu EU đã nhất trí tiếp tục giảm nhu cầu khí đốt để củng cố an ninh cung cấp năng lượng và kiềm chế sự biến động giá cả.
Năm 2023, nhập khẩu LNG của châu Âu không thay đổi ở mức 167 bcm và tổng nhu cầu khí đốt tự nhiên giảm 7,4%, bao gồm các nước EU giảm tiêu thụ khí đốt nhiều nhất từ năm 2021 đến năm 2023 là CHLB Đức (-17,6 bcm), Ý (-14,4 bcm), CH Hà Lan (-10,9 bcm), CH Pháp (-8,6 bcm) và Tây Ban Nha (-4,8 bcm). Các nước EU cũng cam kết tự nguyện cắt giảm mức sử dụng khí đốt từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 ít nhất 15% so với mức tiêu thụ trung bình trong năm năm trước đó. LNG chiếm 37% tổng nhu cầu khí đốt của châu lục vào năm 2023, tăng từ mức 34% (2022) và 19% (2021). Năm 2023, Châu Âu nhập khẩu LNG chủ yếu từ Hoa Kỳ (46%), Qatar (12,1%), CHLB Nga (11,7%) và Algeria (9,5%) với trị giá 60,97 tỷ euro (2023) và 110,57 tỷ euro (2022).
Do nhu cầu tổng thể giảm đã góp phần khiến mức dự trữ khí đốt tăng cao nên EU đã vượt quá mục tiêu dự trữ khí đốt do quy định dự trữ khí đốt đặt ra (6/2022), yêu cầu cơ sở dự trữ phải lấp đầy ít nhất 80% trước mùa đông năm 2022/23 và 90% trước mùa đông tiếp theo. Mục tiêu lấp đầy kho dự trữ 80% đã đạt được (8/2022), hơn 80% (tháng 7), hơn 90% (tháng 8) và đạt 100% vào tháng 11/2023.
CHLB Nga là đối tác thương mại LNG lớn thứ ba của châu Âu sau Hoa Kỳ và Qatar, bất chấp những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của CHLB Nga, châu Âu đã nhập khẩu 19,47 bcm LNG (2023) so với 19,44 bcm (2022), theo Kpler. Người mua LNG lớn nhất của CHLB Nga ở châu Âu năm 2023 là Tây Ban Nha (34%), CH Pháp (24%) và Bỉ (21%). Tây Ban Nha và Bỉ đã gia tăng mua LNG của CHLB Nga vào năm 2023 thêm 34% và 42% tương ứng, trong khi CH Pháp giảm lượng mua vào ở mức 35%. Các kho cảng LNG ở Bỉ và CH Pháp cũng vẫn tiếp tục trung chuyển khối lượng LNG của CHLB Nga từ dự án khí Yamal sang thị trường châu Âu. Tháng 11/2023, Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhà điều hành dự án LNG Bắc Cực 2 ở Siberia liên doanh giữa hãng Novatek (chiếm 60% cổ phần) với TotalEnergies, Mitsui, các tập đoàn CNPC, và CNOOC (Trung Quốc), mỗi công ty nắm giữ 10% cổ phần. Liên doanh LNG Bắc Cực 2 đều đã đồng ý tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, do vậy, việc thiếu đội tàu chở LNG do lệnh trừng phạt chống lại CHLB Nga có thể hạn chế xuất khẩu LNG từ dự án quan trọng này.
Trong ngành điện lực, sự tăng trưởng liên tục trong sản xuất năng lượng tái tạo đã bù đắp cho việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Theo Eurostat, năng lượng tái tạo đã tạo ra 41% điện năng của châu lục (2023), bao gồm 18,5% từ gió, 9% từ năng lượng mặt trời và 13,5% từ thủy điện. Trong khi đó, tổng sản lượng điện khí đốt giảm 16% vào năm 2023 và chỉ chiếm 17% tổng nguồn điện của EU. EU cũng bổ sung thêm 56 gigawatt (GW) công suất năng lượng mặt trời mới, tăng 40%, trong khi việc triển khai năng lượng mặt trời trên mái nhà của EU và Vương quốc Anh tăng 54% và gần 30% tương ứng. Đồng thời tăng cường ràng buộc mục tiêu năng lượng tái tạo đến năm 2030 tối thiểu là 42,5%, tăng so với mục tiêu trước đó là 32%.
Nhu cầu khí đốt công nghiệp chưa quay trở lại mức trước năm 2022, cho thấy giá khí đốt giảm chưa đạt đến mức có thể khuyến khích sự hồi sinh của hoạt động công nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu ở khu vực thương mại và dân cư vẫn yếu mặc dù giá khí đốt giảm do ảnh hưởng nhẹ của thời tiết, các biện pháp tiết kiệm năng lượng và triển khai máy bơm nhiệt. Năm 2022, doanh số bán máy bơm nhiệt đạt gần 3 triệu chiếc, tăng 40% so với năm 2021, trong khi việc lắp đặt máy bơm nhiệt ở Vương quốc Anh đã tăng lên 20% so với năm 2022.
IEEFA kỳ vọng nhu cầu khí đốt tổng thể giảm ở châu Âu đến năm 2030 có thể sẽ làm giảm LNG nhập khẩu sau mức đỉnh vào năm 2025. Việc bổ sung cơ sở hạ tầng nhập khẩu mới vào năm 2023 đã khiến tỷ lệ sử dụng các kho cảng LNG của EU giảm xuống còn 58,5% từ mức 63% (2022). Việc bổ sung thêm 94 bcm khối lượng LNG nhập khẩu được đề xuất có thể nâng tổng công suất tái hóa khí của châu Âu lên 405 bcm (2030).
Kỳ II: Sản xuất LNG toàn cầu và độ tin cậy |
Kỳ I: Nguồn cung LNG bùng nổ |
Kỳ III: Người tham gia danh mục đầu tư LNG: Liên kết cung và cầu |
Tuấn Hùng
IEEFA