Khi Venezuela không còn là cường quốc dầu mỏ

07:47 | 09/10/2020

|
Lần đầu tiên trong một thế kỷ, không có giàn khoan nào dò tìm dầu thô ở Venezuela.

Các giếng dầu từng giúp Venezuela trở thành nước có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới giờ đang bị bỏ hoang hoặc mặc kệ cho tỏa hơi độc. Các nhà máy lọc dầu từng xử lý dầu thô để xuất khẩu thì nay rỉ sét, khiến dầu rò rỉ ra bờ biển.

Trong khi đó, thiếu hụt nhiên liệu trong nước đang khiến các hoạt động tại Venezuela đình trệ. Tại trạm xăng, số người xếp hàng chờ mua cũng dài hàng km.

Ngành dầu mỏ khổng lồ của Venezuela, vốn định hình quốc gia này và thị trường năng lượng quốc tế suốt cả thế kỷ, đã gần như đứng lại. Sản xuất ngày càng giảm do nhiều năm quản lý yếu kém và lệnh trừng phạt của Mỹ. Việc này đã cả hủy hoại cả kinh tế và môi trường của Venezuela. Rất nhiều nhà phân tích cho rằng nó cũng đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên cường quốc dầu mỏ của nước này.

"Những ngày thịnh vượng nhờ dầu mỏ của Venezuela đã qua rồi", Risa Grais-Targow - nhà phân tích tại Eurasia Group cho biết.

4641-venezuela-1602154357-2496-1602154427
Khói bốc lên tại một cơ sở lọc dầu tại El Palito - nơi gần đây xảy ra tràn dầu. Ảnh: NYT

Cách đây một thập kỷ, quốc gia này còn là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất Mỹ Latin, kiếm được 90 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu dầu mỏ. Còn cuối năm nay, con số này được dự báo chỉ là 2,3 tỷ USD, ít hơn cả kiều hối dự kiến, theo Pilar Navarro - một nhà kinh tế học tại Venezuela.

Sản xuất xuống thấp nhất trong gần một thập kỷ sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ buộc các hãng dầu mỏ phải ngừng khai thác hoặc mua dầu của Venezuela. Giới phân tích cảnh báo việc này có thể khiến sản xuất vốn đang nhỏ giọt sớm bốc hơi hoàn toàn.

"Nếu không khoan dầu, không có các công ty cung cấp dịch vụ, không có tiền, rất khó để duy trì kể cả ở mức sản xuất hiện tại", David Voght - Giám đốc hãng tư vấn IPD Latin America cho biết, "Nếu tình hình chính trị tại đây không đổi, mọi thứ có thể về 0".

Chỉ một thập kỷ trước, Venezuela còn cạnh tranh với Mỹ về tầm ảnh hưởng trong khu vực. Dầu mỏ từng định hình văn hóa nước này, tạo ra nguồn tiền mặt dường như vô tận, tài trợ cho các công trình công cộng và giúp Venezuela đưa ra các chương trình học bổng hào phóng.

Thiếu thốn nhiên liệu đã khiến người dân Venezuela đổ ra đường biểu tình phản đối trong vài tuần gần đây. Tại thủ đô Caracas, xăng được giao định kỳ từ Iran, trả bằng số vàng dự trữ của Venezuela. Việc này giúp cuộc sống có vẻ bình thường trong khoảng vài tuần. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn, người dân không được như vậy. Họ đổ ra đường biểu tình, bất chấp đại dịch, vì thiếu nhiên liệu cần thiết để duy trì cuộc sống.

4640-venezuela-2-1602154346-6577-1602154428
Người dân Venezuela xếp hàng chờ mua xăng. Ảnh: NYT

Trong những năm bùng nổ, hãng dầu quốc doanh Venezuela PDVSA đã cung cấp cho cư dân các thị trấn dầu mỏ, như Cabimas, hàng loạt ưu đãi như miễn phí đồ ăn, trại hè và đồ chơi Giáng sinh. Họ còn xây cả bệnh viện và trường học.

Nhưng giờ đây, hàng chục nghìn nhân viên của hãng dầu đã phá sản này đang phải thu gom sắt vụn từ các cơ sở lọc dầu để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Kể cả đồ bảo hộ của công ty cũng bị bán đi.

Đó là chưa kể vấn đề ô nhiễm môi trường tại các thị trấn dầu mỏ, nơi "vàng đen" từng tạo ra nhiều việc làm và giúp người dân tăng địa vị xã hội. "Chúng tôi từng như những ông hoàng vì sống cạnh PDVSA", Alexander Rodríguez - một ngư dân tại Cabimas cho biết, "Còn giờ thì hết rồi". Hai động cơ thuyền của ông còn bị một đợt tràn dầu làm hỏng.

"Chẳng có việc làm, chẳng có xăng, còn dầu thì chảy tràn khắp nơi", Francisco Barrios - một thợ bánh cho biết.

Dầu mỏ không còn đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế này là sự đảo ngược hoàn toàn so với trước đây. Sau khi các mỏ dầu lớn gần hồ Maracaibo được phát hiện năm 1914, công nhân dầu mỏ Mỹ đã đổ đến Venezuela. Họ đã giúp xây dựng nhiều thành phố tại đây, và truyền vào Venezuela tình yêu bóng bầu dục, rượu whiskey và xe hơi lớn, khiến nước này khác biệt hoàn toàn so với những người hàng xóm Nam Mỹ.

Sau khi xúc tiến thành lập Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) năm 1960, Venezuela đã giúp các nước Arab kiểm soát tài nguyên dầu mỏ, định hình thị trường năng lượng và trật tự địa chính trị toàn cầu trong nhiều thập kỷ sau đó.

Dù vậy, kể cả trong thời kỳ đó, cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Juan Pablo Pérez Alfonzo cũng cảnh báo việc giàu lên đột ngột nhờ dầu mỏ sẽ có nhiều cạm bẫy. Nó có thể khiến khối nợ phình to và phá hủy các ngành công nghiệp truyền thống.

Trong nhiều năm sau đó, bất chấp nguồn thu dư dả từ dầu mỏ, Venezuela nhanh chóng tích lũy nợ và rơi vào khủng hoảng tài chính. Số của cải này chẳng có mấy tác dụng trong việc giảm bất bình đẳng và tình trạng tham nhũng.

Từ năm ngoái, ngành dầu mỏ càng rơi tự do, khi Mỹ cáo buộc Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro gian lận bầu cử và áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay để buộc ông từ chức. Việc này khiến các đối tác, ngân hàng và khách hàng dầu mỏ của Venezuela nhanh chóng cắt đứt quan hệ với nước này. Sản lượng dầu mỏ lao dốc còn mạnh hơn cả Iraq thời Chiến tranh Vùng Vịnh và Iran sau Cách mạng Hồi giáo.

Lệnh trừng phạt đã buộc các công ty Mỹ ngừng khoan dầu tại đây. Đến tháng 12 năm nay, họ có thể rút khỏi Venezuela hoàn toàn, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt lệnh miễn trừ trừng phạt.

Phe đối lập tại Venezuela thì tuyên bố có thể gây dựng lại ngành dầu mỏ nước này bằng cách chấm dứt lệnh trừng phạt của Mỹ và đưa ra các điều khoản hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngành dầu mỏ Venezuela không thể thu hút lượng đầu tư đủ để hồi phục hoàn toàn. Trong thời kỳ nhu cầu toàn cầu ì ạch, giá thấp và mối lo về môi trường ngày càng tăng, loại dầu siêu nặng tại nước này lại đặc biệt gây ô nhiễm và có chi phí xử lý rất đắt đỏ.

Việc ngành dầu mỏ sa sút khiến GDP Venezuela giờ chỉ tương đương Cộng hòa Dân chủ Congo. Grais-Targow cho biết gánh nặng của việc kinh tế co lại đang dồn lên người dân nước này. Theo số liệu của Liên hợp Quốc, hơn 5 triệu người Venezuela, tương đương một phần sáu dân số, đã rời đi kể từ năm 2015. Venezuela hiện có tỷ lệ nghèo cao nhất Mỹ Latin, theo nghiên cứu gần đây của ba trường đại học hàng đầu Venezuela.

Gần các nhà máy lọc dầu khổng lồ ở ven biển Venezuela, người dân phải tìm củi và rải lưới bằng tay để tìm thức ăn. Tàu cá của họ phải đỗ trên bờ vì không có xăng, còn bếp thì đã hết gas để đun nấu từ lâu.

Đại dịch và thiếu gas đã khiến các bãi biển ở thành phố Tucacas không còn khách du lịch. Hiện tại, số cá mà rất nhiều người dân ở đây phải dựa vào để tồn tại cũng chẳng còn mấy vì tràn dầu.

Còn ở Cabimas, suốt nhiều thế hệ, người dân nơi này từng tự hào vì là thành phố dầu mỏ của Venezuela. Còn hiện tại, họ chỉ thấy đây là một gánh nặng.

Theo VNE