Hydro thay đổi luật chơi địa chính trị toàn cầu

09:46 | 21/01/2022

|
(PetroTimes) - Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) mới đây đã công bố báo cáo “Địa chính trị trong chuyển đổi năng lượng: yếu tố hydro. Theo các chuyên gia của IRENA, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế hydro toàn cầu có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể về địa kinh tế và địa chính trị.
Hydro thay đổi luật chơi địa chính trị toàn cầu

Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) mới đây đã công bố báo cáo “Địa chính trị trong chuyển đổi năng lượng: yếu tố hydro. Theo các chuyên gia của IRENA, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế hydro toàn cầu có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể về địa kinh tế và địa chính trị. Điều này sẽ tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau mới trên thế giới. Khi thương mại truyền thống về dầu và khí đốt suy giảm, các trung tâm ảnh hưởng địa chính trị mới dựa trên sản xuất và sử dụng hydro sẽ xuất hiện. IRENA dự báo, hydro sẽ chiếm tới 12% tiêu thụ năng lượng toàn cầu đến năm 2050.

Giám đốc điều hành IRENA cho biết, sự phát triển của nền kinh tế hydro rõ ràng là dựa trên cuộc cách mạng NLTT với hydro “xanh” đang dần thay đổi luật chơi trong việc đạt mục tiêu trung hòa khí hậu mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng công nghiệp và phát triển xã hội. Hydro sẽ không phải là một loại “dầu mới”. Quá trình chuyển đổi năng lượng không phải là thay thế nhiên liệu mà là sự chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng mới, liên quan đến những thay đổi cơ bản về chính trị, kỹ thuật, môi trường và kinh tế. Chính hydro “xanh” sẽ thu hút nhiều công ty mới tham gia vào thị trường, đa dạng hóa các tuyến vận tải và nguồn cung cấp. Với sự hợp tác quốc tế, thị trường hydro có thể ngày càng bao trùm và dễ tiếp cận hơn, mang lại cơ hội cho cả các nước phát triển và đang phát triển.

Hydro thay đổi luật chơi địa chính trị toàn cầu
Biểu đồ hiển thị các dự báo về tỷ trọng hydro trong mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng toàn cầu vào năm 2050

Theo ước tính của IRENA, xuất khẩu hydro sẽ chiếm hơn 30% thương mại hydro toàn cầu vào năm 2050. Con số này cao hơn tỷ trọng khí đốt thiên nhiên được xuất khẩu hiện nay. Các quốc gia trước đây chưa từng xuất khẩu năng lượng, nay lại đang tham gia vào các mối quan hệ năng lượng song phương xung quanh hydro. Với việc ngày càng có nhiều người chơi nổi lên trên thị trường thế giới, giao dịch hydro khó có thể gây ra những áp lực chính trị, không giống như ảnh hưởng địa chính trị hiện nay của dầu thô và khí đốt.

Thương mại xuyên biên giới về hydro dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể và hiện có hơn 30 quốc gia và khu vực đang lên kế hoạch cho các hoạt động thương mại hydro tích cực. Một số quốc gia sẽ nhập khẩu hydro và đang triển khai chính sách ngoại giao hydro chuyên dụng như Nhật Bản và Đức. Các nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch ngày càng coi hydro sạch là một cách hấp dẫn để đa dạng hóa nền kinh tế của họ như Úc, Oman, Nga, Saudi Arabia và UAE. Tuy nhiên, những quốc gia này cần những chiến lược rộng lớn hơn vì hydro không bù đắp được doanh thu từ sản lượng dầu khí bị mất. Điều này được thấy rõ trong hình 2. Theo đó, tổng chi phí xuất khẩu/nhập khẩu hydro và các dẫn xuất (amoniac, methanol) vào năm 2050 sẽ ít hơn nhiều so với doanh thu thương mại từ dầu thô.

Hydro thay đổi luật chơi địa chính trị toàn cầu
Biểu đồ tổng chi phí xuất khẩu/nhập khẩu hydro và các dẫn xuất (amoniac, methanol) vào năm 2050

Tiềm năng kỹ thuật để sản xuất hydro vượt xa nhu cầu dự kiến toàn cầu. Các quốc gia có khả năng sản xuất điện tái tạo rẻ nhất sẽ ở vị trí tốt nhất trong lĩnh vực hydro “xanh”. Mặc dù một số quốc gia như Chile, Morocco và Namibia ngày nay là những nước nhập khẩu năng lượng ròng, nhưng họ có thể trở thành nhà xuất khẩu hydro “xanh”. Tiềm năng của các khu vực như châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông và châu Đại Dương có thể hạn chế rủi ro khi tập trung vào xuất khẩu, nhưng nhiều nước sẽ cần chuyển giao công nghệ, cơ sở hạ tầng và đầu tư lớn. Trong sự phát triển nền kinh tế hydro thời gian tới, thập kỷ này được coi là giai đoạn của cuộc chạy đua lớn về vị trí dẫn đầu công nghệ, trong đó các nhà sản xuất thiết bị có thể chiếm” một phần đáng kể giá trị trong thị trường mới.

Đối với tiêu thụ hydro, sự tăng trưởng mạnh tiêu thụ được dự báo sẽ chỉ xảy ra vào giữa những năm 2030. Khi đó, hydro “xanh” sẽ có giá thành cạnh tranh với hydro sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch trên phạm vi toàn cầu. Điều này thậm chí có thể xảy ra sớm hơn ở các nước như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Các quốc gia có tiềm năng NLTT lớn có thể trở thành địa điểm cho công nghiệp hóa “xanh”, sử dụng tiềm năng của họ để thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

IRENA nhận định rằng, lĩnh vực hydro “xanh” có thể tăng cường tính độc lập, an ninh và khả năng phục hồi năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và biến động giá cả, cũng như tăng tính linh hoạt của các hệ thống năng lượng. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguyên liệu thô cần thiết cho các công nghệ tái tạo và hydro cùng với sự biến động về giá của chúng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hydro và ảnh hưởng tiêu cực đến tính kinh tế của dự án.

Việc hình thành các quy tắc và tiêu chuẩn trong lĩnh vực hydro có thể dẫn đến cạnh tranh địa chính trị hoặc mở ra một kỷ nguyên hợp tác quốc tế mới được tăng cường. Đặc biệt, việc giúp các nước đang phát triển triển khai công nghệ hydro “xanh” và phát triển ngành công nghiệp hydro sẽ ngăn chặn khoảng cách toàn cầu ngày càng gia tăng về tốc độ và chiều sâu của quá trình khử carbon, đồng thời thúc đẩy công bằng và sự phổ biến, chuỗi giá trị địa phương, các ngành công nghiệp “xanh” và việc làm ở các quốc gia giàu nguồn NLTT.

Tiến Thắng