Huy động tài chính tư nhân cho thích ứng với biến đổi khí hậu

14:00 | 29/01/2024

|
Hiện đầu tư tài chính tư nhân cho thích ứng với biến đổi khí hậu là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu phải được coi là một vấn đề chung cần giải quyết chứ không phải là một cơ hội để khai thác.
Huy động tài chính tư nhân cho thích ứng với biến đổi khí hậu
Khu ổ chuột Korail và khu nhà giàu Gulshan ở Dhaka, Bangladesh

Hội nghị COP28 vừa qua đã chứng kiến ​​sự tiến bộ trong các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc chính phủ các nước đã nhất trí về Mục tiêu toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu (GGA) kèm theo một “khuôn khổ GGA” nhằm hướng dẫn các nỗ lực của từng quốc gia hướng tới xây dựng khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu. Tuy vậy, bất chấp những tiến bộ đã đạt được, đầu tư toàn cầu cho thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn còn rất nhiều mặt bị hạn chế. Theo một báo cáo gần đây của tổ chức phi lợi nhuận “Sáng kiến ​​chính sách khí hậu” (San Francisco, tiểu bang California, Hoa Kỳ), mặc dù nguồn tài chính đầu tư dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 63 tỷ USD (2021-2022), tăng tới 28% so với năm 2019-2020 song con số này vẫn kém xa so với mức ước tính khoảng 212 tỷ USD mỗi năm cần thiết vào năm 2030 chỉ riêng đối với các nước đang phát triển. Số vốn đầu tư trị giá 63 tỷ USD trên chỉ chiếm có 10,4% tổng tài chính công về biến đổi khí hậu, trong đó có tới 536 tỷ USD hướng tới giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Khi đề cập đến vốn tư nhân thì khoảng cách tài chính thậm chí còn lớn hơn, với dòng vốn hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ chiếm 0,24% trong tổng số 1,5 tỷ USD so với tổng mức đầu tư 614 tỷ USD dành cho giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Phần lớn tài chính công và tư nhân đã hướng tới việc thích ứng với biến đổi khí hậu

Huy động tài chính tư nhân cho thích ứng với biến đổi khí hậu
Phần lớn tài chính công và tư nhân đã hướng tới việc thích ứng với biến đổi khí hậu

Một báo cáo đưa ra vào tháng 11/2023 của OECD cho thấy “nhu cầu cấp thiết hiện nay là các nhà cung cấp vốn đầu tư quốc tế phải tăng cường đáng kể những nỗ lực của họ” để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Báo cáo còn lưu ý rằng tác động của biến đổi khí hậu được cảm nhận rõ rệt nhất ở các nước đang phát triển hiện “đang phải đối mặt với vô số thách thức, từ chênh lệch kinh tế đến các mục tiêu phát triển và cả mối đe dọa gia tăng từ nước biển dâng rất khó dự báo, các loại hình thời tiết luôn thay đổi và tài nguyên thiên nhiên thì bị khai thác”.

Các nhà phân tích nhấn mạnh những tổn thất tài chính trên diện rộng có nguy cơ xảy ra do không thích ứng với biến đổi khí hậu: theo kịch bản “chuyển đổi chậm” mà không thích ứng với biến đổi khí hậu khi mà có khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Nam Á có thể bị tổn thất hàng năm vào năm 2050 tức là lớn gấp hơn ba lần mức trung bình của thế giới. Khu vực cận Sahara (Châu Phi), các khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ gặp rủi ro tổn thất chiếm khoảng 8% GDP, trong khi đó, Châu Âu và khu vực Bắc Mỹ có xu hướng ít bị ảnh hưởng hơn nên mức độ rủi ro tổn thất chỉ chiếm khoảng 2% GDP. Căng thẳng về nguồn nước và nhiệt độ trái đất tăng cao dự kiến ​​sẽ là một trong số những yếu tố hàng đầu góp phần gây ra những tổn thất về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Huy động tài chính tư nhân cho thích ứng với biến đổi khí hậu
Các nước kém phát triển phải đối mặt với tổn thất do biến đổi khí hậu gấp 4,4 lần so với các nước giàu hơn

Tài chính tư nhân cho thích ứng với biến đổi khí hậu: Định vị cơ hội

Theo một tài liệu kỹ thuật của Mạng lưới dành cho xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS) bao gồm 114 ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát tài chính liên quan do Banque de France dẫn đầu công bố (12/2023), thì có một “rào cản đầu tư rõ rệt” khi nói đến đầu tư tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu là “sự thiếu hiểu biết chung” trong khu vực tư nhân về những dự án này.

Theo ông Ravi Chidambaram, đồng sáng viên Ngân hàng đầu tư Pan-Asian Investment Bank thuộc TC Capital (Singapore), các cơ hội thích ứng với biến đổi khí hậu là rất rõ rệt song lại bị bỏ qua một cách khá nghiêm trọng. Phát biểu với Energy Monitor, ông Chidambaram đã liệt kê các tài sản có thể đầu tư đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau, bao gồm phòng chống lũ lụt và cháy rừng, nông nghiệp bền vững, cung cấp nước sạch, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tái định cư người dân, đồng thời còn cho biết thêm, các cơ hội đầu tư nằm ở “ba giai đoạn thích ứng với biến đổi khí hậu”: phòng chống thiên tai (tài sản bao gồm hệ thống cảnh báo, vệ tinh); quản lý (đào tạo doanh nghiệp về cách ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu, cung cấp lương thực thực phẩm khẩn cấp); và phục hồi (ví dụ: xây dựng mô-đun, nông nghiệp thông minh)”.

Trong một bài báo đăng trên Harvard Business Review (2022) mà ông Chidambaram cũng đồng tác giả, nhóm các tác giả cũng đã lưu ý những tài sản liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu như vậy “xứng đáng được đầu tư kinh doanh lớn hơn nhiều nữa, đặc biệt vì những khoản đầu tư đại diện cho những cơ hội ngắn hạn với chi phí vốn thấp hơn và mang lại khả năng hoàn vốn nhanh hơn, không giống như “các công nghệ xanh cao siêu” trung hòa carbon hoặc phản ứng tổng hợp hạt nhân mà trên thực tế, các công nghệ đó chắc sẽ không được (triển khai) trên quy mô lớn cho đến năm 2050. Do vậy mà việc hoàn vốn đầu tư tài chính nhiều công nghệ đổi mới sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều.

Ông Chidambaram còn lập luận rằng hiện tại có rất ít nguồn (tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu) đến từ nguồn vốn đầu tư tổ chức (institutional capital). Trường hợp này không nhất thiết phải xảy ra, mặc dù hiện có rất nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu như công nghệ phát hiện cháy rừng được coi là “giải pháp IP công nghệ” (IP Technology Solutions-IPTECH, thành phố Kanpur, Ấn Độ), do đó, điều này chỉ phù hợp với các nhà đầu tư ở giai đoạn ban đầu. Vì vậy, hiện vẫn còn có nhiều cơ hội dành cho các nhà đầu tư tổ chức ở các công ty lớn hơn. Ví dụ, các công ty kỹ thuật xây dựng các tòa nhà cao tầng có khả năng chống chịu được động đất và các tập đoàn đang thực hiện các bước đi để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Thật vậy, trong khi các cơ hội tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu thường được coi là liên quan đến tài sản vật chất, giúp bảo vệ khỏi rủi ro của biến đổi khí hậu như đê ngăn lũ lụt hoặc hệ thống cảnh báo sớm thì sự “thích ứng với biến đổi khí hậu một cách thường xuyên liên tục là một đặc điểm cố hữu của khu vực tư nhân và là chức năng cốt lõi của thị trường” theo phân tích từ Viện LSE Grantham (Vương quốc Anh) cho biết, điều này không chỉ liên quan đến biến đổi khí hậu mà còn đến việc thay đổi nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng.

Hiểu theo nghĩa này thì sự thích ứng với biến đổi khí hậu có thể được coi là một “chức năng tối ưu hóa kinh doanh để ứng phó với những thay đổi của hoàn cảnh bên ngoài vì được thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận”. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy biến đổi khí hậu có tác động tích cực đáng kể đến chiến lược đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước đang phát triển.

Đây là một khái niệm được lặp lại bởi Eric Usher, người đứng đầu Sáng kiến ​​tài chính thuộc Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thì nói rằng trong khi định hướng tài chính tư nhân theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu “chắc chắn sẽ là một ưu tiên cao… rất nhiều quyết định cho vay vốn đã tính đến khả năng thích ứng này. Đây còn là một phần giá trị của các tiêu chuẩn công bố thông tin, chẳng hạn như các tiêu chuẩn do nhóm đặc nhiệm về công bố tài chính (TCFD thành lập 2015) nhằm minh bạch hóa thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu đặt ra”.

Do các doanh nghiệp “có thể không cần phải khai thác các nguồn lực bên ngoài chuyên dụng như các khoản vay vốn đầu tư thích ứng hoặc vốn cổ phần thích ứng với biến đổi khí hậu: thay vào đó, họ có thể sử dụng nguồn vốn hiện có từ hạn mức tín dụng được vay hoặc lợi nhuận được giữ lại”, và một số dòng tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu có thể “không xuất hiện trong số liệu thống kê tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu”, theo phân tích của Viện LSE Grantham.

Ngập chìm trong nợ nần

Một phương tiện khác mà các nhà đầu tư tư nhân có thể hướng đầu tư vốn vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu khi thông qua các khoản vay nợ tín dụng. Tuy nhiên, có tới 93% các quốc gia chịu thảm họa biến đổi khí hậu hàng đầu đang “ngập chìm trong nợ nần”, nghĩa là họ nhận thức được sự rủi ro lớn hơn, do đó, chi phí vốn vay sẽ cao hơn dành cho các nhà đầu tư.

Do đó, các giải pháp tài chính tổng hợp “đóng một vai trò quan trọng” trong việc tăng cường khả năng đầu tư của các dự án biến đổi khí hậu tại các thị trường mới nổi, theo NGFS cho biết. Quỹ tài chính hỗn hợp hoặc phương tiện tài trợ hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu có thể bao gồm trái phiếu chính phủ liên kết bền vững (SLB) hoặc các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS).

Một sáng kiến ​​tương như vậy là GAIA, một nền tảng tài chính hỗn hợp ra mắt từ sự hợp tác giữa nhà cung cấp dịch vụ tài chính Nhật Bản Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) và FinDev Canada-tổ chức tài chính phát triển song phương của Canada. GAIA là một nền tảng tài chính tập trung đầu tư vào biến đổi khí hậu trị giá 1,48 tỷ USD, theo đó sẽ cung cấp các khoản vay dài hạn để đầu tư thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở 25 quốc gia đang phát triển ở khắp Châu Á, Châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe.

Theo bà Lori Kerr, Giám đốc điều hành FinDev Canada, ưu tiên các khoản vay đầu tư chủ yếu tập trung vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu. (Quỹ) tập hợp tài chính thương mại, tài chính ưu đãi và vốn từ thiện để tạo ra khoản vay đầu tư mới mẻ và sáng tạo, coi đây là một kế hoạch chi tiết có thể được nhân rộng, tập trung vào những người đi vay có nghĩa vụ nợ được ban hành bởi các cấp bậc bên dưới cơ quan quản lý cuối cùng, trái ngược với khu vực tư nhân thuần túy, nên có thể xem xét một số loại mô hình khác nhau để tìm hiểu về các loại thách thức về tạo doanh thu và tìm kiếm trong hồ sơ vay trả nợ”. Bất chấp những cơ hội như vậy, bà Kerr nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của môi trường chính sách hỗ trợ khi cho rằng không thể coi thường chính phủ nước sở tại vì “(đây) là những thực thể tạo ra môi trường trong đó khu vực tư nhân có thể phát triển một cách thực sự”.

Bà Kerr cũng lưu ý thêm, thỏa thuận COP28 đạt được cho thấy tất cả các quốc gia sẽ sửa đổi Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu (NAPs) chính xác là điều có thể giúp huy động nguồn tài chính tư nhân dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu giống như cái cách các khoản đóng góp do quốc gia tự quyết định đã giúp thúc đẩy tài chính cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Một phương tiện tiềm năng khác để thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào thích ứng với biến đổi khí hậu chính là tín chỉ carbon. Một đề xuất được Liên minh các quốc đảo nhỏ-AOSIS (thành lập năm 1990) đưa ra năm ngoái khi kêu gọi đánh thuế 5% đối với doanh thu tín dụng carbon dành cho Quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu được thành lập theo Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc vào năm 2001. Tuy nhiên, ý tưởng đánh thuế tín chỉ carbon đã bị bác bỏ bởi Hội đồng Liêm chính cho thị trường carbon tự nguyện-ICVCM (3/2023) với những lời chỉ trích khi cho rằng một khoản thuế đưa ra sẽ làm tăng thêm chi phí cho việc bù đắp carbon và giảm tác động của các dự án giảm thiểu lượng carbon.

Khả năng sử dụng tín chỉ carbon để hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu đặt ra câu hỏi về một sự công bằng: có công bằng hay không khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp tư nhân ở các quốc gia giàu có hơn là những quốc gia chịu trách nhiệm chính về biến đổi khí hậu, được hưởng lợi từ những vấn đề mà chính họ đã tạo ra?

Phát biểu với Energy Monitor tại COP28 vừa qua, ông Nnimmo Bassey, kiến ​​trúc sư và là nhà hoạt động môi trường của Nigeria đã đưa ra lập luận cho rằng bằng cách tìm cách bù đắp lượng khí thải CO₂ thay vì cắt giảm chúng tại nguồn, các nước giàu đang “tạo ra sự bất công về biến đổi khí hậu”. Áp dụng logic tương tự cho các khoản đầu tư vào những giải pháp dựa vào thiên nhiên, ông Bassey nói tiếp, đặt giá trị tài chính vào thiên nhiên... không phải là con đường phía trước khi điều này đại diện cho một “thỏa thuận mang tính thuộc địa”.

Thích ứng với biến đổi khí hậu… cho người giàu

Trong bài viết nghiên cứu đăng tải trên Harvard Business Review, ông Chidambaram và đồng tác giả Parag Khana đã trình bày chi tiết về các cơ hội thích ứng trong lĩnh vực bất động sản khi nghiên cứu của họ cho thấy “đầu tư sớm vào các khu vực địa lý có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn 70% so với danh mục đầu tư bất động sản chỉ tính riêng đến năm 2030. Các nhà phát triển bất động sản, quản lý tài sản và công ty bảo hiểm nên thận trọng, đẩy nhanh việc mua bán đất đai, xây dựng nhà ở giá rẻ và điều chỉnh phí bảo hiểm để dự báo, khuyến khích và thu lợi từ việc di cư do biến đổi khí hậu gây ra”.

Ông Chidambaram cũng phải thừa nhận đây là một lập luận nổi bật, đặc biệt là do mang tính “dystopian” (tạm dịch là một nơi/xã hội không tốt). Hiện có “một số nhà quản lý tài sản tổ chức rất tinh vi (sử dụng) các kỹ thuật lập mô hình khí hậu rất tiên tiến” để dự báo nơi thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra để rồi từ đó họ sử dụng kỹ thuật này để tác động đến các quyết định đầu tư. CHLB Nga và các tỉnh bang của Canada “được đánh giá là rất đáng mong đợi dưới góc độ khả năng phục hồi biến đổi khí hậu”.

Ông Chidabaram cũng đồng tình khi cho rằng một tác động tiềm tàng của mô hình khí hậu như vậy được coi là một “kịch bản đen tối, nơi những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương sẽ bị mắc kẹt trong các khu vực dễ bị thảm họa khí hậu, trong khi đó, những người giàu sẽ đổ xô di chuyển đến các khu vực an toàn hơn với những hậu quả về mặt đạo đức và xã hội cần được soi xét. Đây có thể được coi như là sự thích ứng với biến đổi khí hậu dành cho người giàu”.

Năm 2011, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đăng tải một bài viết thảo luận về tiềm năng tài trợ cho thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cơ chế giao dịch tín chỉ carbon. Bài viết đã đưa ra kết luận cho rằng “cũng như trường hợp giảm thiểu biến đổi khí hậu, việc chỉ sử dụng cơ chế thị trường để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương là chưa đủ... yêu cầu những người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương có lẽ là cách tiếp cận công bằng nhất hoặc hợp lý nhất”. Một số tiến bộ hướng tới cách tiếp cận công bằng hơn trong việc tài trợ cho hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu đã được hiện thực hóa vào ngày đầu tiên của COP28 khi mà các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý thành lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại (LDF) để giúp hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong việc ứng phó với các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu.

Nguồn vốn này được cho là dưới hình thức tài trợ thay vì cho vay, điều này dự kiến ​​sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân, bao gồm cả hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, tổng số vốn đóng góp ban đầu cho quỹ mới chỉ là hơn 400 triệu USD, khác xa so với mức hàng trăm nghìn tỷ đô la bị thiệt hại do biến đổi khí hậu dự báo sẽ xảy ra ​​trong năm tới.

Một điều rõ ràng là trong khi đầu tư tư nhân vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu là điều hết sức cần thiết thì các quốc gia giàu có hơn phải gia tăng quy mô tài chính công một cách khẩn trương và đáng kể dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu dưới hình thức tài trợ không chỉ như là một phương tiện huy động tài chính tư nhân mà còn vì trách nhiệm lịch sử của họ đối với giảm thiểu khí thải CO₂. Giải pháp thay thế là nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ được coi là cơ hội để khai thác chứ không phải là vấn đề chung cần giải quyết và nguồn tài chính cần thiết cuối cùng lại đang không được cung cấp.

Davos 2024: Những điểm đáng chú ý về công nghệ hạt nhân đối với khí hậu

Davos 2024: Những điểm đáng chú ý về công nghệ hạt nhân đối với khí hậu

Tuần trước, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi và các chuyên gia năng lượng đã đề cập đến tầm quan trọng của công nghệ hạt nhân trong cơ cấu năng lượng sạch, trong tương lai tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Tuấn Hùng

Energy Monito