Guyana và Suriname chuẩn bị cho sự bùng nổ xuất khẩu LNG

15:23 | 11/11/2024

|
(PetroTimes) - Guyana và Suriname, hai quốc gia nhỏ bé của Nam Mỹ, đang chuẩn bị trở thành những nhân tố chính trên thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu.
Ảnh: OP
Ảnh: OP

Guyana và Suriname đang tham gia vào sân chơi ở thời điểm bùng nổ, khi khí đốt tự nhiên chuẩn bị cất cánh trong cơ cấu năng lượng quốc gia trên toàn thế giới. Khí đốt tự nhiên có sức hấp dẫn lớn như một "nhiên liệu cầu nối" dồi dào và giá cả phải chăng thay thế than đá khi áp lực thực hiện các cam kết về khí hậu ngày càng tăng.

Trên quy mô toàn cầu, nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ước tính sẽ tăng vọt hơn 50% vào năm 2040. Điều này sẽ phần lớn được thúc đẩy bởi xu hướng chuyển đổi từ năng lượng than đá sang khí đốt tự nhiên trong các ngành công nghiệp ở Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác ở Nam và Đông Nam Á để hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đó.

Thế giới đã giao dịch 404 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng vào năm 2023, tăng từ 397 triệu tấn vào năm 2022.

"Nhu cầu về khí đốt tự nhiên đã đạt đỉnh ở một số khu vực nhưng vẫn tiếp tục tăng trên toàn cầu, với nhu cầu LNG dự kiến ​​sẽ đạt khoảng 625-685 triệu tấn một năm vào năm 2040, theo ước tính mới nhất của ngành", theo thông cáo báo chí của Shell Energy được công bố vào đầu năm nay.

Một báo cáo mới từ Wood Mackenzie có tựa đề "Liệu LNG của Guyana và Suriname có thể cạnh tranh với nguồn cung toàn cầu mới không?", nhận thấy có tới 12 triệu tấn LNG mỗi năm (mmtpa) có thể đến từ Guyana và Suriname trong 10 năm tới. Lưu vực Guyana-Suriname ước tính có trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ là 13 nghìn tỷ feet khối (tcf), phần lớn trong số đó nằm ở cụm Haimara của Guyana và Khối 52 của Suriname.

Những dự án LNG kể trên cho thấy mức độ khả thi về mặt kinh tế. Wood Mackenzie ước tính mức giá hòa vốn của họ sẽ vào khoảng 6 USD/mmbtu, không tính đến chi phí vận chuyển và tái hóa khí. Tuy nhiên, những dự án này vẫn phải đối mặt với một số mức độ không chắc chắn vì cấu trúc thương mại và các điều khoản tài chính vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia dự kiến ​​ quá trình triển khai dự án ở Suriname sẽ tiến triển nhanh hơn ở Guyana, với dự kiến dòng ​​khí đốt đầu tiên sẽ sớm nhất là vào năm 2031.

Khi ExxonMobil phát hiện ra trữ lượng dầu lớn ngoài khơi bờ biển phía bắc Guyana vào năm 2015, quốc gia này là một trong những quốc gia nghèo nhất ở toàn bộ Tây bán cầu. Kể từ khi dầu thô bắt đầu được khai thác vào năm 2019, nền kinh tế của Guyana đã tăng gấp ba lần về quy mô và hiện chính phủ quốc gia Nam Mỹ đang thực hiện các khoản thanh toán mang tính lịch sử cho từng công dân Guyana nhờ vào kết quả này. Dường như đó chỉ là khởi đầu cho Guyana và Suriname láng giềng, những nơi đang chuẩn bị đón nhận nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng vọt.

"Các dự án của Guyana và Suriname đang được củng cố vào thời điểm thú vị", Amanda Bandeira, nhà phân tích nghiên cứu của Wood Mackenzie chuyên về Dầu khí thượng nguồn Mỹ Latinh cho biết. "Sự thống trị của LNG Hoa Kỳ và Qatar đang tăng nhanh chóng, nhưng có một khoảng cách vào giữa những năm 2030, một phần là do Tổng thống Biden tạm dừng phê duyệt các dự án xuất khẩu LNG mới của Mỹ".

Bandeira đang nhắc đến thông báo ngày 26/1 của Chính quyền Tổng thống Biden rằng chính phủ liên bang sẽ tạm dừng vô thời hạn việc phê duyệt các giấy phép mới để xuất khẩu LNG để Bộ Năng lượng Mỹ có thể xem xét và đánh giá liệu hoạt động xuất khẩu LNG đáng kể và đang mở rộng nhanh chóng của quốc gia này có gây ra tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng trong nước, lạm phát và môi trường hay không.

"Trong bối cảnh này, Guyana và Suriname có thể cung cấp nguồn cung LNG mới có giá cạnh tranh và đóng vai trò là nhà cung cấp khu vực, nắm giữ lợi thế về chi phí vận chuyển để đáp ứng nhu cầu của vùng Caribe và Nam Mỹ. Họ cũng sánh ngang với các dự án tại vùng Vịnh của Mỹ và Tây Phi để cung cấp cho các trung tâm nhu cầu chính ở Đông Nam Á", Bandeira nói tiếp.

Ngoài thời điểm tuyệt vời, Guyana và Suriname còn có lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý. Vị trí của họ trên Biển Caribe cho phép vận chuyển đến các thị trường Châu Á, Châu Âu và Châu Phi với giá rẻ, đặc biệt là khi so sánh với các nhà cung cấp phải trả thêm tiền để đi qua Kênh đào Panama, nơi gần đây đang bị hạn hán hoành hành.

Bình An

OP