Giá dầu tuần qua và dự báo

18:15 | 06/04/2020

|
(PetroTimes) - Kết thúc tuần giao dịch 30/3 - 3/4 bao gồm nhiều sự kiện quan trọng, Brent (tháng 6) biến động mạnh trong biên độ 24,64 - 34,83 USD/thùng, đóng cửa ở mức giá cao nhất, kỳ vọng vào cuộc họp OPEC+ sẽ nhóm họp ngày 9/4 (trước đó dự kiến họp vào 6/4). Trong 2 ngày cuối tuần, Brent đã tăng hơn 36%.    

Những sự kiện trong tuần đã tác động tiêu cực đến giá dầu: Arabia Saudi tăng sản lượng lên trên 12 triệu thùng/ngày; Dự trữ dầu thương mại của Mỹ tăng 10,5 triệu thùng/tuần (dự báo 4 triệu thùng); Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng gấp đôi lên 6,6 triệu/tuần; Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vượt 1,1triệu người; S&P hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,3% xuống 0,4%; Nhu cầu tiêu thụ dầu và các sản phẩm từ dầu tiếp tục giảm.

Những sự kiện hỗ trợ giá dầu: Tổng thống Mỹ D. Trump “tuyên bố” qua Twitter: Nga và Arabia Saudi sẽ cắt giảm 10 triệu thùng/ngày; Bộ trưởng Năng lượng các nước OPEC+ sẽ nhóm họp ngày 9/4; Tổng thống Nga Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán cùng OPEC+ và các nước khác (đặc biệt Mỹ) về việc đồng cắt giảm sản lượng quanh mức 10 triệu thùng/ngày.

Giá Urals đã tăng lên 19,13 USD/thùng từ mức 10,54 USD/thùng sau khi Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán cắt giảm.

Liên quan đến cuộc họp OPEC+ ngày 9/4 tới, Mỹ chỉ hiện diện với vai trò trung gian, nhưng với những đe dọa thực sự như áp thuế nhập khẩu dầu thô đối với Nga và Arabia Saudi (OPEC) nhằm ép hai bên đi đến thỏa thuận, và nếu có xuống nước để các bên giữ được thể diện thì sẽ chỉ ở mức khuyến cáo từng bang riêng lẻ (ví dụ Texas), không có sự rằng buộc pháp lý. Arabia Saudi đang giữ quan điểm tất cả các nước G20 cùng tham gia cắt giảm khoảng 6 triệu thùng/ngày, riêng nước này sẵn sàng đưa sản lượng về dưới 9 triệu thùng/ngày, tuy nhiên, chưa rõ từ mức 9,8 triệu - trước khi OPEC+ đổ vỡ hay từ mức 12,3 triệu gần đây. Quan điểm của Nga là Mỹ và OPEC+ đồng cắt giảm 10 triệu thùng/ngày.

Phân tích và dự báo

Đại dịch Covid-19 vẫn đang trong giai đoạn lên cao và chưa thấy có dấu hiệu chạm đỉnh, một số nơi trên thế giới tái phát ổ dịch mới, giao thông trên toàn thế giới bị đình trệ. Nhu cầu về dầu và các sản phẩm từ dầu trong tháng 4-5 sẽ đi xuống, có thể tăng nhẹ trong tháng 7-8, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố dịch bệnh tại nhiều quốc gia.

Trong khi thế giới đang chú ý đến sự gia tăng bệnh dịch tại các nước đang phát triển như Mỹ, EU, hầu hết tất cả đang bỏ quên Ấn Độ, quốc gia có nền y tế nghèo nàn với 0,7 giường bệnh/1.000 người dân, thu nhập của phần lớn dân số chỉ đủ sống qua ngày và tình trạng vệ sinh dịch tễ tồi tệ gần nhất thế giới. Sau khi chính phủ Ấn Độ tuyên bố cách ly toàn quốc, khoảng 200 triệu người dân từ các khu công nghiệp tràn về quê hương, mang theo bệnh dịch.

Tình hình phát triển dịch bệnh ở Ấn Độ cho thấy làn sóng lây lan sẽ mạnh và nhanh hơn bất cứ nơi nào. Dự kiến, đến tháng 6, số ca nhiễm Covid-19 tại đây có thể lên đến 100 - 300 triệu. Nếu điều này xảy ra, chính phủ sẽ phải ban bố lệnh cách ly nghiêm ngặt ít nhất đến hết tháng 8. Số dân nghèo không có nguồn thu nhập sẽ phải đi tìm kiếm việc làm và đây sẽ là thảm họa cho Ấn Độ. Ấn Độ hiện nay tiêu thụ 240 triệu tấn dầu/năm, trong đó 1/6 tự cấp. Nếu tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ trầm trọng sẽ gây ra các phản ứng phụ. Người dân sẽ chạy sang các nước láng giềng và kéo theo dịch bệnh lan rộng.

Với những gì đang diễn ra tại Mỹ, EU, Trung Quốc và Ấn Độ, WHO sẽ không thể tuyên bố kết thúc đại dịch, các hạn chế giao thông vẫn tiếp tục kéo dài và gây đình trệ cho một loạt nền kinh tế có liên quan/phụ thuộc.

Kinh tế một số nước như Ý, Tây Ban Nha cũng đang đứng trên bờ vực thẳm, trong điều kiện dịch bệnh trầm trọng, không được EU (đứng đầu là Đức) thực hiện các biện pháp cứu trợ. Cuộc họp trực tuyến nguyên thủ các quốc gia EU vừa qua đã tỏ ra sự bất đồng quan điểm trong khối và tiềm tàng nhiều yếu tố tan rã (thân ai người đấy lo).

WSJ (3/4) cho biết AS sẵn sàng giảm sản lượng xuống 9 triệu thùng/ngày nếu các nước G20 cùng chấp nhận giảm, ngầm được hiểu là Mỹ, Brazil, Na Uy. Sản lượng của AS trong tháng 3 là 9,8 triệu thùng/ngày.

Nga sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ nhất định, tuy nhiên lại phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Trong điều kiện chịu sức ép từ nhiều phía (giá dầu và khí giảm, đầu tư cơ bản cao, áp lực về trừng phạt kinh tế luôn lơ lửng), để bám giữ được thị trường/thị phần trên thế giới đòi hỏi phía Nga cần có sự mềm mỏng và nhẫn nại trong quan hệ song phương và đa phương với các quốc gia.

Tổng thống Putin ngày 3/4 trong buổi họp trực tuyến phát biểu rằng Arabia Saudi cố tình ra khỏi đàm phán OPEC+ để phá ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Ngay sau đó Bộ Ngoại giao Arabia Saudi đã tỏ thái độ bất bình và ngay trong đêm đã ra thông cáo rằng phát biểu của Putin không đúng sự thật và hy vọng phía Nga sẽ đưa ra giải pháp đúng đắn trong cuộc họp khẩn cấp vào 9/4 tới đây. Bộ trưởng Năng lượng Saudi cũng ra thông cáo bày tỏ sự bất bình với tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Nga về việc Saudi từ chối gia hạn thỏa thuận. Nhiều hãng thông tấn và tư vấn quốc tế cũng nhân sự việc này đổ thêm dầu vào lửa. Sự đôi co này là tín hiệu không tốt cho cuộc đàm phán sắp tới.

Bloomber trích nguồn tin từ Nga cho biết (4/4) Nga chỉ sẵn sàng giảm 1 triệu thùng/ngày.

Năm 2019, Nga khai thác khoảng 11,26 triệu thùng/ngày, tương đương với 14% sản lượng thế giới, ngân sách của Nga được lập với giá dầu ở mức 42 USD/thùng.

Đối tác và cũng là đối thủ số 1 của Nga là Mỹ luôn gây áp lực gián tiếp và trực tiếp thông qua việc cản trở sự tiếp cận của Nga với thị trường hàng hóa (xuất khẩu dầu khí, vũ khí; nhập công nghệ khai thác dầu khí) và thị trường tài chính dài hạn. Việc Mỹ “gợi ý” giảm 10-15 triệu thùng/ngày với hai nước Nga và Saudi vừa mang tính chỉ đạo, vừa đe dọa.

Theo nhận định, nếu Mỹ không thay đổi quan điểm (chỉ đóng vai trò giám sát) - cuộc họp OPEC+ hay OPEC++/OPEC+- lần này gần như thất bại. Trump chưa bao giờ và không bao giờ coi OPEC là thể thống gì. Có thể các bên sẽ không đưa ra được giải pháp ngay và kéo dài thêm một vài phiên họp nữa.

Giá dầu tuần tới sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc họp, nếu đạt được thỏa thuận, Brent sẽ hướng tới mốc 40 USD/thùng, ngược lại, Brent sẽ giảm về 5-20 USD/thùng trong vòng 2 tuần tới. Về lâu dài, giá dầu sẽ vẫn ở mức 25-30 USD/thùng.

Dù sao thì cuộc chiến về giá dầu/thị trường dầu cũng đã bắt đầu. Trận chiến này giống như trận đấu bằng dao trong một phòng tối giữa rất nhiều đối thủ.

Viễn Đông