Gã khổng lồ dầu khí Shell ký thỏa thuận mua điện từ trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ở Anh

10:21 | 27/11/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 25/11/2021 đưa tin hôm thứ Tư (24/11) tập đoàn dầu khí Shell đã ký một thỏa thuận mua điện từ dự án được mệnh danh là “trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới”, Trang trại gió Dogger Bank.
Gã khổng lồ dầu khí Shell ký thỏa thuận mua điện từ trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ở Anh
Trang trại gió ngoài khơi Dogger Bank công suất 3,6 GW ngoài khơi bờ biển nước Anh. Ảnh: SSE Renewables.

Thỏa thuận mua bán điện (PPA) trong 15 năm liên quan đến dự án Dogger Bank C công suất 240 megawatt, giai đoạn thứ ba và là giai đoạn cuối cùng của Trang trại gió ngoài khơi Dogger Bank công suất 3,6 gigawatt ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông bắc nước Anh. Thỏa thuận này là sự tiếp nối của thỏa thuận trước của Shell mua 480 MW từ Dogger Bank A và B, với tổng bao tiêu của Shell sẽ lên tới 720 MW. Khi ba giai đoạn hoàn thành, dự kiến ​​tháng 3/2026, Dogger Bank sẽ là trang trại gió ngoài khơi lớn nhất trên thế giới.

Tuy đã thực hiện nhiều giao dịch liên quan đến năng lượng tái tạo, Shell vẫn là một công ty dầu khí lớn. Shell đã cam kết trở thành công ty năng lượng không phát thải ròng vào năm 2050. Tháng 2/2021, Shell xác nhận tổng sản lượng dầu của họ đã đạt đỉnh vào năm 2019 và dự kiến ​​tổng lượng khí thải carbon đạt mức cao nhất vào năm 2018, ở mức 1,7 gigatt một năm.

Gã khổng lồ dầu khí Shell ký thỏa thuận mua điện từ trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ở Anh
Trang trại gió ngoài khơi Dogger Bank là trang trại gió đầu tiên ở châu Âu sử dụng turbine Renewable Haliade X của GE. Ảnh: GE.

Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt đầu năm nay, một tòa án Hà Lan đã yêu cầu Shell hành động tích cực hơn nữa để giảm lượng khí thải carbon và giảm 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2019. Đây có thể coi là phán quyết lần đầu tiên trong lịch sử khi một công ty có nghĩa vụ pháp lý phải điều chỉnh các chính sách của mình cho phù hợp với Thỏa thuận Paris năm 2015. Shell đang kháng cáo phán quyết này.

Tháng 10, nhà đầu tư tỷ phú Dan Loeb đã kêu gọi doanh nghiệp chia thành nhiều công ty để tăng cường hoạt động và giá trị thị trường. Gần đây, giữa tháng 11/2021, Shell cho biết muốn chuyển Trụ sở văn phòng chính từ Hà Lan sang Anh và từ bỏ cơ cấu cổ phần kép. Theo các kế hoạch này, tên công ty sẽ thay đổi từ Royal Dutch Shell Plc thành Shell Plc. Chủ tịch công ty Andrew Mackenzi cho biết việc đơn giản hóa sẽ bình thường hóa cơ cấu cổ phần của Shell theo các khu vực pháp lý về thuế và pháp lý của một quốc gia và giúp Shell cạnh tranh hơn./.

Thanh Bình