Đức cắt điện nhiều công trình lịch sử để tiết kiệm năng lượng

10:24 | 30/07/2022

|
(PetroTimes) - Vào đêm 28/7, thành phố Berlin (Đức) đã tắt đèn chiếu sáng của một số đài tưởng niệm và công trình lịch sử. Hành động này đã đóng góp vào nỗ lực tiết kiệm năng lượng toàn quốc trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng.
Đức cắt điện nhiều công trình lịch sử để tiết kiệm năng lượng

Trước mắt, khoảng 200 công trình lịch sử, bao gồm Cột Chiến thắng, Cung điện Charlottenburg và Tòa thị chính Berlin, sẽ không còn mở đèn vào ban đêm.

Bà Bettina Jarasch, quan chức hàng đầu về khí hậu của Berlin giải thích: "Xét thấy cuộc tấn công vào Ukraine và các mối đe dọa về mặt chính sách năng lượng từ Nga, quan trọng nhất là chúng ta phải sử dụng năng lượng một cách cẩn thận nhất có thể".

Theo đó, thành phố Berlin sẽ tiết kiệm được năng lượng qua việc tắt 1400 đèn chiếu được lắp đặt tại các địa điểm này.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh sẽ mất vài tuần. Do cơ chế tự động bật đèn khi đêm xuống, nên mỗi tòa nhà đều cần phải có người điều chỉnh thiết bị.

Như vậy, ban đầu thành phố sẽ không tiết kiệm được tiền vì chi phí điều chỉnh đèn sẽ được chi trả bằng số tiền điện tiết kiệm được trong một năm, tức 40 000 euro.

Thành phố Berlin tiêu thụ khoảng 200 000 kWh điện hàng năm. Được biết, việc tắt đèn chiếu các đài tưởng niệm sẽ đóng vai trò quyết định trong chính sách tiết kiệm điện.

Tổng thống Frank-Walter Steinmeier cũng đã cho tắt đèn chiếu sáng ban đêm tại Cung điện Bellevue - dinh thự chính thức của các vị Tổng thống Đức. Theo đó, đèn sẽ không còn được bật vào ban đêm trừ những dịp đặc biệt như các chuyến thăm cấp nhà nước.

Các thành phố khác của Đức đã thực hiện nhiều biện pháp theo hướng tương tự.

Cụ thể, thành phố Hannover (thuộc miền trung nước Đức) đã cho tắt đèn phòng tắm tráng ở các bể bơi, nhà thi đấu thể dục và thể thao. Tòa thị chính hoặc các viện bảo tàng cũng sẽ không còn được chiếu sáng vào ban đêm.

Thị trưởng Hannover Belit Onay cho biết: "Hannover đặt mục tiêu giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 15%. Đây là cách chúng tôi phản ứng trước nguy cơ thiếu khí đốt, vốn là thách thức lớn đối với các thành phố".

Tuy nhiên, lệnh hạn chế không bao hàm "các cơ sở hạ tầng quan trọng" như vườn ươm, trường học, nhà hưu trí hoặc trung tâm y tế.

Các thành phố khác như Leipzig, Munich hay Nuremberg cũng đang chuẩn bị các biện pháp tiết kiệm.

Từ vài tuần nay, trước tình hình giá năng lượng tăng vọt và giảm nguồn cung mùa đông sắp tới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã vận động toàn quốc nỗ lực tiết kiệm năng lượng.

Một chiến dịch đã được phát động đến các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như giảm điều hòa nhiệt độ của các tòa nhà, ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

Trước khi xảy chiến tranh Nga-Ukraine, 55% khí đốt của Đức được mua từ Nga. Vào đầu tháng 6/2022, lượng mua này giảm xuống còn 35%. Thế nhưng Đức vẫn phải chịu cảnh cắt giảm khí đốt từ phía nước Nga. Nhiều lần, công ty năng lượng Gazprom (Nga) đã giảm lượng khí đốt được đưa đến Đức qua đường ống dẫn khí Nord Stream xuống còn 20%.

Châu Âu đẩy nhanh phát triển của năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng để loại bỏ khí đốt của NgaChâu Âu đẩy nhanh phát triển của năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng để loại bỏ khí đốt của Nga
Bản tin Dầu khí 18/4: Người Đức kêu gọi tiết kiệm năng lượng để gây sức ép với NgaBản tin Dầu khí 18/4: Người Đức kêu gọi tiết kiệm năng lượng để gây sức ép với Nga
Đức kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng để “chọc giận Nga”Đức kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng để “chọc giận Nga”

Ngọc Duyên

AFP