Điều gì xảy ra tiếp theo đối với thị trường năng lượng?

16:55 | 22/07/2021

|
(PetroTimes) - Theo các nhà phân tích tại S&P Global Platts, khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ dẫn đến việc “loại bỏ” ít nhất khoảng 400 triệu người từ tầng lớp trung lưu trong vòng 10 năm tới.
undefined
Ảnh: LeDinh Thang

S&P Global Platts mới đây đã đưa ra những nhận định về sự thay đổi mô hình năng lượng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Trong một năm qua, các biện pháp khuyến khích bảo vệ môi trường ở châu Âu và chiến lược thực hiện mục tiêu không phát thải ròng của Trung Quốc đã và đang thay đổi tốc độ quá trình chuyển đổi năng lượng. Năm đầu tiên của đại dịch Covid-19 đã chứng kiến sự tăng tốc đáng kể trong tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Mới chỉ hơn một năm rưỡi trước, các nhà phân tích đã đánh giá, việc áp dụng các hạn chế môi trường mới đối với nhiên liệu hàng hải của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) là xu hướng chính có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, sự bùng nổ của đại dịch và cuộc chiến giá dầu trong OPEC+ đã thay đổi toàn cảnh ngành năng lượng. Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu WTI đã rơi xuống mức âm 37 USD/thùng. Trong tháng 4/2020, thị trường ghi nhận sụt giảm nhu cầu tiêu thụ chưa từng có, ở mức 20 triệu bpd. Điều này buộc các thành viên OPEC+ phải ngồi vào bàn đàm phán và thống nhất giảm sản lượng khoảng 10 triệu bpd ra khỏi thị trường.

Đối với ngành công nghiệp đá phiến Mỹ, đại dịch đã khiến chi phí đầu tư thượng nguồn sụt giảm 40%. Số lượng giàn khoan đang hoạt động và giàn fracking giảm tới 80%. Kết quả là sản lượng dầu của Mỹ sụt giảm 1 triệu bpd trong năm vừa qua. Sản lượng khai thác khí đồng hành, khí đá phiến giảm, dẫn đến sự thiếu hụt khí đốt cho các nhà máy sản xuất LNG, xuất khẩu LNG và không thể gia tăng nhanh công suất trong bối cảnh mùa đông lạnh khắc nghiệt vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Việc thiếu hụt nguồn cung LNG khi thị trường châu Á bắt đầu gia tăng nhu cầu nhập khẩu để tiêu thụ đã khiến giá LNG tại thị trường này tăng vọt, lập những kỷ lục mới.

Đại dịch Covid-19 kéo theo các biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được áp dụng trên quy mô toàn cầu khiến nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ trong lĩnh vực giao thông vận tải bị sụt giảm nặng nề. Lĩnh vực hàng không bị chịu thiệt hại nhất và đến giờ vẫn chưa thể phục hồi. Theo các nhà phân tích tại S&P Global Platts, khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ dẫn đến việc “loại bỏ” ít nhất khoảng 400 triệu người từ tầng lớp trung lưu trong vòng 10 năm tới. Tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu hàng năm có thể sẽ chậm lại ở mức 300.000 bpd đến năm 2030.

Cũng theo đánh giá của S&P Platts, đại dịch đã tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính chiến thắng. Theo các nhà phân tích, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đã ghi nhận mức giảm kỷ lục trong lịch sử. Đây là xu hướng thay đổi mang tính cách mạng đối với nhu cầu tiêu thụ các nguồn năng lượng. Đại dịch Covid-19 đã loại bỏ sự nhiệt tình của những người tham gia thị trường đối với phát triển nhiên liệu LNG, nhưng cũng đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của khí đốt thiên nhiên trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu từ than, dầu thô sang các nguồn NLTT. Trọng tâm trên thị trường năng lượng toàn cầu hiện nay sẽ là sự gia tăng quá trình điện khí hóa và sản xuất nhiều hơn hydro “xanh”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thế giới cần rất nhiều giải pháp công nghệ để điều chỉnh chính xác quá trình chuyển đổi năng lượng trong từng trường hợp cụ thể.

Tiến Thắng