Điều gì xảy ra nếu thỏa thuận OPEC+ sụp đổ

10:33 | 08/07/2021

|
(PetroTimes) - Không thể ngoại trừ khả năng thỏa thuận OPEC+ sụp đổ nếu xung đột lợi ích giữa một số thành viên không được giải quyết ở mức độ “chấp nhận được”.
Điều gì xảy ra nếu thỏa thuận OPEC+ sụp đổ

Cuộc họp cấp Bộ trưởng OPEC+ vào ngày 05/7/2021 đã bị hoãn lại lần thứ 3. Lịch họp mới chưa được phía OPEC thông báo. Các nước thành viên của liên minh đã không thể thống nhất về việc gia tăng sản lượng khai thác dầu như thế nào từ tháng 8 đến hết năm 2021.

Không đạt được sự đồng thuận

Lý do khiến các nước thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu không nằm trong OPEC chậm trễ trong việc ra quyết định là do quan điểm của UAE. Quốc gia này khẳng định sẽ điều chỉnh lại mức cơ sở của mình (mức khai thác dầu được dùng làm mốc áp dụng hạn ngạch cắt giảm sản xuất dầu) trong liên minh từ 3,17 triệu bpd lên mức 3,8 triệu bpd.

Ngay trong ngày 05/07, báo giá dầu thô thế giới đã phản ứng tăng trong bối cảnh cuộc đàm phán bị trì hoãn nhiều lần. Giá dầu Brent đã vượt mốc 77 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2018. Theo 1prime đưa tin, giá dầu Brent giao tháng 9 đã tăng 1,14% lên mức 77,04 USD/thùng và giá dầu WTI giao tháng 8 đã tăng 1,38%, lên mức 76,2 USD/thùng.

Một số chuyên gia thị trường cho rằng, nếu các thành viên của liên minh OPEC+ không đồng thuận về các điều kiện mới, các hạn chế sản lượng hiện tại sẽ tiếp tục được duy trì. Điều này tiếp tục hỗ trợ giá dầu tăng. Việc duy trì hạn ngạch cắt giảm sản xuất dầu hiện nay sẽ đồng nghĩa với gia tăng thâm hụt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ. Do đó, giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Trong trường hợp nhu cầu ổn định, giá dầu Brent có thể chạm mốc 80 USD/thùng. Theo TASS, một nguồn tin tham gia đàm phán tiết lộ, cho đến khi các bên thống nhất được các điều kiện mới, các cam kết về sản lượng trong OPEC+ sẽ tiếp tục được tuân thủ. Đồng thời, giới chuyên gia cũng hoài nghi về khả năng lặp lại kịch bản “sụp đổ” thỏa thuận OPEC+ như đã từng xảy ra trong năm 2020 khi các nước OPEC+ không thể đi đến thống nhất.

Các cuộc đàm phán trong OPEC+ đã kéo dài từ ngày 01/7. Các bên tham gia đã không thể đi đến một quyết định chung có hiệu lực từ tháng 8 tới. Đề xuất tăng sản lượng lên 400.000 bpd được sử dụng làm cơ sở để thảo luận. Theo đề xuất, tổng hạn ngạch cắt giảm của liên minh đến hết năm 2021 sẽ giảm tổng cộng 2 triệu bpd, từ 5,7 triệu bpd xuống còn 3,7 triệu bpd. Một số nhà phân tích đánh giá, những người chơi trên thị trường không nên kỳ vọng về một kịch bản sẽ có thành viên nào đó trong OPEC+ rút khỏi thỏa thuận. Phía UAE đã chính thức thông báo về việc không có kế hoạch rời khỏi liên minh. Đây mới là yếu tố then chốt đối với các nhà đầu tư trên thị trường, ngay cả khi những nỗ lực tái lập lại lập trường chung giữa UAE và các thành viên còn lại của OPEC+ thất bại. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất dầu trong liên minh sẽ nỗ lực hết sức để tránh lặp lại một “cuộc chiến” giá dầu.

Theo Deloitte, trong lịch sử đã từng xảy ra những xung đột giữa các thành viên OPEC và được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau. Thị trường đã tính đến mức tăng trưởng sản lượng dầu hiện tại của OPEC+ ngay từ cuộc họp vào tháng 4/2021. Do đó, sự ảnh hưởng của những quyết định lần này trong OPEC+ đối với giá dầu có thể sẽ hạn chế.

Giám đốc Fitch Ratings Dmitry Marinchenko cho rằng, điều quan trọng là các thành viên OPEC+ phải tăng sản lượng khai thác từng bước một và đồng bộ. Nếu không, thị trường sẽ rơi vào trạng thái thâm hụt sâu hơn, dẫn đến lượng hàng tồn kho giảm mạnh, đẩy giá dầu tăng quá nóng. Ở chiều ngược lại, nếu các nước thành viên đột ngột chuyển sang trạng thái tăng “nóng” sản xuất dầu (như đã xảy ra vào tháng 3/2020), tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ xảy ra. Ông Marinchenko cho rằng, nếu sản xuất dầu trong OPEC+ gia tăng không kiểm soát, giá dầu thế giới có thể sụt giảm xuống dưới 50 USD/thùng, nhất là trong trường hợp nguồn dầu thô của Iran quay trở lại thị trường.

Điều gì xảy ra nếu thỏa thuận OPEC+ sụp đổ

Theo 1prime, không thể ngoại trừ khả năng thỏa thuận OPEC+ sụp đổ nếu xung đột lợi ích giữa một số thành viên không được giải quyết ở mức độ “chấp nhận được”. UAE vẫn kiên trì lập trường phản đối gia tăng sản lượng của liên minh thêm 2 triệu bpd đến cuối năm 2021 và phản đối đề xuất kéo dài hiệu lực của thỏa thuận đến hết năm 2022 thay vì vào tháng 4/2022 của KSA và Nga.

Chuyên gia Viện Phát triển công nghệ năng lượng và nhiên liệu (IRTTEK) Dmitry Koptev cho biết, lập trường như vậy là mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của liên minh OPEC+. Đây chính xác là điều mà Bộ trưởng năng lượng KSA Abdulaziz bin Salman Al Saud nghĩ đến. Nếu liên minh đi theo sự dẫn dắt của phía UAE, sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt. Đề xuất sửa đổi mức sản xuất cơ sở của UAE có thể khiến tất cả những nước thành viên mong muốn điều chỉnh mức sản xuất cơ sở của mình. Theo thỏa thuận, các bên tham gia có quyền đưa ra những đề xuất tạo điều kiện đặc biệt cho mình. Tuy nhiên, toàn liên minh cần tính đến trường hợp xấu nhất là giá dầu tiếp tục tăng, ngành đá phiến của Mỹ bắt đầu tăng sản lượng dầu trở lại và tràn ngập thị trường một lần nữa.

Chuyên gia Koptev lưu ý rằng, lợi ích của các bên tham gia thỏa thuận là khác nhau. Trước cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+, phía KSA nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận thận trọng đối với việc tăng sản lượng vì nguy cơ giá dầu sụt giảm là cao do những tiến triển trong đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran và những làn sóng đại dịch Covid-19 mới bùng phát trên toàn cầu. Ngoài ra, ngân sách của KSA rất nhạy cảm với biến động giá dầu.

Mặt khác, bên tham gia quan trọng thứ hai trong thỏa thuận là Nga đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất. Có vẻ như KSA không muốn tạo một cuộc đối đầu mới với Nga sau những gì đã xảy ra vào tháng 3/2020. Sẽ là dễ dàng và an toàn hơn nhiều nếu KSA yêu cầu một đồng minh lâu năm là UAE đưa ra một lập trường đặc biệt và đóng băng hiện trạng của thỏa thuận thêm 1 tháng. Khoảng thời gian này phải đủ để tình huống rủi ro trở nên rõ ràng hơn và đủ cơ sở tin cậy để đưa ra quyết định tiếp theo. Cần lưu ý thêm rằng, chưa có nguồn tin nào giải thích tại sao chủ đề kéo dài thỏa thuận sau thời điểm tháng 4/2020 lại được đưa ra thảo luận vào thời gian này.

Theo trung tâm phân tích Univer Capital (Nga), về mặt lý thuyết thì các bên có thể đạt được sự thỏa hiệp trong tình huống này. Liên minh sẽ tính lại mức sản xuất cơ sở đối với tất cả các thành viên. Nhưng thực tế cho thấy, để thỏa mãn nhu cầu của tất cả các thành viên và theo ý đồ sắp xếp của KSA, nhiều khả năng là cả KSA và Nga phải cắt giảm thêm một phần nhất định, tức là tốc độ tăng sản lượng của hai nhà sản xuất lớn nhất sẽ chậm hơn các quốc gia còn lại. Và khả năng Nga “ngả” theo hướng này là hầu như bằng không.

Trong trường hợp thỏa thuận chấm dứt hiệu lực

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, rủi ro chính đối với sự tồn tại của thỏa thuận là khi tình hình tiêu thụ trên thị trường ngày càng cải thiện. Điều này có thể thúc đẩy một số bên tham gia thỏa thuận cố gắng gia tăng thị phần của mình khi tiêu thụ dầu mỏ phục hồi. Tuy nhiên, liên minh sẽ tồn tại với sự tham gia đầy đủ của các thành viên hoặc là tự động giải thể nếu một trong những thành viên quan trọng rút khỏi thỏa thuận. Những thành viên còn lại sẽ “mạnh ai nấy làm” như những gì đã xảy ra vào năm 2020. Những nhà sản xuất “kém quan trọng” hơn sẽ là những người chịu thiệt hại đầu tiên nếu xảy ra những biến động đột ngột.

Phó Chủ tịch mảng thị trường dầu mỏ của Argus tại Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương Alexandro Barbakhosa cho rằng, nếu các bên không đạt được thỏa hiệp trong tương lai gần, điều này có nghĩa là tất cả các thành viên sẽ khai thác theo ý mình và một cuộc chiến giá dầu mới sẽ xảy ra. Khả năng này được đánh giá là thấp nhưng không thể loại trừ. Nếu các bên đàm phán tiếp tục bế tắc và những hạn chế khai thác hiện tại được gia hạn thêm 1 tháng thì khả năng cao giá dầu sẽ chuyển tiếp lên trên mức giá 80 USD/thùng. Trong trường hợp thỏa thuận sụp đổ, giá dầu chắc chắn sẽ phản ứng giảm. Tình trạng thâm hụt nguồn cung hiện nay (ước tính vào khoảng 1,4 triệu bpd) và những hạn chế khai thác trên thị trường sẽ bị loại bỏ.

Tiến Thắng