Điều gì sẽ xảy ra khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua Ukraine hết hạn?

21:43 | 05/06/2024

|
(PetroTimes) - Ukraine sẽ không gia hạn thỏa thuận 5 năm với Gazprom của Nga về việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu, khi thỏa thuận hết hạn vào cuối năm nay. Điều này khiến các nước nhận khí đốt phải tìm kiếm giải pháp thay thế.
Bờ biển phía đông Hàn Quốc có thể chứa 14 tỷ thùng dầu và khí đốtBờ biển phía đông Hàn Quốc có thể chứa 14 tỷ thùng dầu và khí đốt
Nga, Trung Quốc tranh cãi về giá trong cuộc đàm phán đường ống dẫn khí đốtNga, Trung Quốc tranh cãi về giá trong cuộc đàm phán đường ống dẫn khí đốt
Điều gì sẽ xảy ra khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua Ukraine hết hạn?
Nhà máy xử lý khí Orenburg của Gazprom ở Vùng Orenburg, Nga. Ảnh Reuters

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, Na Uy đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống hàng đầu của châu Âu, và EU đã tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các nước khác.

Tuyến đường vận chuyển khí đốt của Ukraine

Tuyến đường trung chuyển khí đốt Ukraine, được Moscow và Kyiv nhất trí vào năm 2019, cho phép Nga xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua Ukraine. Tuy nhiên, khối lượng vận chuyển đã giảm 28,5% vào năm 2023, theo nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt của Ukraine.

Hai điểm tiếp nhận khí đốt vào: Sokhranivka và Sudzha, nhưng Ukraine tuyên bố bất khả kháng, và dừng dòng chảy qua Sokhranivka vào năm 2022. Hệ thống này kết nối Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Moldova.

Những nước nào nhận khí đốt qua tuyến đường này?

Hầu hết các quốc gia EU đã giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga do cuộc xung đột ở Ukraine. Những quốc gia nhận khí đốt chính trước đây qua Ukraine bao gồm Áo, Slovakia, Ý, Hungary, Croatia, Slovenia và Moldova. Áo vẫn nhận phần lớn khí đốt qua Ukraine, trong khi các nước khác đã đa dạng hóa nguồn cung và thực hiện các bước để giảm nhu cầu.

Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, năm ngoái đã nhập toàn bộ khí đốt từ các thị trường châu Âu, để lại khí đốt sẵn có từ Gazprom cho khu vực ly khai phía đông, Transdniestria.

Một nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia cho biết, nhập khẩu của Croatia hiện ở mức tối thiểu và của Slovenia đã giảm xuống gần bằng 0 sau khi hợp đồng của nhà cung cấp khí đốt chính Geoplin với Gazprom kết thúc vào năm ngoái.

Có thể thay thế khí đốt qua Ukraine như thế nào?

Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson cho biết một phân tích đã chỉ ra rằng các nguồn cung cấp thay thế vẫn tồn tại.

Áo có thể nhập khẩu từ Ý và Đức, và các công ty điện lực của nước này cho biết họ đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nếu nguồn cung cấp khí đốt của Nga dừng lại.

Hungary đã dựa vào đường ống TurkStream và Slovenia lấy khí đốt từ Algeria và các nguồn khác.

Nhà cung cấp khí đốt Slovakia SPP cho biết một tập đoàn gồm những khách hàng mua khí đốt ở châu Âu có thể tiếp quản khí đốt ở biên giới Nga-Ukraine khi hợp đồng quá cảnh hết hạn.

Một lựa chọn khác là Gazprom cung cấp một phần khí đốt qua một tuyến đường khác, chẳng hạn như qua TurkStream, Bulgaria, Serbia hoặc Hungary. Tuy nhiên, công suất thông qua các tuyến đường này còn hạn chế, SPP nói với Reuters.

Ý nhận phần lớn khí đốt thông qua tuyến đường có thể nhập khẩu khí đốt Azeri và từ Algeria.

Điều gì xảy ra với mạng lưới vận chuyển khí đốt của Ukraine?

Ukraine đã không nhập khẩu khí đốt trực tiếp từ Nga kể từ năm 2015, mà sử dụng hệ thống trung chuyển để cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Hệ thống này duy trì mức áp suất cho cả nguồn cung cấp trong nước và châu Âu.

Ukraine có kinh nghiệm quản lý việc ngừng hoạt động trung chuyển - chẳng hạn như năm 2006 và 2009 - và đã thử nghiệm hệ thống này để đảm bảo hệ thống có thể hoạt động nếu nguồn cung từ Nga chấm dứt.

Các quan chức năng lượng Ukraine và các nguồn tin trong ngành đã nhiều lần cho biết không có mối đe dọa nào đối với Ukraine khi dừng quá cảnh, đồng thời cho biết máy nén khí của Ukraine có thể bơm khí đốt từ các cơ sở lưu trữ ở phía tây sang phía đông.

Gazprom sẽ mất bao nhiểu doanh thu?

Theo dữ liệu của Gazprom, Nga có thể mất khoảng 4,5 tỷ USD hằng năm nếu ngừng xuất khẩu, dựa trên giá khí đốt trung bình dự kiến ​​sang châu Âu là 320 USD/1.000 mét khối vào năm 2025. Xuất khẩu hằng ngày của nước này qua Ukraine sang châu Âu hiện ở mức hơn 40 triệu mét khối.

Gazprom có thể làm gì với khí đốt này?

Nếu Ukraine không gia hạn thỏa thuận, Nga có kế hoạch sử dụng các tuyến đường thay thế và tăng cường xuất khẩu LNG. Gazprom đặt mục tiêu tăng doanh số bán khí đốt cho Trung Quốc

Gazprom bắt đầu chuyển khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia vào cuối năm 2019, nhằm xuất khẩu 38 tỷ mét khối (bcm) từ năm tới và cuối cùng lên tới 100 bcm mỗi năm, bao gồm cả 50 bcm thông qua Power of Siberia 2 được đề xuất, nhưng các cuộc đàm phán về giá cả và các vấn đề khác đã đình trệ đường ống này.

Yến Anh

Reuters