Điện gió nổi ngoài khơi có thể là mặt trận lớn nhất của năng lượng gió ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

10:39 | 26/02/2021

|
(PetroTimes) - Hãng phân tích Wood Mackenzie cho biết, điện gió nổi ngoài khơi có thể là mặt trận tiếp theo trong phát triển lĩnh vực điện gió ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chi phí vốn (CAPEX) sẽ giảm xuống trung bình 3 triệu USD/MW trong giai đoạn 2025-2030.
Điện gió nổi ngoài khơi có thể là mặt trận lớn nhất của năng lượng gió ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Dự án giàn turbin đôi nổi 200MW ngoài khơi Hàn Quốc của Tập đoàn Shell

Theo Wood Mackenzie, một thị trường quan trọng cho công nghệ nổi ngoài khơi đang hình thành ở châu Á. Các nhà phát triển tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã công bố kế hoạch phát triển các dự án thử nghiệm trọng điểm, mặc dù quy mô triển khai vẫn còn hạn chế so với công nghệ xây dựng nền đáy cố định cho trụ gió. Điện gió nổi ngoài khơi được dự báo chỉ chiếm 6% trong tổng công suất 26 GW công suất gió ngoài khơi mới dự kiến được xây dựng trong thập kỷ này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích Robert Liew của Wood Mackenzie cho biết, việc lắp đặt thêm 1,56 GW công suất điện gió nổi ngoài khơi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ cần các khoản đầu tư trị giá ít nhất 8 tỷ USD. Nếu xem xét thêm dự án truyền dẫn trị giá 9 tỷ USD trong giai đoạn lập kế hoạch ban đầu, nhu cầu đầu tư có thể lên tới 58 tỷ USD. Duy trì nguồn cung cấp điện là một thách thức quan trọng đối với các thị trường này khi các nhà máy nhiệt điện lạc hậu sắp hết vòng đời dự án và cơ hội phát triển điện than, điện hạt nhân mới bị hạn chế đáng kể. Ba thị trường Đông Bắc Á phải đối mặt với việc ngừng hoạt động công suất nhiệt điện than và điện hạt nhân lên tới 89 GW trong giai đoạn 2020 - 2030.

Chuyên gia Liew cho biết, chính phủ các nước này đang tích cực tìm kiếm nguồn cung điện từ NLTT để lấp đầy khoảng trống cung cấp, nhưng do hạn chế về đất đai nên các lựa chọn mở rộng NLTT bị hạn chế. Điện gió nổi ngoài khơi đang được chú ý nhiều hơn nhưng chi phí cao vẫn là rào cản lớn đối với việc áp dụng rộng rãi công nghệ này. Để đảm bảo tính bền vững lâu dài của nguồn điện này, chi phí lắp đặt phải giảm đáng kể để ít nhất có thể cạnh tranh được với nguồn cung điện khí.

Điện gió nổi ngoài khơi có thể là mặt trận lớn nhất của năng lượng gió ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Thiết bị lắp đặt nổi Lidar cho dự án điện gió Ulsan 1,4GW ngoài khơi Hàn Quốc

Với những thành quả hạn chế, quy mô điện gió nổi ngoài khơi mới có 21 MW công suất thử nghiệm, cho thấy tính không chắc chắn cao về khả năng giảm chi phí dự án tại các thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, chính phủ Nhật Bản ước tính rằng, chi phí đầu tư hiện tại đối với điện gió nổi ngoài khơi có thể hạ xuống 4 triệu USD/MW so với chi phí đầu tư điện gió trên bờ là 2-3 triệu USD/MW. Trong khi chi phí đầu tư điện gió trên bờ được dự báo sẽ giảm còn 1,5 triệu USD/MW đến năm 2030.

Wood Mackenzie dự báo, chi phí đầu tư trung bình của các nhà máy điện gió nổi ngoài khơi tại ba thị trường tiên phong nêu trên sẽ giảm khoảng 40% xuống còn 2,6-4 triệu USD/MW vào giai đoạn 2025-2030.

Bất chấp thách thức về chi phí, Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã ban hành các chính sách hỗ trợ lĩnh vực này. Tại Nhật Bản, biểu thuế nhập khẩu áp dụng cho các dự án nổi so với các dự án ngoài khơi có chân đế đang chuyển sang mức giá thông qua đấu giá. Một cuộc đấu giá điện gió nổi quy mô 22 MW ở quần đảo Goto cũng đang thử nghiệm xem liệu giá trúng thầu có thể thấp hơn biểu giá được cấp vào hiện tại hay không. Tại Hàn Quốc, các dự án nổi ngoài khơi có thể được cấp chứng chỉ NLTT với nhiều ưu đãi hơn tùy thuộc vào khoảng cách giữa các cơ sở kết nối.

Chuyên gia Liew cho rằng, với đủ sự hỗ trợ của chính phủ, các nhà phát triển sẽ sẵn sàng đánh cược lớn hơn vào năng lượng gió nổi. Việc xây dựng một hệ thống các dự án nổi chắc chắn sẽ giúp lĩnh vực này có tầm nhìn xa hơn, do đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa. Những sự hỗ trợ của chính phủ là tầm nhìn dài hạn nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng gió nổi ngoài khơi trong nước sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương. Điện gió nổi ngoài khơi đòi hỏi nhiều tàu lắp đặt tuabin hơn so với các dự án gió ngoài khơi có chân đế. Điều này sẽ thu hút sự quan tâm của các quốc gia có thế mạnh về ngành hàng hải hay giao thông thủy nội địa. Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn thiết lập một trung tâm chuỗi cung cứng nổi ở nước ngoài cho khu vực và xuất khẩu tiềm năng trong tương lai sang các thị trường khác. Điều này cũng có thể góp phần đáng kể vào việc giảm chi phí.

Điện gió nổi ngoài khơi có lẽ sẽ là mặt trận lớn nhất cho năng lượng gió ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong dài hạn. Lĩnh vực này có tương lai triển vọng vì hầu hết các thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương đều có bờ biển dài và nguồn năng lượng gió ngoài khơi gần các thành phố ven biển có thể được khai thác, thậm chí ở cả những khu vực có tốc độ gió thấp. Mặc dù quy mô vẫn còn hạn chế, năng lượng gió nổi ngoài khơi có tiềm năng cung cấp điện gần như vô tận.

Viễn Đông