Dầu khí đá phiến Mỹ bước vào giai đoạn tồi tệ nhất?

11:00 | 18/03/2020

|
(PetroTimes) - Ngày 06/3 đánh dấu sự khởi đầu cho sự hoảng loạn về giá dầu trên thị trường toàn cầu khi Nga, Kazakhstan từ chối đề nghị cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu thô từ phía OPEC. 
dau khi da phien my buoc vao giai doan toi te nhat

Giới đầu tư kỳ vọng Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản xuất để cân bằng thị trường, song quốc gia này đã làm ngược lại. Ngay trong phiên đầu tuần (09/3), giá dầu thô thế giới trung bình đã rơi xuống mức 31 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 02/2016. Ngỡ tưởng các bên “tham chiến” chính là Nga và Saudi Arabia phải chịu thiệt hại, song những “người không chiến đấu” - những nhà sản xuất dầu đá phiến mới là những người đang gánh thiệt hại nặng nề.

Các chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered nhận định, tốc độ sản xuất dầu đá phiến đã bắt đầu giảm trước khi sự kiện 06/3 diễn ra. Trong tháng 02/2020, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ chỉ tăng 600.000 thùng /ngày, giảm hơn 50% so với mức trung bình năm 2019 là 1,24 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy sản xuất dầu đá phiến đang chậm lại, nhất là trong khu vực Permian. Standard Chartered cũng dự báo, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn ở mức 550.000 thùng/ngày vào năm 2021. Bên cạnh đó, mặc dù sản lượng sản xuất dầu đá phiến tăng cao năm 2019, song kết quả tài chính của nhiều công ty đá phiến vừa và nhỏ suy giảm. Cổ phiếu nhiều công ty đá phiến bắt đầu giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó có hai công ty lớn là Chesapeake Energy Corp. và Oasis Chemicals Inc.

Sau cú giảm lịch sử, hiện giá dầu đang “cầm cự” trong khoảng 30-35 USD/thùng. Điều này khiến nhiều công ty đá phiến đã từng đóng góp cho khát vọng “độc lập năng lượng” của nước Mỹ giờ phải đấu tranh để sinh tồn. Thời báo Wall Street Journal nhận định, sự sụp đổ giá nhiên liệu lần này khác với bối cảnh năm 2014 khi giới tư bản tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ không giúp đỡ các nhà sản xuất dầu đá phiến. Chi phí sản xuất dầu đá phiến cao, cổ tức thấp khiến giới tư bản tài chính ngày càng “chán” ngành công nghiệp này. Giá dầu đã thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất dẫn đến thiếu hụt tài chính, chi phí vốn do đó mà tiếp tục tăng. Trong hoàn cảnh, chu kỳ trả nợ gốc vào tháng 4 đang cận kề, nếu giá dầu duy trì ở mức thấp trong thời gian dài thì nhiều công ty đá phiến sẽ phải cắt giảm sản xuất, sa thải nhân viên để trả nợ, thậm chí phá sản.

Theo giám đốc điều hành của Công ty đá phiến Pioneer Natural Resources Scott Sheffeld, nhiều khả năng 50% số công ty đá phiến của Mỹ sẽ phá sản trong vòng 2 năm tới. Trong phiên giao dịch ngày 09/3, cổ phiếu của công ty này đã giảm 37%, cổ phiếu của Diamondback Energy giảm 45% và cổ phiếu của Parsley Energy giảm 39%. Các công ty trên đang khai thác dầu tại khu vực Tây Texas, sẽ giảm hoạt động ngay trong tuần này, bao gồm giảm số lượng ca bắn vỡ vỉa bằng thủy lực, đóng giếng khoan và giảm số lượng giàn khoan.

Trong số các nhà sản xuất dầu đá phiến lớn, tập đoàn dầu khí Occidental là một trong những nhà sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cổ phiếu của hãng sụt giảm tới 52% ngay tại phiên 09/3. Việc mua lại công ty đối thủ Anadarko Chemicals thời gian gần đây cộng với giá dầu giảm sâu khiến Occidental lâm vào cảnh mất cân đối kế toán.

Hãng tin Rystad Energy cho biết, các dự án khoan đá phiến mới (các giếng chưa hoàn thành - DUC) sẽ còn dang dở do 80% giếng DUC có mức giá hòa vốn khi giá dầu WTI ở mức 25 USD trở lên). Các công ty đá phiến có khả năng thanh khoản tốt nhất sẽ buộc phải giảm hoạt động khoan mới để duy trì giữa đầu tư và điều hành dòng tiền. Điều này rất quan trọng với các nhà đầu tư của công ty.