Dầu khí - cứu cánh cho nền kinh tế đang khánh kiệt của Liban?

13:00 | 16/10/2020

|
(PetroTimes) - Ngày 14/10, Israel đã bắt đầu cuộc đàm phán chưa từng có về phân định biên giới trên biển, cũng như tháo gỡ các trở ngại đối với việc thăm dò tài nguyên với Liban dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ) và sự trung gian hòa giải của Mỹ. Nếu hai nước đạt được thỏa thuận, tạo điều kiện cho mỗi bên tự khai thác tài nguyên trên vùng lãnh hải của mình, hoặc hợp tác vì lợi ích chung, Liban sẽ có thể chi trả cho khoản nợ công lên tới 150% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
4808-lp-1024x684
Bản đồ hiện trạng về tình hình tranh chấp giữa Liban và Israel

Trong một tuyên bố chung, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và LHQ ca ngợi "các cuộc thảo luận mang tính xây dựng" giữa Israel và Liban trong phiên khai mạc kéo dài một giờ diễn ra hôm 14/10 tại một căn cứ của LHQ ở thị trấn biên giới Naqura của Liban với Israel. Các cuộc đàm phán đầu tiên này được tổ chức dưới sự bảo trợ của đại diện của Tổng thư ký LHQ tại Liban, Jan Kubis, trong khi đại diện hòa giải của Hoa Kỳ là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Trung Đông, David Schenker. Kết thúc, các bên thống nhất phiên họp thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 28/10, theo một nguồn tin quân sự Liban, và khi đó nhà ngoại giao Mỹ John Deschent sẽ thay ông Schenker.

Sau vài năm trung gian của Mỹ, Liban và Israel đã công bố các cuộc đàm phán này vào đầu tháng 10, được Washington mô tả là "lịch sử". Chỉ vài tuần sau khi các thỏa thuận bình thường hóa với Israel được Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain ký kết tại Nhà Trắng, giới quan sát đang đặt nghi vấn về tính biểu tượng của các cuộc đàm phán kiểu như này đối với Tổng thống Donald Trump trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo một nguồn tin của LHQ, các cuộc đàm phán tại Naqoura bắt đầu vào khoảng 10h30 sáng (7h30 GMT ngày 14/10) tại một căn cứ biên giới của UNIFIL, một lực lượng của LHQ được triển khai để giám sát vùng đệm giữa Israel và Liban. Quân đội Liban và UNIFIL đã phong tỏa các con đường dẫn đến căn cứ, trong khi trực thăng phụ trách giám sát bầu trời khu vực này.

Ngoài tranh chấp song phương, các cuộc đàm phán này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang mạnh mẽ ở Đông Địa Trung Hải liên quan đến các nguồn tài nguyên và sự phân định biên giới trên biển, cũng có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Síp. Hiện tại, Israel và Liban đang bất đồng trong việc phân chia quyền thăm dò, khai thác các mỏ dầu khí đầy tiềm năng ở Địa Trung Hải. Diện tích tranh chấp ước tính khoảng 531 km2. Theo tính toán của các chuyên gia dầu khí, nhiều khả năng, vùng biển tranh chấp giữa Liban và Israel có các mỏ khí đốt, lợi nhuận từ hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này dự báo đạt 600 tỷ USD trong những năm tới. Đây chính là động lực lớn để hai bên liên tục thúc đẩy các hoạt động thăm dò dầu khí thời gian qua.

Các cuộc đàm phán này là rất quan trọng đối với một nước Liban đang trong tình trạng khánh kiệt kinh tế và đã bắt tay vào thăm dò tài nguyên ngoài khơi. So với các nước trong khu vực đã phát hiện những mỏ khí lớn thì Liban lại chậm chân hơn vì phải trải qua một thập kỷ vật lộn với tình hình chính trị bất ổn và xung đột trong nước. Các hoạt động thăm dò liên tục bị trì hoãn. Mãi đến năm 2018, quốc gia này mới ký hợp đồng thăm dò đầu tiên với một liên danh các tập đoàn quốc tế gồm tập đoàn Total của Pháp, ENI của Ý và Novatek của Nga. Nhưng vấn đề phát sinh ở đây là một phần trong khu vực thăm dò, Khối số 9, với diện tích 860 km2, lại nằm trong khu vực đang tranh chấp giữa Israel và Liban. Một nguồn tin tại Bộ Năng lượng Israel đã đảm bảo rằng vấn đề có thể được giải quyết "trong một vài tháng" nếu quá trình này diễn ra suôn sẻ từ phía Liban. "Chúng tôi không ảo tưởng. Mục tiêu của chúng tôi không phải là tạo ra bất kỳ quá trình bình thường hóa hay hòa bình nào", nguồn tin cho biết.

Theo Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri, nếu hai nước đạt được thỏa thuận phân định biên giới trên biển, tạo điều kiện cho mỗi bên tự khai thác tài nguyên trên vùng lãnh hải của mình, hoặc hợp tác vì lợi ích chung, Liban sẽ có thể chi trả cho khoản nợ công lên tới 150% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Xét trên bình diện rộng hơn, quan hệ giữa Israel và Liban được cải thiện sẽ có tác động tích cực tới tình hình chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông, vốn chìm trong nhiều cuộc xung đột những năm gần đây. Vì lẽ đó, nếu Israel và Liban đạt được thỏa thuận, đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử đáng ghi nhận.

Nhưng cũng có một số vướng mắc ở các cuộc đàm phán này. Phái đoàn Liban và Israel đã ở trong cùng một phòng đàm phán, nhưng lại được Liban mô tả là "gián tiếp" còn phía Israel coi là “trực tiếp”. Người đứng đầu phái đoàn Liban, Tướng Bassam Yassine, cho biết: “Cuộc gặp của chúng tôi hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc đàm phán kỹ thuật gián tiếp”. "Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra thuận lợi để chúng tôi đóng hồ sơ này trong một khoảng thời gian hợp lý", ông nói thêm. Hai sĩ quan và hai dân sự - một quan chức của Cơ quan Dầu khí và một chuyên gia về luật biển - đại diện cho Liban. Phái đoàn Israel gồm 6 thành viên, bao gồm Bộ trưởng Năng lượng, cố vấn ngoại giao của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Giám đốc các vấn đề chiến lược của quân đội.

Liban nhấn mạnh vào tính chất "kỹ thuật" - chứ không phải chính trị - của cuộc đàm phán này. Tuy nhiên, hai đảng phái theo dòng Shiite là Hezbollah và Amal ở Liban cho rằng không nên có sự hiện diện của các nhân vật dân sự trong phái đoàn Liban và nói rằng nên chỉ có đại diện quân đội tham gia thì tốt hơn. "Thành phần tham dự như hiện nay sẽ thiệt hại đến vị thế của Liban và các lợi ích của nước này (...) và thể hiện sự đầu hàng của Liban trước ý đồ của Israel, vốn muốn một hình thức bình thường hóa nào đó", Hezbollah tố cáo. "Các cuộc đàm phán này không có tính hợp pháp", Al-Akhbar, một nhật báo thân cận với Hezbollah, đưa tin.

Cuộc đối đầu lớn cuối cùng giữa Hezbollah và Israel bắt đầu từ mùa hè năm 2006. Một cuộc chiến tàn khốc sau đó đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng về phía Liban, chủ yếu là dân thường và 160 người bên phía Israel, chủ yếu là binh lính. Kể từ đó, các cuộc họp ba bên thường kỳ đã được UNIFIL tổ chức với các quan chức quân sự.

Theo LHQ, các cuộc đàm phán về biên giới trên bộ sẽ được tiến hành riêng rẽ trong khuôn khổ các cuộc gặp này. Hilal Khashan, nhà khoa học chính trị tại Đại học Beirut của Mỹ, cảnh báo: “Trong trường hợp có một thỏa thuận về biên giới trên bộ, vấn đề về vũ khí của Hezbollah sẽ nảy sinh”. Phong trào theo dòng Shiite này là phe duy nhất không từ bỏ kho vũ khí của mình sau cuộc nội chiến (1975-1990), sử dụng vai trò "kháng chiến" của mình đối với Israel để biện minh. Theo ông Khashan, Hezbollah sẽ không từ bỏ vai trò đó.

Hướng tới đàm phán hòa bình, Afghanistan thả 400 tù nhân TalibanHướng tới đàm phán hòa bình, Afghanistan thả 400 tù nhân Taliban
Căng thẳng leo thang ở Trung Đông do khai thác dầu khíCăng thẳng leo thang ở Trung Đông do khai thác dầu khí
Nguy cơ Mỹ tiếp tục bị sa lầy ở AfghanistanNguy cơ Mỹ tiếp tục bị sa lầy ở Afghanistan
Lebanon với chương trình dầu khí thềm lục địaLebanon với chương trình dầu khí thềm lục địa
Lebanon lần đầu cho phép thăm dò dầu khíLebanon lần đầu cho phép thăm dò dầu khí

H.Phan

AFP