Đằng sau vụ cháy tổng kho xăng dầu tại Indonesia

12:26 | 12/03/2023

|
(PetroTimes) - Sau vụ hỏa hoạn tại trạm xăng Plumpang ở thủ đô Jakarta khiến 16 người thiệt mạng, Chính phủ Indonesia muốn công ty năng lượng nhà nước Pertamina di dời kho nhiên liệu Plumpang, một trong những trạm nhiên liệu lâu đời nhất và lớn nhất ở nước này.
Đằng sau vụ cháy tổng kho xăng dầu tại Indonesia
Kho nhiên liệu Plumpang

Tuy nhiên, do Plumpang có sức chứa lên đến 325 triệu lít và cung cấp khoảng 1/5 lượng nhiên liệu mỗi ngày cho Indonesia, nên các khoản chi phí và chính sách có thể gây trở ngại cho việc di dời trạm xăng.

Diễn biến vụ hỏa hoạn:

Vào khoảng 8h tối ngày 3/3, một đám cháy lớn đã bùng phát ở Plumpang, nằm trong khu vực đông dân cư tại phía Bắc thủ đô Jakarta.

Trả lời phỏng vấn KompasTV, người dân địa phương cho biết khoảng 30 phút trước khi xảy ra vụ cháy, những người dân ở gần đó đã ngửi thấy mùi xăng khiến nhiều người nôn ói.

Pertamina cho biết họ đã phát hiện một vết rò rỉ trong đường ống trước khi đám cháy bùng phát.

Ông Fadjar Djoko Santoso, người phát ngôn của công ty Pertamina, cho biết ngọn lửa chỉ ảnh hưởng đến một ống dẫn nhiên liệu tại trạm xăng, các bể chứa vẫn an toàn, Plumpang cũng đã hoạt động trở lại.

Vụ hỏa hoạn rất nguy hiểm vì nhiều nhà dân nằm cạnh bức tường giáp ranh trạm nhiên liệu.

Được biết trạm xăng Plumpang cũng đã xảy ra một trận hỏa hoạn lớn khác vào năm 2009.

Ngoài ra, công ty năng lượng nhà nước Pertamina cũng từng xảy ra các sự cố khác như hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Balongan vào tháng 3/2021 và hỏa hoạn tại khu vực kho chứa của nhà máy lọc dầu Cilacap vào tháng 6 và tháng 11/2021.

Theo giới truyền thông địa phương, vụ hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Pertamina ở Balikpapan năm ngoái đã khiến 5 công nhân bị thương và 1 người thiệt mạng.

Đằng sau vụ cháy tổng kho xăng dầu tại Indonesia
Ngày 3/3, một đám cháy lớn đã bùng phát ở trạm xăng Plumpang, nằm trong khu vực đông dân cư tại phía Bắc thủ đô Jakarta.

QUAN ĐIỂM CỦA CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN VỀ VIỆC DI DỜI

Ông Erick Thohir, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia, người giám sát Pertamina, cho biết chính phủ đang đề xuất di dời trạm nhiên liệu Plumpang đến một địa điểm mới do Tổng công ty Cảng Indonesia (IPC) chuẩn bị.

Ông Arif Suhartono, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc IPC, cho biết công ty có 2 khu đất gần cảng container ở Tanjung Priok, mỗi khu rộng 32 ha, các cơ sở dầu khí của Pertamina có thể đặt tại khu vực này.

Ông Arif cho biết việc cải tạo đang được tiến hành và khu đất sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2024.

Pertamina cũng đã liên hệ với IPC. Người phát ngôn Fadjar cho biết, Pertamina đang xem xét đề xuất của Chính phủ Indonesia về kế hoạch dài hạn và chi phí di dời.

Ông Yusri Usman, Giám đốc điều hành Trung tâm Năng lượng và Tài nguyên Indonesia, ước tính một trạm nhiên liệu mới có thể tiêu tốn khoảng 350 triệu USD và sẽ mất ít nhất 4 năm để hoàn tất xây dựng.

Theo ông Komaidi Notonegoro, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu ReforMiner, Jakarta nên hỗ trợ tài chính cho Pertamina trong mọi quá trình hiện đại hóa bằng cách giảm cổ tức mà công ty này phải trả cho chính phủ.

Nhà quan sát Kinh tế Năng lượng tại Đại học Gadjah Mada (UGM), ông Fahmy Radhi, cho biết việc xây dựng một cơ sở nhiên liệu mới sẽ dễ dàng hơn là di dời hàng chục hộ gia đình sống ở khu vực lân cận.

Tuy nhiên, ông Luhut Binsar Panjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, cho biết nên di dời những người dân sống quanh khu vực trạm nhiên liệu Plumpang. Theo ông, trạm nhiên liệu được xây dựng ở vùng đệm riêng nhưng chính phủ lại cho phép người dân cất nhà xung quanh đó, khiến vùng đệm bị xâm phạm.

ĐÁNH GIÁ AN TOÀN

Các nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân vụ cháy, trong khi ông Sugeng Suparwoto, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng của Quốc hội Indonesia, kêu gọi kiểm toán các cơ sở của Pertamina khẩn cấp, bao gồm các nhà máy lọc dầu và kho chứa.

Một số nhà máy lọc dầu được xây dựng vào những năm 1970 và đã hoạt động hết công suất nên dễ bị hỏng hóc.

Ông còn nói, Pertamina nên đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu và giông bão gia tăng.

Bên cạnh đó, ủy ban Indonesia sẽ triệu tập các nhà lãnh đạo của Pertamina vào tuần tới để điều tra vụ hỏa hoạn.

Theo kế hoạch năm 2015, Pertamina đặt mục tiêu nâng cấp 4 nhà máy lọc dầu lớn nhất và xây dựng 2 nhà máy mới, giúp tăng gần gấp đôi công suất xử lý lên hơn 1,5 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, các dự án mới đã bị trì hoãn sau khi Pertamina xác định lại kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng sạch.

Công ty Indonesia Pertamina đặt mục tiêu tăng 5% khai thác dầu khí vào năm 2023Công ty Indonesia Pertamina đặt mục tiêu tăng 5% khai thác dầu khí vào năm 2023
Indonesia chỉ định doanh nghiệp thực hiện thăm dò 3 lô dầu khíIndonesia chỉ định doanh nghiệp thực hiện thăm dò 3 lô dầu khí
Phân tích tiềm năng điện mặt trời ở IndonesiaPhân tích tiềm năng điện mặt trời ở Indonesia
[PetroTimesMedia] Cháy kho xăng ở Indonesia: mùi nhiên liệu [PetroTimesMedia] Cháy kho xăng ở Indonesia: mùi nhiên liệu "nồng nặc" trước khi hỏa hoạn

Nh.Thạch

AFP