Đằng sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ với các nước Liên Xô cũ ở Trung Á

21:43 | 02/03/2023

|
(PetroTimes) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Kazakhstan và Uzbekistan trong tuần này để gặp lãnh đạo các nước này, cũng như hội đàm với các ngoại trưởng Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan.
Đằng sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ với các nước Liên Xô cũ ở Trung Á
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Kazakhxtan Kassym-Jomart Tokayev (Ảnh: DW, 28/2/2023)

Các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ vốn có quan hệ gắn bó lịch sử với nước Nga, chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ tới đây thực sự là một thách thức đối với Nga, vốn coi việc hội nhập với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ (FSU) là một trong những ưu tiên của mình tại thời điểm tách khỏi phương Tây.

Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra chỉ vài ngày sau khi Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan một lần nữa bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc về nghị quyết chống Nga được thông qua vào đêm trước ngày diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, 24/2/2022. PetroTimes xin giới thiệu phân tích của EnergyIntel nhân sự kiện này.

Các quốc gia Trung Á này đang thực hiện tìm kiếm sự hợp tác với phương Tây trong khi nền kinh tế và an ninh của họ vẫn liên kết chặt chẽ với Nga. Tuy nhiên, việc giữ thái độ trung lập có thể trở nên khó khăn khi chính họ đang chịu áp lực do trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga.

Ông Blinken phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp ở Astana với các ngoại trưởng của 5 quốc gia Trung Á rằng: "Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt và chúng tôi đang thảo luận với một số quốc gia, bao gồm cả các đối tác C5 của chúng tôi, về tác động lan tỏa kinh tế".

Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ đang cấp giấy phép để các công ty có thời gian kết thúc mối quan hệ với các công ty Nga đã bị trừng phạt: “Chúng tôi đang hỗ trợ các nước C5 trong nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của chính họ”.

Ngoại trưởng Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi thừa nhận rằng tình hình hiện tại "khá nặng nề đối với chúng tôi, đối với nền kinh tế của chúng tôi" vì Kazakhstan có quan hệ lịch sử với cả Nga và Ukraine. "Chúng tôi đang cố gắng tránh bất kỳ tác động tiêu cực nào từ lệnh trừng phạt", ông nói. Ông chỉ ra thương mại tự do với Nga trong Liên minh Kinh tế Á-Âu, nhưng nhắc lại rằng Astana cố gắng "tránh mọi khả năng trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga hoặc thậm chí bởi bất kỳ công ty nước ngoài nào".

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã và đang tạo ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như việc liên doanh giữa Kazmunaigas và Lukoil trì hoãn việc bắt đầu khoan vào năm ngoái tại lô thăm dò Zhenis ở khu vực Kazakh trên Biển Caspian. Lý do chính là những khó khăn khi nhập khẩu các thiết bị cho giàn khoan mặc dù bản thân Lukoil không bị trừng phạt.

Đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium chạy từ Kazakhstan đến một nhà ga gần cảng Novorossiysk ở Biển Đen của Nga đã gặp sự cố trong việc cung cấp thiết bị nước ngoài để đảm bảo vận chuyển an toàn và không bị gián đoạn, bất chấp thực tế là các công ty lớn quốc tế, bao gồm Chevron, Exxon Mobil, Shell và Eni, là cổ đông của Consortium.

Các rủi ro về lệnh trừng phạt có thể là một trong những lý do khiến Kazakhstan gần đây quyết định đóng cửa cơ quan đại diện thương mại tại Nga.

Các dấu hiệu cho thấy, Kazakhstan đang nới lỏng quan hệ với Nga, đa dạng hóa các tuyến đường xuất khẩu dầu của mình ra khỏi Nga.

Tuy nhiên, Kazakhxtan vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên tới 26 tỷ USD vào năm ngoái, so với con số chỉ 3 tỷ USD mà Kazakhstan ghi nhận với Mỹ. Nhưng Mỹ vẫn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Kazakhstan, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ vào Kazakhstan đã vượt quá 62 tỷ USD. Các khoản đầu tư trực tiếp của Nga cho đến nay mới chỉ đạt 17 tỷ USD.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù ảnh hưởng của Nga ở khu vực này là không thể tránh khỏi, Nga cũng đã giúp lập lại hòa bình và trật tự ở Kazakhxtan cách đây một năm khi Kazakhstan chìm trong làn sóng bất ổn, nhưng Nga chắc chắn sẽ phải điều chỉnh quan hệ với các nước FSU.

Moscow đã thấy cần thiết phải mở rộng các mối quan hệ kinh tế cùng có lợi trong khu vực. Họ đang thảo luận về việc cung cấp khí đốt cho Kazakhstan và Uzbekistan, cung cấp dầu thô của Kazakhstan cho Đức thông qua mạng lưới của nhà điều hành đường ống quốc gia Transneft và tổ chức các cuộc đàm phán về hợp tác khí đốt với Turkmenistan cùng các dự án khác.

Elena

EnergyIntel