Cuộc "so kè" hiếm thấy của tàu sân bay Mỹ - Trung tại Biển Đông

15:03 | 14/04/2021

|
Mỹ và Trung Quốc được cho là đều phát đi thông điệp cứng rắn khi cùng lúc triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông.

Hai nhóm tàu chiến Mỹ phô diễn uy lực trên Biển Đông

Cuộc so kè hiếm thấy của tàu sân bay Mỹ - Trung tại Biển Đông - 1
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu đổ bộ USS Makin Island của Mỹ cùng hoạt động tại Biển Đông ngày 9/4 (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của nước này, đã tiến vào Biển Đông từ hôm 10/4 sau khi kết thúc một tuần tập trận hải quân quanh đảo Đài Loan.

Thông tin tàu sân bay Liêu Ninh tới Biển Đông được công bố sau khi nhóm tấn công viễn chinh của hải quân Mỹ, dẫn đầu là tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island, tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông một ngày trước đó. Hai tàu chiến này được các tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu đổ bộ nhỏ hơn hộ tống.

Trước khi gặp nhau tại Biển Đông, hai nhóm tàu chiến Mỹ đã tiến hành tập trận với Malaysia và Singapore trên Biển Đông. Các tàu của Mỹ đã chở theo hàng trăm lính thủy đánh bộ thuộc Đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 15, trực thăng yểm trợ và máy bay chiến đấu F-35.

"Lực lượng tấn công viễn chinh này là bằng chứng đầy đủ cho thấy chúng tôi vẫn duy trì một lực lượng chiến đấu đáng tin cậy, có khả năng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ, ngăn chặn các hành vi gây hấn, đồng thời mang lại an ninh và ổn định cho khu vực nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Đại tá Stewart Bateshansky, chỉ huy Hạm đội Đổ bộ số 3 Thủy quân lục chiến Mỹ, tuyên bố.

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Wei Dongxu chỉ trích các cuộc tập trận của hải quân Mỹ là hành động khiêu khích. Ông Wei nói rằng các cuộc tập trận của tàu sân bay Trung Quốc "có thể thiết lập các vị trí phòng thủ trên biển rộng lớn hơn, bảo vệ các khu vực ven biển của Trung Quốc và kiểm soát các hoạt động quân sự của Mỹ".

Một nhà phân tích người Mỹ cho rằng sự hiện diện của tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông là bình thường vào mùa xuân khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho hoạt động huấn luyện.

"Tàu sân bay Liêu Ninh tới khu vực vào thời điểm này trong năm (để diễn tập) huấn luyện phòng không và bắn đạn thật", Carl Schuster, cựu giám đốc phụ trách các hoạt động hoạt động tác chiến tại Trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nhận định.

Tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc hiếm khi hội tụ cùng lúc tại Biển Đông. Theo tạp chí Popular Mechanics, đây dường như là lần đầu tiên Mỹ - Trung đưa tàu sân bay đến Biển Đông cùng một thời điểm và hoạt động này có thể "đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên bất ổn, kéo dài".

Sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Cuộc so kè hiếm thấy của tàu sân bay Mỹ - Trung tại Biển Đông - 2
Hai chỉ huy tàu khu trục USS Mustin của Hải quân Mỹ theo dõi tàu sân bay Liêu Ninh hôm 4/4 (Ảnh: US Navy).

Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói rằng các cuộc tập trận của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh diễn ra thường kỳ và được lên kế hoạch hàng năm. Do vậy, việc hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc cùng tập trận Biển Đông là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Một chuyên gia quân sự khác dự đoán những hoạt động trùng hợp như vậy sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, khi Trung Quốc phát triển chương trình tàu sân bay trong tương lai.

Chuyên gia Song nhận định các động thái của Mỹ nhằm thực thi lập trường của Washington về "quyền tự do hàng hải" ở Biển Đông, đồng thời duy trì vị thế của Mỹ tại Biển Đông và Đài Loan.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết đây không phải lần đầu tiên các nhóm tàu chiến Mỹ đi qua Biển Đông.

Tháng 4 năm ngoái, một tàu chiến của Mỹ từng áp sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở khoảng cách chưa đầy 100 mét. Sự việc khiến giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm và leo thang thành xung đột quân sự giữa hai nước.

Tuy nhiên, chuyên gia Koh cho rằng chuyến đi lần này của các nhóm tàu chiến Mỹ mang ý nghĩa quan trọng đối với tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Theo ông Koh, hoạt động của nhóm tàu Makin Island và USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông nhằm thể hiện "cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực, ngoài nghĩa vụ của Washington đối với liên minh Philippines - Mỹ".

Theo nhà bình luận quân sự Liang Guoliang, nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island sẽ "phô diễn sức mạnh của hải quân Mỹ".

"Đội tàu Mỹ sẽ cho quân đội Trung Quốc thấy rằng, dù Bắc Kinh đã xây dựng 3 đường băng ở quần đảo Trường Sa có khả năng chứa đủ loại máy bay chiến đấu, nhưng hải quân Mỹ vẫn có thể đối phó được nhờ năng lực đổ bộ đảo mạnh nhất thế giới", chuyên gia Liang nhận định.

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, mặc dù việc Mỹ và Trung Quốc cùng đưa tàu sân bay tới Biển Đông là sự kiện gây chú ý, song Bắc Kinh không cần thiết phải sử dụng tàu sân bay để đối phó với tàu sân bay của Mỹ, vì Trung Quốc đã có các tên lửa đạn đạo chống hạm hay còn gọi là "sát thủ tàu sân bay".

Hải quân Mỹ ngày 11/4 đăng một bức ảnh cho thấy tàu khu trục USS Mustin của Mỹ đang bám sát nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Trong bức ảnh này, hạm trưởng tàu USS Mustin Robert J Briggs và cấp phó Richard D Slye gác chân khi theo dõi tàu sân bay Liêu Ninh từ buồng hoa tiêu.

Theo Lu Li-shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan, hành động "thư thái" của hai chỉ huy Mỹ cho thấy họ "không cảm thấy lực lượng của phía Trung Quốc đáng quan ngại". Chuyên gia này nhận định "bức ảnh rõ ràng là một đòn tâm lý thể hiện rằng Mỹ không coi quân đội Trung Quốc là mối đe dọa cấp bách".

Tổng biên tập báo Kanwa Defence Review, Andrei Chang, đánh giá bức ảnh là "thông điệp cảnh báo" với Trung Quốc rằng Mỹ nắm được thông tin về nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc dường như không lo ngại trước sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ trong khu vực.

"Ở cửa ngõ của Trung Quốc, bất kể là xung quanh đảo Đài Loan hay ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc có nhiều phương pháp tác chiến, nắm nhiều lợi thế so với các lực lượng nước ngoài từ xa tới", báo Trung Quốc cảnh báo.

Theo Dân trí

"Vũ khí" Trung Quốc dùng để bành trướng phi pháp ở Biển Đông
Tổng thống Joe Biden có Tổng thống Joe Biden có "trách nhiệm nặng nề" trong việc đối phó với hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc khoan sâu xuống Biển Đông để thăm dò dầu khí?Trung Quốc khoan sâu xuống Biển Đông để thăm dò dầu khí?