Cuộc chiến giá dầu mới chưa có hồi kết

22:02 | 25/11/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 25/11/2021 đưa tin đánh giá của dư luận về hiệu quả cam kết giải phóng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/11/2021. Mỹ và những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đã cam kết tung ra thị trường một lượng dầu dự trữ chiến lược tương đối lớn và chưa từng có tiền lệ nhằm dập tắt việc giá dầu tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Cuộc chiến giá dầu mới chưa có hồi kết
Một cơ sở khoan dầu tại giếng dầu Kern River, Bakersfield, California, Mỹ. Ảnh: Jonathan Alcon/Reuters.

Trong cuộc hội thảo trên web dành cho báo chí hôm thứ Tư (24/11), bình luận về hiệu quả cam kết giải phóng dầu dự trữ do Mỹ khởi xướng, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết IEA ghi nhận thông báo do Mỹ đưa ra cùng với các nước khác, cho rằng giá dầu tăng cao đã đặt gánh nặng lên người tiêu dùng trên khắp thế giới. Việc tăng giá dầu cũng gây thêm áp lực lên lạm phát trong thời kỳ kinh tế phục hồi không đồng đều và vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Tuy nhiên, Fatih Birol cho biết bước đi này không phải là phản ứng phối hợp chung của IEA. IEA, cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris, chỉ hành động khai thác các nguồn năng lượng dự trữ trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn lớn.

Fatih Birol cho rằng một số quốc gia đã không áp dụng quan điểm có lợi cho việc làm dịu giá dầu và khí đốt tăng cao và chỉ trích "sự thắt chặt giả tạo" trên thị trường năng lượng. Fatih Birol nhấn mạnh nguyên nhân gây ra giá nhiên liệu tăng cao này là do lập trường chưa hợp lý của một số nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn. "Trên thực tế, một số căng thẳng chính trên thị trường năng lượng ngày nay có thể được coi là sự thắt chặt giả tạo, bởi vì trên thị trường ngày nay chúng tôi thấy công suất khai thác dự phòng gần 6 triệu thùng mỗi ngày thuộc về các nhà sản xuất dầu chủ chốt, các nước OPEC+".

Các nhà sản xuất dầu khí OPEC+ đã nhiều lần bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ nhằm tăng nguồn cung và giảm giá trong những tháng gần đây. Lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố phối hợp giải phóng dầu dự trữ giữa Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh. Mỹ cam kết giải phóng 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR).

Cuộc chiến giá dầu mới chưa có hồi kết
Trụ sở OPEC tại Vienna. Ảnh: DPA/B.Gindl.

Giá dầu đã tăng hơn 50% tính đến thời điểm hiện tại, chạm mức cao nhất trong nhiều năm do nhu cầu vượt cung. Động lực đằng sau đợt tăng giá thậm chí còn khiến một số nhà phân tích dự đoán giá dầu 100 USD/thùng sẽ quay trở lại. Giá dầu thô Brent giao sau chuẩn quốc tế giao dịch ở mức 82,27 USD/thùng vào chiều thứ Hai tại London, giảm khoảng 0,1%, trong khi giá dầu thô kỳ hạn West Texas Intermediate đứng ở mức 78,47 USD.

Trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Tư, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại Rystad Energy Louise Dickson cho biết một loại chiến tranh giá mới và chưa có hồi kết đang diễn ra trên thị trường dầu mỏ. Nhà phân tích của Rystad Energy hy vọng nếu lượng dầu dự kiến ​​được xuất từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh sớm bắt đầu từ giữa tháng 12 thì có thể đủ để vượt qua nhu cầu dầu thô ngay trong tháng tới. Tuy vậy, việc giải phóng dầu này cũng có thể là quá muộn để giúp làm dịu thị trường vì thị trường dầu mỏ ở giai đoạn thắt chặt nhất và cần nguồn cung cứu trợ nhất là vào tháng 9/2021./.

Thanh Bình