Cuộc chiến chống Iran của Mỹ nhằm vào dầu lửa

17:00 | 03/03/2020

|
(PetroTimes) - Bộ trưởng dầu mỏ Iran cho biết, nước này sẵn sàng khai thác 1 tỷ m3/ngày tại mỏ Nam Pars – mỏ dầu khí lớn nhất thế giới có chung biên giới với Quatar nếu được gỡ bỏ cấm vận. 
cuoc chien chong iran cua my nham vao dau lua

Trên thực tế mỏ Pars là mỏ dầu khí lớn nhất thế giới với trữ lượng 28 nghìn tỷ m3 khí đốt và 7 tỷ tấn dầu được chia theo biên giới biển giữa Iran và Qatar (Qatar gọi là Bắc Pars, Iran là Nam Pars). Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng ngay sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, nước này sẽ nâng sản lượng khai thác lên bằng Qatar. Điều này là hợp lý, vì đây là mỏ khai thác chung, bên nào khai thác ít hơn, bên đó sẽ thiệt. Ý đồ của Mỹ là chặn đứng Iran cung cấp khí đốt sang EU thông qua đường ống dẫn khí Iran – Iraq – Syria – EU, buộc nước này phát triển xuất khẩu theo hướng LNG giống như Qatar. Điều này một mặt lý giải tại sao Mỹ tạo ra vùng tự trị Kurdistan, mặt khác, trong tương lai, nếu Mỹ thống trị được Iran, vùng lãnh thổ này sẽ là điểm lý tưởng để mở đường cho việc xây dựng đường ống dẫn khí sang thị trường EU với mục tiêu loại bỏ Nga. Tạm thời khi chưa đạt được điều này, Mỹ tiếp tục xuất khẩu dầu của Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ, dùng tiền đó để hỗ trợ lực lượng chống chính phủ.

Mỹ đã tốn rất nhiều công sức nhằm hạn chế luồng khí đốt của Nga bành trướng sang thị trường EU như: tổ chức lật đổ chính quyền thân Nga tại Ucraina, tiếp đó kích động xung đột giữa 2 nước láng giềng, cản trở quá trình xây dựng dự án Nord Stream – 2, ép Nga phải gia hạn hợp đồng trung chuyển khí qua Ucraina và bồi thường gần 3 tỷ USD, sau cùng là vẫn áp lệnh trừng phạt trực tiếp đối với Nord Stream–2.

Các nhà phân tích nhận định rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành năng lượng của Iran, Venezuela có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lợi ích kinh tế toàn cầu, cụ thể là lệnh trừng phạt mới đây đối với công ty con của Rosneft, trong khi Chevron và các công ty dầu khí khác của Mỹ vẫn hoạt động bình thường ở Venezuela. Lịch sử Thế chiến thế giới thứ nhất cho thấy, nguyên nhân dẫn đến chiến tranh năm 1914 là sự xung đột lợi ích kinh tế giữa các cường quốc châu Âu được đẩy lên cao trước đó.

Viễn Đông