COP26: Không có đột phá

14:53 | 09/11/2021

|
(PetroTimes) - Sự kiện COP26 vốn được lên kế hoạch tổ chức trong năm 2020 phải lùi lại một năm vì khủng hoảng đại dịch. Dù sự kiện toàn cầu này vẫn chưa kết thúc, nhưng sau hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới, chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu không ghi nhận kết quả đột phá nào.
COP26: Không có đột phá

Trang tin oilcapital.ru mới đây đã có bài viết xung quanh về những kết quả đạt được trong hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc (COP26).

Hội nghị khí hậu được tổ chức vào thời điểm được coi là tồi tệ nhất để thúc đẩy việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Sự gián đoạn về nhiên liệu và năng lượng; giá năng lượng leo thang đã và đang xảy ra ngay trong thời điểm diễn ra sự kiện COP26. Khái niệm “ngày tận thế khí hậu” của các nhà khoa học vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ cho tương lai. Ở thời hiện tại, con người vẫn cần năng lượng để sống. Tại hội nghị, các nhà khí tượng học của Liên hợp quốc đã báo cáo rằng, Trái đất bắt đầu ấm lên nhanh hơn và năm 2021 sẽ là năm nóng nhất trong vòng 170 năm qua. Do đó, những cam kết trong Thỏa thuận Paris 2015 là không đủ và không theo kịp thực tế. Hội nghị cần những cam kết mới. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nhiều quốc gia cho thấy sự chưa sẵn sàng đẩy mạnh nỗ lực đạt trung hòa carbon vì lo ngại những thất bại nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.

Các chuyên gia của Viện năng lượng và tài chính (Nga) cho biết, bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở hầu hết các khu vực trên thế giới đã định trước giọng điệu chung của các cuộc thảo luận ở Glasgow. Nhiều quốc gia tỏ ra thận trọng về những cam kết bổ sung nhằm đẩy nhanh tiến trình đạt trung hòa carbon. Thay vào đó, các đại biểu chú ý nhiều đến thực tế rằng, cần tìm kiếm các giải pháp cân bằng, vừa đáp ứng các mục tiêu khí hậu, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như khắc phục tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và biến động giá năng lượng.

Các chuyên gia Nga đánh giá, đã có nhiều tuyên bố lớn về sự cần thiết phải hành động khẩn cấp tại hội nghị thượng đỉnh, nhưng có rất ít cam kết cụ thể. Tuy nhiên, hội nghị không bị coi là vô ích vì mỗi lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh đều thể hiện sự nỗ lực của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm cùng nhau cứu Trái Đất khỏi sự nóng lên. Như vậy, COP26 có thể được coi là một sự tiến bộ trong quá trình khử carbon, song các quốc gia còn nhiều việc phải làm để xây dựng lòng tin và đảm bảo thực hiện các thỏa thuận.

Trong khi đó, cuộc gặp vừa qua của các nhà lãnh đạo thế giới không phải đóng góp vào việc thống nhất các nỗ lực mà trái lại là sự phân cực. Trong hội nghị thượng đỉnh ghi nhận hai phe được hình thành rõ ràng. Một phe là những người tích cực ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng, gồm Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ và phe còn lại là những người ủng hộ cách tiếp cận hợp lý hơn, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Về quan điểm tiếp cận ôn hòa, các chuyên gia nhận định, bất chấp các tuyên bố về khí hậu, Trung Quốc cho thấy họ có quan điểm ôn hòa. Điều này là dễ hiểu vì cuộc khủng hoảng năng lượng tại quốc gia này vẫn chưa kết thúc. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào sản xuất nhiệt điện than. Tại hội nghị không ghi nhận bất kỳ thông báo nào từ phía Trung Quốc rằng họ sẽ hạn chế tiêu thụ than. Đối với Trung Quốc hiện nay, ưu tiên hàng đầu là an ninh năng lượng và tránh các mối đe dọa đối với sự phát triển kinh tế. Điều tương tự cũng có thể nói về Ấn Độ. Nước này đưa ra các ước tính thận trọng và công bố kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2070. Ấn Độ đang trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng sớm hơn và có những khó khăn mang tính hệ thống trong việc từ bỏ ngay lập tức quá trình sản xuất hydrocarbon và than.

Đối với Nga, Tổng thống V.Putin trước đó đã cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh G20 rằng, Nga đã có một vị trí tương đối thuận lợi trong tiến trình trung hòa carbon, không phải về lượng khí thải tuyệt đối mà là về tỷ lệ phát thải và hấp thụ. Phía Nga tuyên bố trung hòa carbon vào năm 2060 và cho rằng, lượng khí thải được tạo ra của nước này sẽ được bù đắp bằng công nghệ mới với sự hỗ trợ của các yếu tố tự nhiên.

Các chuyên gia Nga cho rằng, thực tế là giữa Nga và châu Âu có những cách tiếp cận khác nhau đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. EU đang loại bỏ dần các loại hình năng lượng cũ và tăng cường năng lượng mới. Còn phía Nga thì nhấn mạnh đến việc hiện đại hóa, kết hợp với công nghệ giúp giảm phát thải carbon. Giới chuyên gia nhận định, các kế hoạch tham vọng về khí hậu của EU là khá thực tế, nhất là mục tiêu trung hòa carbon trong ngành sản xuất điện vào giữa những năm 2030. Đây là mục tiêu mang tính cách mạng.

Tuy nhiên, phía EU cần phải tính đến sự cân bằng của hệ thống năng lượng. Hệ thống năng lượng cần phải có một nguồn năng lượng dự trữ hoặc dưới dạng tích lũy, hoặc phải tiếp tục tìm kiếm các nguồn năng lượng mới. Nghịch lý của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là than đá đã được sử dụng như một nguồn dự phòng. Chính vì vậy mà tại COP26, thị trường không kỳ vọng về những tuyên bố mang tính cách mạng sẽ được đưa ra. Nhiều người mong đợi một phiên bản mới của Thỏa thuận khí hậu Paris. Các chuyên gia Nga cho rằng, sẽ có một tuyên bố chung “khá mơ hồ” được thông qua nhằm nhấn mạnh rằng, các quốc gia sẽ đẩy mạnh những nỗ lực để đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Một trong những kết quả quan trọng nhất là việc hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý chấm dứt hoàn toàn nạn phá rừng vào năm 2030, cũng như tích cực khôi phục diện tích rừng.

Một kết quả quan trọng khác của hội nghị thượng đỉnh trong COP26 là sáng kiến giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030 của Tổng thống Mỹ Biden. Hơn 100 quốc gia chiếm 60% tỷ trọng kinh tế toàn cần và 40% lượng phát thải khí metan đã tham gia sáng kiến này. Tuy nhiên, các quốc gia Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc chưa ủng hộ sáng kiến này của Mỹ. Hơn 35 nhà lãnh đạo thế giới cũng đã nhất trí và ký kết Chương trình đột phá mới của Glasgow, trong đó các quốc gia và doanh nghiệp sẽ làm việc cùng nhau để mở rộng quy mô và đẩy nhanh việc phát triển, triển khai các công nghệ sạch, giảm chi phí trong thập kỷ này. Mỹ, Ấn Độ, EU và một số nước đang phát triển đã tham gia sáng kiến của Mỹ.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng kêu gọi các nước phát triển đẩy mạnh và hoàn thiện kế hoạch tài chính khí hậu trị giá 100 tỷ USD mỗi năm trong Thỏa thuận Paris. Vấn đề này đã được đưa ra vài lần bởi đại diện từ các nước đang phát triển - những quốc gia vẫn chưa nhận được khoản tài trợ mà các nước phát triển đã cam kết.

Ngoài ra, hơn 40 quốc gia gồm Vương quốc Anh, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như EU đã ủng hộ cam kết quốc tế đầu tiên về sản xuất thép không phát thải carbon vào năm 2030. Đây là ngành công nghiệp phát thải CO2 hàng đầu thế giới.

Tiến Thắng