Công nghiệp than Australia nguy cơ sống còn

14:52 | 10/11/2020

|
(PetroTimes) - Các khách hàng lớn lần lượt tuyên bố giảm tiêu thụ than để bảo đảm trung hòa carbon, các nhà đầu tư, ngân hàng... từ chối cho vay dưới áp lực của giới chống biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp than của nhiều quốc gia đang đứng trước nguy cơ sống còn.

Khách hàng lớn thay đổi chính sách

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Australia, than đá từ lâu đã trở thành trụ cột của nền kinh tế Australia. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu than của Australia - quốc gia có trữ lượng than đá đứng thứ 4 trên thế giới (sau Mỹ, Nga và Trung Quốc) - lên tới gần 50 tỉ USD, tương đương hơn 3% GDP. Australia luôn xuất khẩu gần 90% sản lượng than nhưng vẫn phải nhập khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ do trữ lượng thấp. Trong nước, tiêu thụ than của Australia đã bị hạn chế kể từ năm 2009, đặc biệt do việc áp dụng thuế carbon vào tháng 7-2012, nhưng được bãi bỏ 2 năm sau đó. Năm 2015, nhiệt điện than vẫn chiếm 63% sản lượng điện của Australia.

Công nghiệp than Australia nguy cơ sống còn
Khai thác than ở Australia

Khách hàng chính của than Australia là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, 3 quốc gia này gần đây lần lượt công bố chính sách mới về khí hậu, đặc biệt là hạn chế sử dụng than để sản xuất điện.

Ngày 26-10-2020, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản muốn đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050. Thông báo này cụ thể hóa đáng kể các cam kết của Nhật Bản trong việc chống biến đổi khí hậu. Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn ở một quốc gia từng xảy ra thảm họa Fukushima năm 2011. Hồi tháng 7-2020, nhật báo Yomiuri Shimbun cho biết, Chính phủ Nhật có kế hoạch từ nay đến năm 2030 đóng cửa 100 trong 114 nhà máy điện nhiệt than được xây dựng nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Tổng cộng có 140 nhà máy điện nhiệt than hiện đang hoạt động tại Nhật Bản, cung cấp gần 1/3 điện năng của đất nước. Than là nguồn nguyên liệu sản xuất điện lớn thứ 2 tại Nhật Bản, sau khí đốt tự nhiên (được nhập khẩu dưới dạng LNG), cung cấp 38% điện năng của đất nước.

Trước đó, vào tháng 9-2020, Trung Quốc đã gây bất ngờ khi cam kết trung hòa carbon vào năm 2060. Một số ấn phẩm chuyên ngành, bao gồm cả S&P Global Platts, đã báo cáo rằng các nhà máy thép và nhà cung cấp năng lượng của Trung Quốc do nhà nước kiểm soát đã được “chỉ thị bằng lời nói” ngừng mua than của Australia.

Gần đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 29-10-2020 đã hứa trước Quốc hội rằng, Hàn Quốc sẽ làm mọi thứ để đạt được trung hòa carbon vào năm 2050. Hàn Quốc, nền kinh tế thứ 12 thế giới, nghèo nàn về tài nguyên năng lượng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu than, chiếm 60% sản lượng điện địa phương.

Nhà đầu tư quay lưng với than

Ngày 29-10-2020, Ngân hàng ANZ của Australia hôm cho biết, bắt đầu từ năm 2030, họ sẽ không còn tài trợ cho các mỏ than phục vụ nhiệt điện hoặc nhà máy nhiệt điện than.

Công nghiệp than Australia nguy cơ sống còn
Người biểu tình chống than ở Australia

Bất chấp sự hỗ trợ vững chắc của chính phủ, nền tảng của ngành công nghiệp than Australia dường như ngày càng mong manh khi phải đối mặt với những cam kết gần đây của các khách hàng để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo một cuộc thăm dò mới được công bố của The Australia Institute, 4/5 người Australia nói rằng, họ lo ngại về biến đổi khí hậu và chỉ 12% ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng Scott Morrison về kế hoạch phục hồi kinh tế sau Covid-19 dựa trên khí đốt. Chính phủ của ông Morrison chậm đưa ra các biện pháp chống biến đổi khí hậu, tránh những cam kết về trung hòa carbon và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt bằng cách “bật đèn xanh” cho các mỏ than mới, bất chấp sự phản đối của dư luận.

Quyết định của ANZ đã bị Chính phủ Australia phản ứng. Bộ trưởng Tài nguyên Keith Pitt kêu gọi ANZ tập trung vào các khoản vay mua nhà, không hoạt động tích cực và không đóng vai trò là một “chiến binh sinh thái”. Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud đã ra phán quyết, các ngân hàng “không nên can thiệp vào thị trường” và đe dọa thu hồi các khoản bảo lãnh tiền gửi của chính phủ nhằm bảo vệ tiền tiết kiệm của khách hàng.

Về phần mình, ngành công nghiệp than Australia dự đoán rằng, bất chấp các mục tiêu cân bằng carbon được đưa ra, nhu cầu than sẽ vẫn mạnh ở châu Á trong 10 năm tới, đặc biệt là ở Ấn Độ và Việt Nam. Hội đồng Khoáng sản Australia, một nhóm vận động hành lang mạnh mẽ, tin rằng ngành công nghiệp than thậm chí có thể đóng góp vào những mục tiêu chống biến đổi khí hậu thông qua các công nghệ sạch hơn. Giám đốc điều hành Tania Constable cho biết, những công nghệ này, chẳng hạn như thu giữ carbon, sẽ rất cần thiết để giúp các nước tiếp tục phát triển kinh tế trong tương lai đồng thời giảm lượng khí thải.

Không chỉ ở Australia, tại Mỹ - quốc gia có trữ lượng than lớn nhất thế giới - theo báo cáo ngày 26-5-2020 của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong năm 2019, Mỹ tiêu thụ năng lượng tái tạo nhiều hơn năng lượng nhiệt than. Điều này chưa từng xảy ra trong 134 năm qua.

Mất khách hàng, thiếu nhà đầu tư, ngành than thế giới còn phải đối mặt với nguy cơ không được bảo hiểm. Theo một công bố ngày 6-7-2020, Công ty bảo hiểm CNP hiện là một phần của Ngân hàng Bưu chính Pháp (Banque Postale), có kế hoạch từ bỏ hoàn toàn khỏi lĩnh vực nhiệt điện than trên toàn thế giới từ nay đến năm 2040.

Xem ra ngành than đang phải đối mặt với nguy cơ sống còn.

Theo nhật báo Yomiuri Shimbun, Chính phủ Nhật có kế hoạch từ nay đến năm 2030 đóng cửa 100 trong 114 nhà máy điện nhiệt than được xây dựng nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Tổng cộng có 140 nhà máy điện nhiệt than hiện đang hoạt động tại Nhật Bản, cung cấp gần 1/3 điện năng của đất nước.

S.Phương