Cơ hội đàm phán tranh chấp Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp có nguy cơ chết yểu
![]() |
Tàu nghiên cứu địa chấn Barbaros Hayrettin |
"Chúng tôi đã nối lại các hoạt động khoan thăm dò bằng tàu nghiên cứu địa chấn Barbaros Hayrettin", ông Erdogan cho biết trong một bài phát biểu ở Istanbul.
Tuần trước, Ankara đã thông báo rằng họ đang tạm ngừng hoạt động này ở phía đông Địa Trung Hải để khởi động vòng đàm phán với Athens.
Ông Erdogan cáo buộc Athens "không giữ lời hứa" và cho biết rằng ông đã đồng ý đình chỉ hoạt động này theo yêu cầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm "tạo điều kiện thuận lợi" cho các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không cung cấp thêm chi tiết về chủ đề này, nhưng thông báo về việc nối lại hoạt động khoan thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra một ngày sau khi thỏa thuận hàng hải giữa Ai Cập và Hy Lạp được ký kết.
Thỏa thuận nhằm phân định biên giới trên biển giữa hai nước dường như là một sự đáp trả trực tiếp đối với thỏa thuận tương tự đạt được hồi tháng 11 năm ngoái giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Libya có trụ sở tại Tripoli.
Hiệp ước Thổ Nhĩ Kỳ - Libya này giúp lãnh thổ trên biển của Thổ Nhĩ Kỳ được mở rộng đáng kể, đã làm dấy lên sự giận dữ của hầu hết các quốc gia nằm ở phía đông Địa Trung Hải, dẫn đầu là Hy Lạp.
Hôm 8/8, ông Erdogan nói rằng thỏa thuận Hy Lạp - Ai Cập là "không có giá trị", đồng thời nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ thực hiện mạnh mẽ" thỏa thuận đã đạt được với chính phủ Libya.
Việc phát hiện các mỏ khí đốt lớn trong những năm gần đây ở phía đông Địa Trung Hải đã thúc đẩy sự thèm khát của các nước có chung vùng biển này, như Hy Lạp, Síp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Israel.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường khoan thăm dò ngoài khơi đảo Síp, gây ra sự phẫn nộ của hầu hết các nước trong khu vực và Liên minh châu Âu, vốn tố cáo các hoạt động này là "bất hợp pháp".
Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ "vi phạm" chủ quyền của Hy Lạp và Síp ở đông Địa Trung Hải, đồng thời kêu gọi trừng phạt Ankara.
Nh.Thạch
AFP