Chuyến thăm Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Tăng cường quan hệ với khu vực

08:38 | 24/08/2021

|
(PetroTimes) - CNBC, Reuters, AP và báo chí khu vực ngày 23/8/2021 đưa nhiều tin và bình luận về chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Đông Nam Á, thăm Singapore và Việt Nam từ Chủ Nhật (22/8) đến Thứ Năm (26/8). Chuyến đi đánh dấu chuyến công du nước ngoài thứ hai của Phó Tổng thống Harris, đã thăm Guatemala và Mexico tháng 6/2021, và là lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam.
Về chuyến thăm Singapore

Trong chuyến thăm Singapore, Phó Tổng thống Kamala Harris đã gặp Tổng thống Singapore Halimah Yacob, hội đàm và họp báo chung với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Phó Tổng thống Harris nói: “Hôm nay, chúng tôi có mặt tại Singapore để nhấn mạnh và tái khẳng định mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với đất nước này và khu vực này, đồng thời củng cố tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Về Biển Đông, Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định “cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác của chúng ta xung quanh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để duy trì các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế và tự do hàng hải, bao gồm cả ở Biển Đông.” Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đã có cuộc thảo luận "tuyệt vời" với Phó Tổng thống Harris, hai bên tái khẳng định mối quan hệ đối tác "bền chặt và lâu dài", “đánh giá cao vai trò tích cực của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Nam Á và sự ủng hộ chung của chúng ta đối với một trật tự quốc tế ổn định, dựa trên luật lệ, luật pháp quốc tế trong khu vực, nơi tất cả các nước có thể hợp tác và cạnh tranh hòa bình với nhau, cùng nhau phát triển thịnh vượng".

Chuyến thăm Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Tăng cường quan hệ với khu vực
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chào đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Evelyn Hockstein/Pool via AFP.

Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ cho biết Mỹ và Singapore đã đạt một loạt thỏa thuận mới về an ninh mạng, chống biến đổi khí hậu, chống đại dịch COVID-19 và giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng. Về an ninh mạng, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng cũng như Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ với các đối tác Singapore về việc mở rộng chia sẻ thông tin và đào tạo để chống các cuộc tấn công mạng. Hai bên cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn để theo dõi các biến thể Covid-19 và nghiên cứu các phương pháp điều trị. Bộ Thương mại Mỹ cùng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore tạo ra quan hệ đối tác tập trung vào việc tăng cường thương mại trong một số ngành công nghiệp chủ chốt. Nhà Trắng đã công bố các thỏa thuận bổ sung giữa Mỹ và Singapore thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề quốc phòng và khám phá không gian. Bà Kamala Harris đi thăm Căn cứ Hải quân Changi và tham quan tàu chiến Mỹ USS Tulsa. Thứ Ba (24/8), Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có bài phát biểu về tầm nhìn của chính quyền Biden đối với khu vực, gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để thảo luận về các vấn đề chuỗi cung ứng.

Dư luận trong khu vực về cuộc tấn công ngoại giao của chính quyền Biden ở Đông Nam Á

Trong hai tháng qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là quan chức cao cấp thứ ba trong chính quyền Biden, sau Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, thăm Đông Nam Á, để thể hiện sự nghiêm túc trong cam kết đối với khu vực. Dư luận cho rằng chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris tới Singapore và Việt Nam tuần này được xem là phép thử thực tế đầu tiên về khả năng chính của quyền Biden trong việc trấn an các đồng minh, đối tác quan trọng về quyết tâm của mình, rằng cam kết của Washington đối với Đông Nam Á là chắc chắn chứ không như Afganistan.

Chuyến thăm Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Tăng cường quan hệ với khu vực
Cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ở Singapore hôm 23/8/2021. Ảnh: Evely Hockstein/Pool photo via AP.

Đây là một phần trong “cuộc tấn công ngoại giao” của chính quyền Biden đối với Đông Nam Á, khu vực được cho là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ trong tương lai. Singapore không phải là đồng minh hiệp ước, nhưng là một trong những đối tác an ninh mạnh nhất của Mỹ ở khu vực; là nơi neo đậu của Hải quân Mỹ hiện diện ở Đông Nam Á. Singapore có quan hệ đối tác thương mại sâu sắc với Mỹ, nhưng duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, tìm cách cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, không đứng về bên nào trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đi xuống. Alexander Feldman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, cho biết bà Harris sẽ phải cẩn thận trong các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo khu vực, không nên tập trung quá nhiều vào Trung Quốc mà cần nhấn mạnh vào quan hệ tích cực, hiệu quả của Mỹ với Singapore và Việt Nam, cần cho thấy đây một chuyến thăm của Mỹ đến những người bạn, các đối tác ở Đông Nam Á.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, bình luận cách Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và tình hình diễn ra sau đó rất tổn hại đến uy tín của Mỹ. Nhưng về lâu dài, uy tín của Mỹ phụ thuộc vào những gì họ làm tiếp theo. Theo dõi các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và Phó Tổng thống Kamala Harris đẩy mạnh ngoại giao vắc xin ở khu vực, và nếu Mỹ cung cấp đầy đủ nguồn lực cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì đây có thể là một chính sách đối ngoại tập trung hơn của chính quyền Biden, tìm cách tránh xa Trung Đông và các cuộc chiến kéo dài không phân thắng bại. Việc Mỹ tặng 23 triệu liều vắc-xin Covid gần đây đã bất ngờ nâng bật hình ảnh của Mỹ ở Đông Nam Á, nhận thức của công chúng về chất lượng vắc-xin theo công nghệ mRNA thuận lợi hơn so với các loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất.

Chuyến thăm Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Tăng cường quan hệ với khu vực
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chụp ảnh với hoa lan đặt theo tên bà, quà tặng của Thủ tướng Lý Hiển Long. Ảnh: AP.

Phó Tổng thống Mỹ Harris đang tranh thủ bối cảnh thuận lợi đó bằng cách đề xuất quan hệ đối tác chăm sóc sức khỏe và y tế sâu hơn, mở chi nhánh khu vực đầu tiên của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội. Tại Singapore, Phó Tổng thống Mỹ thúc đẩy ý tưởng về một hiệp định thương mại kỹ thuật số giữa một số quốc gia trong khu vực, bao gồm bảo mật kỹ thuật số và các tiêu chuẩn đã được thống nhất trong các công nghệ mới như AI và blockchain. Bước đi này sẽ giúp Mỹ tái tham gia vào mạng lưới thương mại châu Á - Thái Bình Dương, sau các thiệt hại do việc Tổng thống Trump đột ngột rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cách đây 5 năm, và gia tăng sự hiện diện của Mỹ ở các lĩnh vực Mỹ có khả năng cạnh tranh.

Đây cũng là những chủ đề hấp dẫn hơn đối với Đông Nam Á. Không một quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ phải chấp nhận một thực tế rằng các nước châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký tháng 11/2020. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có mục đích kiềm chế những bước tiến của Trung Quốc trong việc thúc đẩy viễn thông và công nghệ tiên tiến khác. Tổng thống Biden đang thúc đẩy những thay đổi đối với cách thức cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa các công ty Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào số lượng nhỏ các nhà cung cấp chuyên biệt, đa số ở Trung Quốc./.

Thanh Bình