Chương trình điện sạch của Mỹ đối mặt với những trở ngại lớn

16:22 | 26/11/2023

|
(PetroTimes) - Nhiều dự án điện gió ngoài khơi bị hủy bỏ, các nhà máy năng lượng mặt trời gặp rủi ro, nhu cầu xe điện giảm… Đã một năm sau khi thông qua Đạo luật về biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Đằng sau lời hứa hẹn giúp bùng nổ phát triển trong ngành năng lượng sạch của Mỹ, là một thực tế kinh tế đang làm suy yếu chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chương trình điện sạch của Mỹ đối mặt với những trở ngại lớn
Tổng thống Mỹ Biden

Chi phí tài chính và vật liệu tăng vọt, chuỗi cung ứng không đáng tin cậy, chậm trễ trong việc thiết lập quy định, quy trình cấp phép chậm trễ…Những yếu tố này đã gây ra nhiều thiệt hại: Từ hủy bỏ kế hoạch của nhà phát triển điện gió ngoài khơi Orsted ở đông bắc Mỹ, cho đến thu hẹp quy mô kế hoạch sản xuất xe điện của Tesla, Ford và GM.

Viễn cảnh đen tối cho các ngành năng lượng sạch là tin xấu đối với ông Biden, người đã hứa sẽ tạo ra một nền kinh tế có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thật vậy, lời hứa này đang phải đối mặt với nhiều trở ngại bắt nguồn từ việc không thể giải quyết được hàng tỷ khoản tín dụng thuế trong khuôn khổ Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA).

Vào năm 2022, Mỹ đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập và đưa IRA làm bằng chứng về những tiến bộ chưa từng có trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và năm nay, ông Biden không thể bỏ qua sự kiện này tại Dubai, trong bối cảnh thế giới đang lo ngại về tình trạng chuyển dịch quá chậm để mà tránh được những hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trao đổi với Reuters, các chuyên gia năng lượng sạch cho biết: Trở ngại ngày càng tăng cao, gây cản trở khả năng đạt được các mục tiêu khử carbon đầy tham vọng của Mỹ vào giữa thế kỷ này, vì tình hình đang ngày một trở nên khó khăn hơn.

Ông John Hensley - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Mỹ (American Clean Power Association - ACP), một nhóm thương mại chuyên về năng lượng sạch, phát biểu: “Có khá nhiều dự án năng lượng xanh đã được lắp đặt trong mỗi quý, tiến độ cũng tăng. Dù vậy, ta vẫn chưa đạt hoàn toàn được tốc độ cần thiết nhằm đáp ứng được các mục tiêu”.

Tình hình chi phí tăng vọt và đứt gãy chuỗi cung ứng cũng đang làm suy yếu các dự án ở các khu vực khác. Theo Wood Mackenzie, không có quốc gia lớn nào đang có hướng đi đúng nhằm đáp ứng được các mục tiêu giảm phát thải của Thỏa thuận chung Paris của Liên Hợp Quốc về việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá mức 1,5 độ C.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, bất chấp những khó khăn trong kinh tế vĩ mô và trở ngại cục bộ trong việc triển khai năng lượng tái tạo, Mỹ vẫn ghi nhận được nhiều ví dụ về tiến bộ, bao gồm mở rộng thị trường xe điện và tiến độ của tập đoàn Dominion Energy trong việc xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất toàn quốc tại bang Virginia.

Ông Ali Zaidi - Cố vấn khí hậu quốc gia của Nhà Trắng, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng Mỹ sẽ đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của mình. Ông nói: “Tuy nền kinh tế vĩ mô xuất hiện nhiều làn gió ngược, gây ảnh hưởng đến khả năng đưa quyết định, chúng tôi vẫn giữ vững được lộ trình của mình”.

Chương trình điện sạch của Mỹ đối mặt với những trở ngại lớn
Một cơ sở năng lượng mặt trời ở Mỹ

10 triệu hộ gia đình

Theo phân tích của ACP, hơn 56 GW dự án năng lượng sạch - đủ cung cấp điện cho gần 10 triệu ngôi nhà, đã bị trì hoãn tính từ cuối năm 2021. Dự án năng lượng mặt trời chiếm cả 1/3 số công suất bị chậm trễ này. Nguyên nhân một phần là do các hạn chế về nhập khẩu do chính phủ Mỹ đặt ra. Thật vậy, Washington đang cố gắng chống tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức và trốn thuế hải quan trong một chuỗi cung ứng nằm dưới sự thống trị của các sản phẩm Trung Quốc.

Các vấn đề như tồn đọng quy trình cấp phép, địa phương lên tiếng về vị trí lắp đặt các dự án năng lượng mặt trời và gió, quá trình hòa lưới điện cần trung bình 5 năm… là những vấn đề mà các nhà phát triển thường xuyên nhắc đến khi bàn về những thách thức lớn nhất trong ngành công nghiệp.

Ông Prakash Sharma - Phó Chủ tịch phụ trách Kịch bản và Công nghệ tại Wood Mackenzie, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Trong một số lĩnh vực, đầu tư đã tăng lên. Nhưng khi nói đến chuyện xin cấp giấy phép và phê duyệt cần thiết để tiến hành các dự án hoặc phát triển cơ sở hạ tầng, đó lại là vấn đề mà IRA không thể giải quyết”.

Nguồn cung đã trở nên thắt chặt hơn, còn các dịch vụ tiện ích công cộng và doanh nghiệp thì phát sinh nhu cầu năng lượng tái tạo mạnh. Tình trạng này đã đẩy giá hợp đồng lên cao, đẩy chi phí của người tiêu dùng cao theo. Công ty theo dõi LevelTen cho biết, lần đầu tiên trong quý 3, giá hợp đồng năng lượng mặt trời đã chạm mức 50 USD/MWh (tăng 4%).

Theo ông Vic Abate - Tổng giám đốc kinh doanh điện gió của GE Vernova, tiến độ đi chậm hơn dự kiến, nhưng về mặt bằng chung, họ vẫn theo kịp thời hạn.

IRA đặt mục tiêu tăng cường chuỗi cung ứng năng lượng sạch của Mỹ bằng cách khuyến khích sản xuất nhiều thiết bị trong nước – chẳng hạn như tấm pin mặt trời và tuabin gió. Thế nhưng gần đây, các nhà sản xuất đã cảnh báo về nguy cơ trỗi dậy của làn sóng công suất mới từ châu Á, đe dọa khả năng tồn tại của hàng chục nhà máy đang chuẩn bị được xây tại Mỹ.

Có lẽ thất bại nổi bật nhất là tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Các nhà phát triển như Orsted, BP và Equinor đã phải tìm cách đàm phán lại hoặc hủy hợp đồng. Nguyên nhân bắt nguồn từ chi phí tăng cao, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các dự án. Ngoài ra, vào tháng 8 vừa rồi, vòng thầu dự án điện gió ngoài Vịnh Mexico, do chính phủ Mỹ tổ chức, không thu hút được nhiều hồ sơ dự thầu. Mục tiêu của chính quyền Biden là triển khai 30 GW năng lượng điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Nhưng hiện nay, nhiều người không tin rằng Mỹ sẽ đạt được mục tiêu này.

Trong khi đó, một số công ty đang trì hoãn các quyết định đầu tư trong lúc chờ đợi Bộ Tài chính Mỹ xây dựng khung quy định về cách sử dụng tín dụng thuế IRA.

Ví dụ, theo ông Robert Walther - Giám đốc Quan hệ Nội bộ của công ty sản xuất ethanol POET (Mỹ), công ty của ông đang chờ thời điểm IRA công bố hỗ trợ tín dụng thuế đối với nhiên liệu hàng không bền vững, nhằm xác định liệu nhiên liệu gốc ngô có được xem là nguyên liệu thô phù hợp hay không.

Ông Walther nói: “Chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì cho đến khi biết được giá trị của những khoản tín dụng thuế này”.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Dan Reicher tại Đại học Stanford, Mỹ nên tự hào về cách thức giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của họ, nhất là khi đem so với những nỗ lực gần đây của chính quyền của ông Donald Trump nhằm đẩy lùi các chính sách bảo vệ khí hậu.

Ông Reicher nói: “Đây là những thăng trầm bình thường trong quá trình phát triển và triển khai năng lượng sạch. Tôi nghĩ chúng ta có thể bước vào COP28 với tư thế ngẩng cao đầu, vì chúng ta đang đạt được tiến bộ thực sự”.

Mạng lưới năng lượng tái tạo ở Tân CươngMạng lưới năng lượng tái tạo ở Tân Cương
Thủ tục cấp phép điện tái tạo ở Pháp dễ hay khó?Thủ tục cấp phép điện tái tạo ở Pháp dễ hay khó?
TotalEnergies đầu tư lớn vào điện tái tạo ở Ấn ĐộTotalEnergies đầu tư lớn vào điện tái tạo ở Ấn Độ
Dự báo khả năng cạnh tranh giữa điện tái tạo và điện truyền thốngDự báo khả năng cạnh tranh giữa điện tái tạo và điện truyền thống

Ngọc Duyên

AFP