Chevron hạ thấp kỳ vọng dưới thời ông Trump
![]() |
Một cơ sở dầu khí của Chevron tại Permian. Ảnh AP |
Gã khổng lồ dầu khí này dự báo ngân sách dành cho lưu vực Permian trong năm tới sẽ giảm xuống mức từ 4,5 tỷ đến 5 tỷ USD, thấp hơn năm 2024. Khoảng hai phần ba tổng ngân sách thượng nguồn ước tính 13 tỷ USD của Chevron sẽ được dành cho Mỹ.
“Số tiền đầu tư còn lại tại Mỹ sẽ được phân bổ cho lưu vực DJ và Vịnh Mexico, nơi các dự án khai thác nước sâu đang tăng tốc và dự kiến sẽ mang lại sản lượng ngoài khơi khoảng 300.000 thùng dầu tương đương mỗi ngày vào năm 2026”, Chevron cho biết trong một tuyên bố.
Chevron cũng đã dành 1 tỷ USD cho các dự án tại Úc, bao gồm các khoản đầu tư bổ sung cho cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Gorgon. Theo báo cáo thường niên của Chevron, Mỹ và Úc là hai quốc gia duy nhất chiếm ít nhất 10% tài sản ròng về bất động sản, nhà máy và thiết bị của công ty trong năm ngoái.
Ngoài ra, Chevron dự kiến chi hai phần ba trong tổng số 1,2 tỷ USD ngân sách hạ nguồn năm tới cho thị trường Mỹ.
“Trong tổng ngân sách thượng nguồn và hạ nguồn, khoảng 1,5 tỷ USD sẽ được dành cho việc giảm cường độ carbon trong hoạt động của chúng tôi và phát triển các lĩnh vực năng lượng mới”, công ty cho biết trên trang web. “Ngân sách dành cho các khoản đầu tư khác ước tính khoảng 0,7 tỷ USD”, công ty bổ sung.
Nhìn chung, Chevron dự kiến ngân sách vốn tự nhiên cho các công ty con hợp nhất vào năm 2025 sẽ dao động từ 14,5 tỷ đến 15,5 tỷ USD, so với con số dự kiến từ 15,5 tỷ đến 16,5 tỷ USD vào năm 2024. Thêm vào đó, ngân sách vốn cho các liên doanh dự kiến sẽ từ 1,7 tỷ đến 2 tỷ USD trong năm 2025, giảm so với 3 tỷ USD của năm 2024.
“Ngân sách vốn năm 2025 cùng với việc cắt giảm chi phí cơ cấu đã công bố thể hiện cam kết của chúng tôi đối với nguyên tắt chi phí và vốn”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Mike Wirth cho biết. “Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào các dự án có tỷ suất lợi nhuận cao và ít phát thải carbon hơn, giúp công ty đạt được tăng trưởng dòng tiền tự do”, ông nói thêm.
Kế hoạch vốn của Chevron phản ánh quan điểm của các nhà phân tích về ý định thúc đẩy ngành dầu mỏ của Mỹ dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump.
Sự ủng hộ của ông Trump đối với việc mở rộng khai thác dầu khí tại Mỹ “không có khả năng thúc đẩy tăng trưởng ngay lập tức”, Simon Flowers, trưởng nhóm phân tích của Wood Mackenzie, nói trong một bài báo vào ngày 7/11 về kết quả bầu cử.
“Đối với các công ty thăm dò và khai thác công cộng lớn kiểm soát một nửa số giàn khoan ở Lower 48 của Mỹ và phát triển phần lớn các khu vực thuê mỏ tốt nhất, chính các khuôn khổ hoàn vốn mới là yếu tố quyết định đầu tư”, ông Flowers cho biết. “Và các mức thuế tăng cao có nguy cơ khiến ngành công nghiệp đối mặt với lạm phát chi phí”, ông nói tiếp.
Hơn nữa, dù chính quyền mới có thể bãi bỏ các quy định về phát thải, “nhiều công ty thăm dò và khai thác đã tự nguyện áp dụng các quy định nghiêm ngặt, giống như cách họ đang làm với hoạt động khoan, để giảm phát thải ở phạm vi 1 và 2”, ông Flowers nhấn mạnh.
Trong trung hạn
Ngành công nghiệp dầu khí đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc duy trì vị thế của Mỹ như một nhà cung cấp dầu mỏ toàn cầu quan trọng.
“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với chính quyền sắp tới và các lãnh đạo ở cả hai Đảng để thúc đẩy các giải pháp lưỡng đảng nhằm giải phóng năng lượng Mỹ như một động lực cho sự thịnh vượng kinh tế, tiến bộ môi trường và ổn định trên toàn thế giới”, Viện Dầu khí Mỹ (API) tuyên bố vào ngày 6/11 trong lời chúc mừng gửi tới ông Trump.
Ngày 12/11, nhóm vận động này đã gửi thư tới ông Trump, đề xuất bãi bỏ lệnh tạm dừng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của chính quyền tiền nhiệm, cùng một số chính sách không có lợi cho việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, và gỡ bỏ các rào cản cấp phép dầu khí.
Ông Flowers cho rằng việc đơn giản hóa quy trình cấp phép giếng khoan “có thể khuyến khích thêm hoạt động khoan trên đất liên bang ở những khu vực chuyên biệt”.
Một lợi thế khác cho ngành dầu khí dưới thời ông Trump, đặc biệt là với các nhà khai thác ở Lower 48, là “điều kiện huy động vốn mới có thể được cải thiện, vì các nhà đầu tư ít lo ngại hơn về rủi ro giá trị cuối cùng dưới sự định hướng của Washington dành cho dầu khí”.
“Nếu hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) doanh nghiệp được đơn giản hóa, thì một chu kỳ xây dựng mới của các công ty thăm dò và khai thác tư nhân có thể hỗ trợ tăng trưởng hoạt động trong những năm tới”, ông Flowers nói thêm.
Sản lượng đã bắt đầu giảm
Sản lượng tại lưu vực Permian, khu vực khai thác dầu chính của Mỹ, dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay do các yếu tố tự nhiên, theo phân tích của Goldman Sachs công bố vào ngày 23/7.
Lưu vực Permian dự kiến đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 340.000 thùng/ngày (bpd), giảm so với 520.000 thùng/ngày vào năm ngoái. Tăng trưởng có thể duy trì ở mức “mạnh mẽ” đến năm 2026 với 270.000 thùng/ngày, theo ngân hàng này.
Goldman Sachs dự báo tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ năm 2024 sẽ đạt 500.000 thùng/ngày, giảm so với mức hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm ngoái.
Dù “các tiến bộ công nghệ và hiệu suất” đã giúp lưu vực đá phiến Texas-New Mexico đóng góp toàn bộ mức tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ từ năm 2020, nhưng “Permian đang bước vào giai đoạn trưởng thành, với địa chất suy giảm sẽ ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô trong tương lai”, Goldman Sachs nói trên trang web của mình. Ngân hàng này cho rằng sự biến dạng địa chất của Permian là do “nhiều năm khai thác và thăm dò với cường độ cao”.
Ngoài ra, các giếng có năng suất cao nhất cũng đang cạn kiệt, và hoạt động thượng nguồn, giống như tình hình chung tại Mỹ, đang giảm sút.
“Số lượng giàn khoan có thể tiếp tục giảm từ 309 giàn hiện nay xuống dưới 300 giàn vào cuối năm 2026”, Goldman Sachs nhận định. “Nhưng sản lượng mỗi giàn vẫn sẽ tăng, nhờ sự hợp nhất trong ngành làm tăng tỷ lệ giàn khoan hiệu quả hơn và nhờ các công nghệ ngày càng cải tiến”, ngân hàng bổ sung.
Goldman Sachs dự báo rằng năm 2024, sản lượng khởi đầu của các giếng Permian sẽ tăng thêm 100 thùng/ngày, trước khi giảm xuống còn 50 thùng/ngày trong giai đoạn 2025-2026, chỉ bằng một phần ba mức tăng trưởng năm 2019.
Tăng trưởng sản lượng đến năm 2026 vẫn sẽ ở mức “mạnh mẽ” nhờ hiệu suất trong khoan và hoàn thiện giếng, ngân hàng này kết luận.
Nh.Thạch
AFP