Châu Âu có bị mất nguồn cung năng lượng vì căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây hay không?

08:40 | 21/01/2022

|
(PetroTimes) - Nga đã cảnh báo phương Tây rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ tạo ra những bất ổn toàn cầu. Theo các nhà phân tích phương Tây, một kịch bản như vậy sẽ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga và thị trường năng lượng toàn cầu.
Châu Âu có bị mất nguồn cung năng lượng vì căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây hay không?
Ảnh quân đội Nga của Fars News Agency

Mặc dù Nga nhiều lần nhắc lại rằng họ không có kế hoạch xâm lược Ukraine nhưng Đảng Dân chủ Mỹ đã đưa ra một dự luật mới vào tuần trước gọi là Đạo luật An ninh Bảo vệ Ukraine, theo đó yêu cầu tổng thống áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính và quan chức Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin trong trường hợp có các hoạt leo thang thù địch chống lại Ucraine.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Ủy ban Đối ngoại Leonid Slutsky kêu gọi phương Tây ngừng suy đoán về cuộc khủng hoảng năng lượng, và đổ lỗi cho Nga về vấn đề này.

Nga đã cảnh báo phương Tây rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ tạo ra những bất ổn toàn cầu. Theo các nhà phân tích phương Tây, một kịch bản như vậy sẽ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga và thị trường năng lượng toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Nga đã mất hơn 20%, sự sụp đổ lớn nhất kể từ đầu đại dịch Covid-19.

Nhưng Nga cho biết họ sẽ không thảo luận về việc loại bỏ quân đội khỏi biên giới phía tây của mình, lưu ý rằng họ vẫn ở trên lãnh thổ có chủ quyền của Nga. Thêm vào căng thẳng, Nga và Belarus trong tuần này đã công bố các cuộc tập trận quân sự mới nhằm huấn luyện việc triển khai lực lượng.

Luật An ninh Bảo vệ Ukraine không chỉ nhắm vào các ngân hàng và dịch vụ tài chính của Nga, Dự luật cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ xác định và xử phạt các lĩnh vực vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, bao gồm khai thác và sản xuất dầu khí, trong đó yêu cầu Tổng Thống Mỹ xem xét tất cả các biện pháp sẵn có và thích hợp để ngăn chặn đường ống Nord Stream 2 của Nga đi vào hoạt động, thậm chí Mỹ cần xem xét lại các phê duyệt dỡ bỏ cấm vận đường ống này đưa ra trước đó.

Trên thực tế, Nga hiện đã chuẩn bị tốt hơn cho các lệnh trừng phạt tài chính. Nga đã tăng dự trữ vàng và ngoại tệ, tỷ trọng đô la Mỹ trong các khoản dự trữ của Ngân hàng Trung ương đã giảm xuống khoảng 16% vào giữa năm 2021 từ 50% trước đó, nhờ vào nỗ lực phi đô la hóa của Nga. Nga cũng có kế hoạch ngừng sử dụng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền dự trữ trong Quỹ phúc lợi quốc gia.

Lệnh cấm mua dầu và khí đốt của Nga được các chuyên gia cho là khó xảy ra vì châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào họ. Nga chiếm khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, dầu của Nga chiếm khoảng 30%. Ngân sách Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào việc bán dầu và khí đốt, với mức giá cực cao hiện nay chỉ có thể giúp tăng ngân quỹ nhà nước hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, hoàn toàn có thể hiểu được lo lắng của người châu Âu về khả năng nguồn cung khí đốt của Nga có thể bị cắt trong trường hợp xung đột ở Ukraine.

Quá trình vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu hầu như không bị gián đoạn trong nhiều năm mặc dù xung đột giữa Moscow và Kiev ở các mức độ khác nhau. Lần cuối cùng các dòng chảy bị gián đoạn là trong cuộc khủng hoảng khí đốt mùa đông 2008/09, nhưng trong đợt leo thang quân sự gần đây nhất vào năm 2014, các dòng vận chuyển vẫn ổn định bất chấp việc cắt giảm bán hàng trực tiếp cho Ukraine. Tuy nhiên, vai trò trung chuyển của Ukraine đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, và châu Âu có nhiều tuyến đường thay thế hơn để tiếp cận khí đốt của Nga.

Hãng thông tấn LB Nga Tass đưa tin các nhà lập pháp Nga nhấn mạnh mọi cáo buộc Nga thao túng thị trường khí đốt là hoàn toàn vô căn cứ. Trên thực tế, Gazprom sẵn sàng cung cấp thêm khối lượng khí đốt dựa trên các hợp đồng dài hạn hiện tại.

Người Nga cho rằng khủng hoảng năng lượng của Châu Âu, xuất phát từ nhu cầu về khí đốt ở Châu Á đang gia tăng và tỷ trọng sản xuất năng lượng gió ngày càng giảm.

Elena