Châu Á ứng phó với nguy cơ thiếu dầu

11:16 | 05/08/2020

|
(PetroTimes) - Giới phân tích cho rằng, đã đến lúc châu Á cần gạt sang một bên những bất đồng và bắt đầu xây dựng một kho dự trữ dầu liên châu Á, giảm thiểu nguy cơ thiếu nguồn cung dầu khí những bất ổn địa chính trị xảy ra.    

Điều này tưởng chừng là giải pháp “thừa” khi giá dầu thế giới đã chạm đáy kỷ lục trong 30 năm, với lượng dầu dự trữ và nguồn cung tương đối dồi dào. Tuy nhiên, những diễn biến trên thị trường dầu khó có thể dự đoán trước. Trong 50 năm qua, giá dầu có thời điểm tăng 200%, thậm chí 300% chỉ trong vài tuần.

chau a ung pho voi nguy co thieu dau
Chennai Petroleum, một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (IOC)

Những biến động mạnh trên thị trường xuất phát từ bất ổn địa chính trị của nhiều khu vực sản xuất dầu, trong khi sự đầu cơ dầu là vấn đề quan ngại lớn đối với châu Á. Thực tế, dầu nhập khẩu hiện đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng ở châu lục năng động này.

Tính riêng trong thập niên qua, nhu cầu dầu ở châu Á tăng gần 40%. Dữ liệu thống kê hằng năm về thị trường năng lượng thế giới của Công ty Dầu khí BP (Anh) cho thấy, có hơn 50% lượng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế mỗi ngày thuộc về châu Á.

Lượng lớn dầu xuất khẩu của thế giới đến từ Trung Đông, nơi rủi ro xung đột vẫn còn cao, trong khi phần nhiều lượng dầu nhập khẩu của châu Á đều đi qua “điểm nóng” Hormuz. Tình trạng xung đột tại eo biển Hormuz từng gây quan ngại lớn cho các quốc gia nhập khẩu dầu. Năm 2018, lượng dầu nhập khẩu của các nước châu Á chiếm khoảng 75% trong số 21 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz mỗi ngày.

Giới chuyên gia dự báo thời kỳ nguồn cung dầu dồi dào có thể sẽ không kéo dài. Các công ty dầu mỏ lớn đã rút hàng tỉ USD khỏi những kế hoạch đầu tư của họ.

Đối với khu vực nhập khẩu dầu lớn như châu Á, nhu cầu ngày càng tăng và nguồn cung dầu giá rẻ có thể dễ dàng chuyển thành sự phụ thuộc, không loại trừ nhiều rủi ro liên quan. Bởi vậy, an ninh năng lượng cần được xem là vấn đề đáng lưu tâm của mọi quốc gia ở châu Á.

Một thỏa thuận an ninh năng lượng chung có thể giúp thiết lập lượng dầu dự trữ đáng kể do cả chính phủ và các công ty tư nhân nắm giữ. Việc xây dựng một cơ chế cho việc sử dụng hợp lý nguồn năng lượng này sẽ cung cấp một giải pháp ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Theo dự báo mới đây của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), đại dịch Covid-19 giáng một đòn mạnh vào kinh tế toàn cầu, bao gồm cả nhu cầu dầu mỏ trong năm nay. Báo cáo của IEA về tình hình thị trường dầu mỏ hằng tháng công bố ngày 16-6 cho thấy, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm 8,1 triệu thùng/ngày trong năm 2020, nhưng sẽ bật tăng trở lại trong năm 2021 ở mức 5,7 triệu thùng/ngày.

Bình An