Châu Á sẽ tăng mạnh nhu cầu dầu trong nửa năm còn lại

11:11 | 23/05/2023

|
(PetroTimes) - Dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã giảm xuống khoảng 75 USD/thùng từ mức cao nhất gần 140 USD/thùng vào tháng 3 năm ngoái, ngay sau sự gián đoạn nguồn cung do xung đột Nga-Ukraine.
Công nhân dầu mỏ Argentina đình công, ảnh hưởng đến khu vực đá phiến Vaca MuertaCông nhân dầu mỏ Argentina đình công, ảnh hưởng đến khu vực đá phiến Vaca Muerta
Tổng thư ký OPEC: Thiếu đầu tư có thể gây biến động thị trường dầu mỏTổng thư ký OPEC: Thiếu đầu tư có thể gây biến động thị trường dầu mỏ
Châu Á sẽ tăng mạnh nhu cầu dầu trong nửa năm còn lại
Một bến dầu thô ở cảng Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc

Châu Á sẽ thúc đẩy mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ khoảng 2 triệu thùng/ngày (bpd) trong nửa cuối năm nay, một giám đốc điều hành cấp cao tại Vitol cho biết hôm thứ Hai (22/5). Mức tăng trưởng này có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá lên cao.

Dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã giảm xuống khoảng 75 USD/thùng từ mức cao nhất gần 140 USD/thùng vào tháng 3 năm ngoái, ngay sau sự gián đoạn nguồn cung do xung đột Nga-Ukraine.

Giá dầu được hỗ trợ từ việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của một số thành viên trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, bao gồm cả Nga (OPEC+). Tổ chức này sẽ nhóm họp vào ngày 4/6 để xem xét chính sách sản lượng.

Mike Muller - Chủ tịch Vitol châu Á, chia sẻ tại Hội nghị khí đốt và dầu mỏ Trung Đông ở Dubai: “Chúng tôi đang bước vào nửa cuối của năm, nhờ có tăng trưởng nhu cầu của châu Á, thế giới sẽ cần nhiều hơn bây giờ khoảng 2 triệu thùng dầu”.

Ông nói: “Đối với những người hỏi liệu OPEC+ có cần giảm nguồn cung nữa hay không, thì tôi sẽ để họ tự đưa ra câu trả lời”.

Quan điểm của Muller lặp lại nhận xét từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ngay sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng vào tháng 4. Ông cho biết OPEC+ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu dự kiến ​​trong nửa cuối năm nay.

Cũng phát biểu tại hội nghị ở Dubai, Fereidun Fesharaki - Chủ tịch Công ty tư vấn năng lượng FGE cho biết thế giới có thể đối mặt với vấn đề nguồn cung khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga sẽ làm giảm sản lượng nếu nhu cầu tăng như dự đoán.

Ông cho biết, Nga có thể duy trì sản lượng ở mức khoảng 10 - 11 triệu thùng/ngày, nhưng sẽ không thể đảm bảo mức tăng 2 triệu thùng/ngày trong tương lai do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Fesharaki nói rằng OPEC hành xử rất khác từ khi dầu đá phiến của Mỹ là mối đe dọa chính của họ, do đó OPEC đã tìm cách hạn chế tăng giá để ngăn cản các dự án đá phiến đắt tiền đi vào hoạt động.

Giờ đây, ông cho biết OPEC sẽ tìm cách kiếm tiền từ các nguồn tài nguyên dầu mỏ trước khi nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh vì nhiều quốc gia chuyển sang năng lượng carbon thấp.

Fesharaki cho biết ông "mong muốn duy trì giá dầu trên 80 USD/thùng và sẵn sàng vượt qua 100 USD/thùng nếu thị trường thắt chặt nguồn cung".

Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais, người cũng tham dự hội nghị tại Dubai, không thảo luận về ngắn hạn, nhưng ông tiếp tục cảnh báo rằng việc thiếu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí trong dài hạn có thể khiến thị trường biến động.

Ông cũng cho biết thế giới cần tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính hơn là thay thế một dạng năng lượng này bằng một dạng năng lượng khác và cần có những khoản đầu tư lớn vào tất cả các lĩnh vực năng lượng.

"Đó là sự thật cần phải nói ra", Al Ghais nói.

Yến Anh