Căng thẳng Mỹ-Trung có thể cản trở nỗ lực hợp tác về biến đổi khí hậu

21:10 | 20/04/2021

|
Reuters ngày 19/4, báo The Wall Street Journal, the South China Morning Post các ngày 17-18/4 có nhiều tin, bài bình luận về chuyến thăm Trung Quốc của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry từ ngày 16-17/4/2021. Ông Kerry đã thăm thành phố Thượng Hải, gặp trực tuyến Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, đàm phán với người đồng cấp Trung Quốc, Đặc phái viên về các vấn đề biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa. Chuyến đi Thượng Hải của Đặc phái viên Kerry là chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao nhất của Chính quyền Tổng thống Biden tới Trung Quốc kể từ sau khi lên nắm quyền và tiếp theo cuộc gặp hai bên tại Alaska.
Căng thẳng Mỹ-Trung có thể cản trở nỗ lực hợp tác về biến đổi khí hậu

Trung Quốc dự kiến đạt đỉnh về khí thải trước năm 2030. Ảnh: AP

Các cuộc đối thoại song phương về vấn đề biến đổi khí hậu đã bị hoãn lại kể từ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015. Cuộc đàm phán giữa Kerry và Giải Chấn Hoa đánh dấu việc nối lại đối thoại về các vấn đề khí hậu giữa hai nước xả khí thải nhà kính lớn nhất thế giới. Chuyến thăm cũng diễn ra chỉ vài ngày trước Hội nghị Cấp cao trực tuyến về khí hậu do Tổng thống Biden chủ trì, mời lãnh đạo 40 nước tham dự, trong đó có Chủ tịchTrung Quốc Tập Cận Bình, từ ngày Thứ Năm, 22/4 đến 23/4.

Đặc phái viên Kerry cho biết các cuộc gặp gỡ ở Thượng Hải là “có kết quả”, lần đầu tiên Trung Quốc nhất trí coi biến đổi khí hậu là “một cuộc khủng hoảng” và cần khẩn trương giải quyết; hai nước sẽ hợp tác đưa ra những mục tiêu tham vọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trao đổi khả năng Trung Quốc “củng cố” các cam kết mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra tháng 9/2020 về việc đạt đỉnh khí thải các-bon trước năm 2030 và đạt cân bằng các-bon (net-zero) vào năm 2060; nhấn mạnh Mỹ không lấy vấn đề biến đổi khí hậu “để đổi chác” lấy những vấn đề khác biệt quan trọng khác hiện nay đang có với Trung Quốc.

Sau chuyến thăm của Đặc phái viên Kerry, ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Môi trường Sinh thái Trung Quốc đã ra tuyên bố chung, một văn bản thể hiện sự nhất trí tại thời điểm căng thẳng đang tăng lên trong quan hệ song phương. Tuyên bố chung cho biết “Mỹ và Trung Quốc đang cam kết hợp tác với nhau và với các nước khác để giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu”; sẽ tiếp tục thảo luận “các hành động cụ thể trong những năm 2020” để giảm khí thải, giữ những cam kết trong Thỏa thuận Paris về giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên. Hai bên cũng nhất trí thảo luận một số biện pháp cụ thể như lưu giữ năng lượng, thu giữ các-bon và hydrogen; tối đa hóa hoạt động tài chính cho các nước đang phát triển để chuyển đổi sang nguồn năng lượng các-bon thấp.

Dư luận khu vực cho rằng hai nước đang đối đầu trong một loạt vấn đề, trong đó có vấn đề Tân Cương và Hồng Công; phía Trung Quốc cũng chưa thông báo về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu hay không. Trong cuộc gặp trực tuyến với Đặc phái viên Kerry,Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đề nghị phía Mỹ gánh vác thêm trách nhiệm “Trung Quốc coi trọng đối thoại và hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu với Mỹ”, “hoan nghênh Mỹ quay trở lại Thỏa thuận Paris và trông đợi phía Mỹ sẽ ủng hộ thỏa thuận, gánh vác những trách nhiệm cần thiết của mình và có những đóng góp tương xứng”.

Học giả Trung Quốc cho rằng Trung Quốc coi các yêu cầu của Mỹ về biến đổi khí hậu là một phần của chiến lược lớn của Mỹ nhằm hạn chế tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và buộc Trung Quốc từ bỏ mô hình phát triển kinh tế sử dụng nhiều năng lượng, gây ô nhiễm; kỳ vọng rằng hợp tác trong chống biến đổi khí hậu có thể giúp đảo ngược đà đi xuống trong quan hệ song phương Trung-Mỹ là “đặt sai chỗ”; cả Trung Quốc và Mỹ đều trở nên cứng rắn trong quan điểm đối với nhau, ngày càng khó khăn hơn để hai bên có thể hợp tác về biến đổi khí hậu khi đang ở giữa một cuộc cạnh tranh toàn diện, ngày càng sâu sắc; chuyến thăm của Kerry là một “bằng chứng nữa” cho thấy cửa sổ cơ hội cho hợp tác song phương “đang đóng lại”.

Cố vấn cao cấp về khí hậu và chính sách năng lượng toàn cầu của tổ chức Hòa bình Xanh châu Á (Green Peace Asia) Li Shuo bình luận tuyên bố chung Mỹ-Trung cho thấy cam kết của cả hai nước hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; cho rằng Trung Quốc sẽ phản hồi đối với cam kết mới của Mỹ nhằm xây dựng “động năng” cho cuộc đàm phán ở Thượng Hải; đây là bước đi vững chắc về phía hợp tác trong bối cảnh những thách thức địa chính trị to lớn; là thông điệp rõ ràng rằng trong vấn đề cụ thể này, Mỹ và Trung Quốc sẽ hợp tác; cho rằng cần phải có những hành động mạnh mẽ, trong đó có việc đưa ra tiến trình can dự hai nước lớn (G2) xử lý những vấn đề thiết yếu vì lợi ích toàn cầu. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhấn mạnh Trung Quốc không muốn bị coi là nhượng bộ các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ, nên ngày càng trở nên cứng rắn; chuyến thăm của Kerry không đưa ra kết quả cụ thể cho thấy vấn đề chính trị nội bộ khó khăn của Trung Quốc; không giống như giai đoạn 2015, hiện nay, Trung Quốc muốn đàm phán với Mỹ từ góc độ sức mạnh; sự tự tin của Trung Quốc được tăng cường dưới thời chính quyền Trump; bất cứ hợp tác nào với Mỹ đều cần được thiết lập trên cơ sở cân bằng và Trung Quốc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua chính các sáng kiến của mình, không phải vì do nước khác đề nghị. Chuyên gia này cũng bác bỏ hy vọng cho rằng Trung Quốc có thể đưa ra cam kết mới về biến đổi khí hậu trước Hội nghị Cấp cao về khí hậu của Tổng thống Mỹ Biden./.

Thanh Bình