Cần cắt giảm mạnh phát xạ khí metan để tránh thảm họa biến đổi khí hậu tồi tệ nhất

21:24 | 07/05/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 6/5/2021 đưa tin Liên hợp quốc hôm Thứ Năm đã đưa ra một báo cáo mang tính dấu mốc, nhấn mạnh việc cắt giảm mạnh mẽ phát xạ khí metan là cần thiết để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Báo cáo này do Liên minh Khí hậu Trong sạch và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc xuất bản, thể hiện một sự chuyển biến trong các cuộc thảo luận toàn cầu về việc làm thế nào để giải quyết tốt nhất cuộc khủng hoảng khí hậu, trong đó tập trung vào việc cắt giảm lâu dài carbon dioxide.
Cần cắt giảm mạnh phát xạ khí metan để tránh thảm họa biến đổi khí hậu tồi tệ nhất
Metan là thành phần chính của khí tự nhiên. Ảnh: Orjan F. Ellingvag/Corbis News/Getty Images

Metan mạnh hơn carbon 84 lần và không tồn tại lâu trong khí quyển. Điều này khiến nó trở thành một mục tiêu quan trọng để có thể làm giảm trái đất nóng lên một cách nhanh chóng hơn, trong khi đồng thời vẫn giảm các khí thải nhà kính khác.

Hơn một nửa phát xạ khí metan toàn cầu bắt nguồn từ quá trình tách dầu và khí trong công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, từ bãi rác, nước thải, chất thải chăn nuôi, lên men trong nông nghiệp. Thế giới có thể cắt giảm tới 45% phát xạ khí metan vào năm 2030, hoặc là 180 triệu tấn/1 năm, theo đánh giá của Liên hợp quốc về khí metan toàn cầu. Mục tiêu này có thể giúp cho mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất tăng lên 1,5 độ C vào năm 2045, như trong thỏa thuận Paris.

Báo cáo của Liên hợp quốc được đưa ra sau khi phát xạ khí metan đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2020 mặc dù diễn ra phong tỏa toàn cầu vì đại dịch (theo nghiên cứu của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia của Mỹ). Việc phát xạ khí metan cũng đang tăng nhanh hơn trước, tính từ khi bắt đầu lưu số liệu từ những năm 1980. Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen cho biết “việc cắt giảm khí metan là đòn bẩy mạnh nhất để làm chậm lại biến đổi khí hậu trong 25 năm tới và bổ sung cho các nỗ lực cần thiết để giảm khí carbon dioxide”; nhấn mạnh “cần hợp tác quốc tế để nhanh chóng cắt giảm phát xạ khí metan càng nhiều càng tốt trong thập kỷ này”.

Báo cáo cho rằng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch có tiềm năng to lớn trong việc cắt giảm khi thải toàn cầu với chi phí thấp, từ việc sửa chữa rò rỉ từ hạ tầng dầu khí. Các công ty ngăn ngừa việc rò rỉ và thu giữ khí metan vừa có thể thu được lợi nhuận, vừa kiềm chế được phát xạ khí metan./.

Thanh Bình