Các nhà xuất khẩu khí đốt Nga đang giao dịch với mức chiết khấu lớn

14:31 | 01/10/2021

|
(PetroTimes) - Trang tin Vedomosti mới đấy cho biết, giá khí đốt xuất khẩu của Nga đang được giao dịch với giá thấp, gây thiệt hại cho ngân sách liên bang hàng nghìn tỷ rúp.
Các nhà xuất khẩu khí đốt Nga đang giao dịch với mức chiết khấu lớn

Trạm khí nén Slavyanskaya của Gazprom. Ảnh: Andrey Rudakov | Bloomberg | Getty Images

Theo Bloomberg, ngân hàng Citigroup mới đây đã tăng gấp đôi dự báo giá khí đốt của mình ở châu Á và châu Âu trong quý IV/2021. Dự báo cho rằng, trong trường hợp mùa đông lạnh giá và nhiều bão tại Vịnh Mexico, giá khí đốt sẽ lập kỷ lục mọi thời đại, lên mức 3.500 USD/1000 m3. Chi phí này tương đương với giá một thùng dầu ở mức 580 USD. Trang tin Vedomosti mới đấy cho biết, giá khí đốt xuất khẩu của Nga đang được giao dịch với giá thấp, gây thiệt hại cho ngân sách liên bang hàng nghìn tỷ rúp.

Thời tiết lạnh giá bắt đầu và lượng dự trữ thấp trong các cơ sở dự trữ khí ngầm tại châu Âu làm gia tăng sự cạnh tranh đối với các nguồn cung cấp LNG. Ngay trong tháng 9, giá một tấn LNG tại thị trường Đông Bắc Á đã tăng 50% và vượt mốc 1000 USD. Tại thị trường châu Âu, giá LNG đã đạt 900 USD/tấn, tăng hơn 40% chỉ trong một tháng.

Mặc dù giá khí đốt trên thị trường tăng mạnh, song giá xuất khẩu LNG của Nga đang tụt hậu so với động lực này. Theo dữ liệu của Tổng cục hải quan liên bang Nga, trong tháng 7 vừa qua, giá LNG xuất khẩu từ nhà máy sản xuất khí hóa lỏng của Gazprom tại Sakhalin đạt mức 319 USD/tấn (tương đương 257 USD/1000 m3). Con số này thấp hơn gần 2 lần so với giá khí tại trung tâm TTF (Hà Lan) ở thời điểm đó, ở mức 456 USD/1000 m3 (theo dữ liệu của Refinitiv).

Tập đoàn khí đốt Novatek thậm chí còn xuất khẩu LNG của mình với mức giá thấp hơn. Cũng trong tháng 7, giá xuất khẩu trung bình của nhà máy Yamal LNG chỉ ở mức 199 USD/tấn (tương đương 145 USD/tấn), thấp hơn ba lần so với giá trung bình trong các hợp đồng LNG được giao dịch trên sàn TTF và rẻ hơn 37% so với giá LNG của Gazprom. Tính trung bình trong một năm qua, giá LNG xuất khẩu của Novatek thấp hơn tới 65% so với khí đường ống của Gazprom sang châu Âu.

Phía Novatek thông báo, lợi thế cạnh tranh của họ là chi phí sản xuất thấp. Trong năm 2020, các chuyên gia phân tích của công ty Renaissance Capital (Nga) cho biết, chi phí khí đốt từ Yamal LNG sang thị trường châu Âu ước tính chỉ ở mức 77 USD/tấn và sang thị trường châu Á là 153 USD/tấn.

Chuyên gia Igor Yushkov từ Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga cho biết, chi phí sản xuất thấp cho phép Novatek nhanh chóng chinh phục các thị trường, nhưng đồng thời không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của Tập đoàn này. Theo báo cáo của các nhà nhập khẩu LNG quốc tế, các khách hàng mua LNG của Novatek đã ký hợp đồng với khối lượng lớn trong năm nay như: Total (4 triệu tấn), CNPC (3 triệu tấn), Gazprom (2,9 triệu tấn), Gas Natural Fenosa (2,5 triệu tấn), cũng như Shell và Gunvor. Những khách hàng lớn chiếm khoảng 86% tổng lượng khí đốt sản xuất. Bản thân Novatek chỉ ký hợp đồng ngoài với sản lượng 2,5 triệu tấn cho năm nay. Chuyên gia Yushkov nhấn mạnh, những kết quả lợi nhuận khổng lồ thu được do chi phí sản xuất thấp và giá khí đốt cao kỷ lục chủ yếu thuộc về các công ty nước ngoài, trong khi ngân sách liên bang thực tế không nhận được nguồn thu bổ sung từ mức giá nhiên liệu kỷ lục mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với triển khai các dự án. Thậm chí, trong số các khách hàng lớn được hưởng lợi, có cả những công ty từ những quốc gia ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Trong điều kiện thị trường hiện nay, các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn của Gazprom cũng trở nên bất lợi đối với ngân sách liên bang. Các nhà phân tích tính toán, do chính sách neo giá khí vào giá dầu thô, ngân sách liên bang sẽ không nhận được nguồn thu bổ sung vào khoảng 2000 tỷ rúp vào cuối năm 2021.

Theo dự báo của Gazprom, giá khí đốt trung bình tại thị trường châu Âu sẽ vào khoảng 270 USD/1000 m3. Dựa trên kế hoạch của tập đoàn với sản lượng xuất khẩu dự kiến trong năm nay đạt 183 tỷ m3, tổng số tiền thuế xuất khẩu thu được sẽ là 14,8 tỷ USD (khoảng 1100 tỷ rúp theo tỷ giá hiện tại). Nguồn thuế khai thác tài nguyên thu được sẽ vào khoảng 238 tỷ rúp. Theo ước tính sơ bộ, giá khí đốt giao dịch trên sàn TTF ít nhất sẽ là 540 USD/1000 m3, tức là cao gấp đôi so với tính toán của Gazprom. Nếu việc áp thuế gắn liền với giá khí trên thị trường, thuế khai thác tài nguyên đối với Gazprom có thể tăng lên 904 tỷ rúp, tức gấp 3,8 lần số tiền mà Gazprom phải đóng góp vào ngân sách năm nay. Thuế xuất khẩu sẽ tăng lên tới 2.200 tỷ rúp. Như vậy, tổng số thuế có thể “thất thu” của nhà nước lên tới khoảng 1.800 tỷ rúp (khoảng 24,7 tỷ USD).

Khoảng 17-20% các hợp đồng cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu cũng được neo theo giá dầu, và phần còn lại, mặc dù được giao dịch trên thị trường giao ngay nhưng có thời gian trễ từ 6 đến 9 tháng. Do đó, giá cho các hợp đồng dài hạn hiện thấp hơn đáng kể so với hợp đồng giao ngay.

Theo Interfax, khí đốt của Nga thậm chí còn được bán rẻ hơn tại thị trường Trung Quốc. Giá xuất khẩu trung bình cho thị trường này trong quý III/2021 là 171 USD/1000 m3. Ngoài Nga, các nhà cung cấp khác bán nhiên liệu với giá đắt hơn, cụ thể: khí đốt của Turkmenistan có giá 238 USD/1000 m3, khí đốt Kazakhstan có giá 195 USD/1000 m3, khí đốt Uzbekistan có giá 193 USD/1000 m3. Một số chuyên gia trong ngành nhận định, giá khí đốt của Nga tại Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với thị trường châu Âu xuất phát chủ yếu từ sự neo giá khí vào giá mazut và giá xăng dầu có độ trễ tới 9 tháng. Lý do này khiến giá hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá giao ngay và không bị biến động mạnh.

Các chuyên gia của công ty Vygon Consulting đánh giá, giá khí trên thị trường rất biến động và việc liên kết một phần các hợp đồng dài hạn với rổ dầu cho phép các công ty phòng ngừa rủi ro này. Thị trường thường xuyên ghi nhận tình trạng giá giao ngay thấp hơn đáng kể so với giá khí theo hợp đồng dài hạn, nhất là trong năm 2020. Điều này có nghĩa là ngân sách cũng thường được hưởng lợi từ việc bán LNG trên cơ sở giá dầu thô giao ngay.

Việc neo giá khí vào giá dầu một phần cho phép đa dạng hóa rủi ro biến động giá cả thị trường, xong nhìn chung, đây là một cách tiếp cận đang bị lỗi thời. Cách tính này liên quan đến giai đoạn đầu của sự hình thành thị trường khí đốt, giai đoạn mà phần lớn khí đốt được cung cấp qua đường ống.

Với sự phát triển của thị trường LNG, thị trường khí đốt trở nên năng động hơn. Do đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các công ty châu Âu về xem xét lại cách tiếp cận định giá khí. Điều tương tự cũng áp dụng đối với áp thuế ngành công nghiệp khí. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên áp dụng công thức thuế theo bậc. Giá khí càng cao thì tỷ lệ thuế trong giá càng tăng. Điều này sẽ tối đa hóa lợi nhuận của cả công ty và nhà nước. Phía Novatek và Gazprom chưa có bình luận nào xung quanh ý kiến này.

Tiến Thắng