Bộ trưởng Dầu mỏ Libya thoát cáo buộc buôn lậu và quản lý yếu kém

10:58 | 30/05/2024

|
(PetroTimes) - Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Mohamed Aoun đã được khôi phục chức vụ sau khi bị cách chức vào đầu tháng 4 để chờ điều tra về các cáo buộc buôn lậu dầu và quản lý yếu kém, tờ Libyan Herald đưa tin.
Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohamed Menfi, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cấp cao Mohamed Takala và Chủ tịch Hạ viện Aguila Saleh trong một cuộc họp tại trụ sở Liên đoàn Ảrập năm 2023. Ảnh: Al Mayadeen
Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohamed Menfi, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cấp cao Mohamed Takala và Chủ tịch Hạ viện Aguila Saleh trong một cuộc họp tại trụ sở Liên đoàn Ả Rập năm 2023. Ảnh: Al Mayadeen

"Bộ trưởng Dầu mỏ Mohamed Aoun đã bắt đầu nhiệm vụ của mình vào sáng nay", Bộ này cho biết trong thông báo và nói thêm rằng quá trình điều tra về các hoạt động của ông Aoun đã kết thúc.

Ông Aoun đã bị đình chỉ chức vụ vào ngày 25/3 vừa qua vì những cáo buộc quản lý yếu kém, và Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Khalifa Abdul Sadiq, cháu trai của Thủ tướng lâm thời có trụ sở tại Tripoli, Abdul Hamid al-Dbeiba, tạm thời thay thế vị trí của ông.

Vào thời điểm đó, S&P Global suy đoán rằng động thái này có động cơ chính trị và "khó có thể hoàn tất".

"Một mặt, việc đình chỉ có thể cản trở tiến độ của các dự án dầu mỏ lớn – do ông Aoun đứng đằng sau việc tạm dừng phát triển mỏ NC7 Hamada trên cơ sở đưa ra những nhượng bộ quá mức cho các hãng khai thác nước ngoài", S&P Global dẫn lời Hamish Kinnear, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại Verisk Maplecroft đã nói như vậy vào tháng 3.

Ông Kinnear nói thêm: "Mặt khác, ông Aoun vẫn nhận được sự ủng hộ của các bên có khả năng làm gián đoạn hoạt động khai thác dầu khí của Libya".

Trên thực tế, chỉ hai tháng sau khi bị đình chỉ công tác, thông tin chính thức cho biết ông Aoun đã trở lại vị trí của mình và cuộc điều tra đã kết thúc.

Hồi đầu năm nay, ông Aoun cho biết Libya – nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi – cần đầu tư 17 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để tăng sản lượng lên 2 triệu thùng/ngày, từ mức dưới 1,5 triệu thùng/ngày.

Việc khai thác dầu tại Libya thường bị cản trở bởi sự cạnh tranh chính trị gay gắt, đã dẫn đến sự bế tắc giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNU) được quốc tế công nhận ở thủ đô Tripoli và Chính phủ ổn định quốc gia (GNS) ở miền Đông nước này.

Cả hai chính phủ cùng các lực lượng dân quân và phe phái khác nhau của họ đang cạnh tranh để giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của đất nước.

Bình An

OP