Big Oil đang quay lưng với thỏa thuận khí hậu?

15:39 | 01/06/2023

|
(PetroTimes) - Các Big Oil đang đứng trước sức ép giữa thực tế tăng trưởng nhu cầu dầu, khí đốt và trách nhiệm thực hiện các mục tiêu phát thải nghiêm ngặt theo thỏa thuận khí hậu Paris và sự phản đối quyết liệt của các nhà hoạt động môi trường.
Big Oil đang quay lưng với thỏa thuận khí hậu?
Các nhà hoạt động môi trường phản đối phát thải của các công ty dầu khí. Ảnh: BBC.

Trong bối cảnh đó, các cổ đông của Exxon Mobil và Chevron hôm thứ Tư (31/5) vẫn bỏ phiếu áp đảo chống lại nghị quyết yêu cầu các mục tiêu phát thải của Scope 3 đối với các công ty lớn của Hoa Kỳ. Động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu dầu và khí tự nhiên đang cản trở những lời kêu gọi bắt đầu cắt giảm sản xuất.

Energy Intel đưa ra kết quả sơ bộ tại các cuộc họp đại hội đồng thường niên của các công ty lớn cho thấy tỉ lệ ủng hộ mục tiêu phát thải chỉ thu được 11% phiếu bầu tại Exxon và 10% tại Chevron. Năm ngoái, các mục tiêu Scope 3 trung và dài hạn theo thỏa thuận khí hậu Paris chiếm được 28% phiếu bầu tại Exxon và 33% tại Chevron. Tỉ lệ ủng hộ này ở BP là 17%, 20% tại Shell và 30% tại TotalEnergies.

Việc giảm mạnh ủng hộ mục tiêu phát thải cho thấy sự thay đổi lớn lao của các nhà đầu tư Mỹ về nhận thức đối với các chiến lược đòi hỏi phải giảm mạnh lượng phát thải Scope 3 cấp công ty, ít nhất trong vài năm tới.

Đại diện của Chevron, trước các cổ đông phản đối, khuyến nghị rằng những chiến lược này sẽ yêu cầu sản lượng dầu khí giảm đáng kể.

Phát thải Scope 3 là một điểm gây áp lực gia tăng vào đầu thập kỷ này. Tại các cuộc họp ĐHCĐ năm 2021, đa số hội đồng quản trị tại Exxon ủng hộ các mục tiêu của Scope 3, và tương tự tại Chevron, thời điểm lo ngại suy thoái do đại dịch gây ra rủi ro về nhu cầu. Nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến tăng, và lợi nhuận tăng vọt từ các doanh nghiệp dầu khí đã làm thay đổi quan điểm của các nhà đầu tư về mục tiêu khí hậu.

Đáng chú ý, phản ứng của Chevron đối với cuộc bỏ phiếu thành công cho Scope 3 hai năm trước là áp dụng mục tiêu giảm cường độ carbon mà không hạn chế khả năng tăng trưởng sản xuất.

Khi kêu gọi các cổ đông bỏ phiếu chống lại đề xuất này, Exxon đã nhắc lại quan điểm của mình rằng các số liệu của Scope 3 cung cấp thông tin chi tiết hữu ích về các lĩnh vực vĩ mô của nền kinh tế nơi các nỗ lực khử cacbon và các giải pháp thay thế nên tập trung, nhưng lại “có sai sót sâu sắc” khi áp dụng để chỉ đạo các chiến lược của từng công ty.

Giám đốc điều hành Exxon Darren Woods hôm thứ Tư (31/5) nói rằng: “Nếu một công ty năng lượng ngừng hoạt động để đáp ứng các mục tiêu của Scope 3 trong khi nhu cầu năng lượng vẫn còn… thì người tiêu dùng có thể buộc phải sử dụng ít năng lượng hơn, trả giá cao hơn đáng kể hoặc chuyển sang các nguồn phát thải cao hơn”.

Shell, đang hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp không phát thải ròng vào năm 2050, đã mô tả Nghị quyết Khí hậu 26 là “không rõ ràng, chung chung và sẽ tạo ra sự nhầm lẫn về trách nhiệm của hội đồng quản trị và cổ đông”.

CNBC trích tuyên bố của người phát ngôn của Shell nói rằng: “Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với nghị quyết này và với những tổ chức đã khuyến nghị ủng hộ nghị quyết đó hoặc bỏ phiếu chống lại các thành viên hội đồng quản trị”, và khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào sản xuất năng lượng mà thế giới cần hiện nay và trong tương lai gần. Tất cả các khoản đầu tư của chúng tôi phải mang lại tỷ suất lợi nhuận mà các nhà đầu tư yêu cầu”.

Cố vấn ủy nhiệm Glass Lewis của Exxon trả lời Reuters, cho biết triển vọng thế giới đạt được lượng khí thải carbon dioxide ròng bằng không vào năm 2050 là xa vời và không nên được đánh giá thêm trong báo cáo tài chính của mình.

Elena