Bất chấp bối cảnh nghịch lý, Nga vẫn đẩy nhanh được quá trình chuyển dịch năng lượng

08:29 | 24/01/2023

|
(PetroTimes) - Cuộc chiến Nga – Ukraine đã đem lại hiệu ứng nghịch lý, nhưng tích cực đối với bầu khí hậu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, “sự tái định hướng sâu sắc” của nền năng lượng toàn cầu đã thúc đẩy thế giới tăng đầu tư vào năng lượng bền vững. Nhờ vậy, lượng khí thải nhà kính toàn cầu dự kiến ​​​​sẽ đạt “đỉnh điểm” từ đầu năm 2025.
Bất chấp bối cảnh nghịch lý, Nga vẫn đẩy nhanh được quá trình chuyển dịch năng lượng

Tám ngày trước sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP27) ở Ai Cập, trong báo cáo thường niên năm 2022, IEA đã tiếp tục đưa cảnh báo về “khoảng cách lớn” giữa những nước giàu và nước nghèo trong hoạt động đầu tư vào năng lượng phát thải carbon thấp. IEA kêu gọi “thế giới cùng nỗ lực thật nhiều nhằm thu hẹp khoảng cách đầy lo ngại” này.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, IEA viết: “Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, bắt nguồn từ cuộc chiến Nga – Ukraine, đã gây ra những thay đổi sâu sắc và lâu dài, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang một nền năng lượng bền vững và an toàn hơn”.

Báo cáo cũng trích dẫn lời ông Fatih Birol – Giám đốc điều hành IEA: “Chiến tranh Nga – Ukraine đã thay đổi thị trường năng lượng và nhiều chính sách công. Thay đổi không chỉ ngay lúc này, mà sẽ còn diễn ra trong nhiều thập kỷ tới”.

Theo IEA, một vài quốc gia đang tìm cách tăng cường hoặc đa dạng hóa nguồn cung dầu hoặc khí đốt - nhiên liệu hóa thạch có lượng khí thải CO2 cao, còn nhiều quốc gia khác đang nghiên cứu giải pháp để đẩy nhanh sự thay đổi về cơ cấu và hướng tới nền năng lượng sạch hơn.

IEA cho biết thêm, trong năm 2022, châu Âu đã “đoạn tuyệt” với khí đốt của Nga với tốc độ “khó ai tưởng tượng nổi”. Và Nga đã “thất bại” trong việc chuyển hướng dòng khí đốt của mình sang những quốc gia khác thay vì châu Âu như trước đây. Trong số ba kịch bản do IEA nghiên cứu, không có kịch bản nào cho thấy kim ngạch xuất khẩu khí đốt và dầu của Nga sẽ phục hồi trở lại như mức của năm 2021. Đã vậy, theo một trong số kịch bản trên, từ nay cho đến năm 2030, thị phần của Nga trong thị trường dầu khí toàn cầu sẽ giảm đi một nửa.

Lần đầu tiên xuyên suốt giai đoạn nghiên cứu, cả ba kịch bản hàng năm của IEA đều cho thấy: Mức độ tiêu thụ của từng loại năng lượng hóa thạch (than, khí đốt, xăng) sẽ đạt đỉnh điểm hoặc leo dốc. Điều này sẽ “bóp nghẹt” hành tinh và gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo kịch bản Trung tâm (Central scenario), vốn dựa theo những cam kết đầu tư vì khí hậu do chính phủ các nước đề ra (“Đạo luật giảm lạm phát” của Mỹ, “Fit for 55” và “RePowerEU” ở châu Âu, “Chuyển đổi xanh” ở Nhật Bản...), lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt đỉnh 37 tỷ tấn vào năm 2025, sau đó giảm xuống 32 tỷ tấn vào năm 2050.

Mặc cho sự nỗ lực, nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn sẽ tăng khoảng 2,5 độ C từ nay cho đến năm 2100, “dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về khí hậu”.

Một lần nữa, IEA nhấn mạnh tính cần thiết của việc thực hiện khoản đầu tư lớn vào năng lượng sạch, dù là năng lượng xanh hay chỉ đơn thuần là năng lượng ít phát thải carbon như năng lượng hạt nhân. Theo vào đó, cần phải tăng tốc phát triển một vài lĩnh vực như pin điện (cho ôtô), quang điện và hệ thống điện phân hydro – một công nghệ khử carbon.

Trong kịch bản Trung tâm, nhằm thỏa được những điều kiện trong kịch bản không phát thải ròng vào năm 2050, những khoản đầu tư này phải đạt hơn 2 nghìn tỷ USD từ nay cho đến năm 2030, và tăng lên thành 4 nghìn tỷ USD về sau.

IEA cho biết thêm: “Thế giới phải cùng nỗ lực thật nhiều, nhằm thu hẹp khoảng cách đầu tư vào năng lượng sạch giữa những nền kinh tế phát triển và những nước mới nổi hoặc đang phát triển. Đây là một khoảng cách đáng lo ngại, và đang ngày càng lớn dần”.

Trao đổi với AFP, bà Laurence Tubiana - Cựu Đại sứ về Biến đổi Khí hậu của Pháp, đã nhận xét về báo cáo của IEA như sau: “Rõ ràng, những khoản đầu tư vào năng lượng sạch phải tăng gấp ba lần từ nay cho đến năm 2030. Sử dụng khí đốt sẽ dẫn chúng ta đến ngõ cụt”.

Ông Mohammed Adow - người sáng lập và giám đốc tổ chức tư vấn khí hậu Power Shift Africa, cũng phản ứng: “Châu Phi có triển vọng dồi dào về năng lượng gió, mặt trời và những nguồn tái tạo khác. Như vậy, châu Phi có thể dẫn dắt thế giới đi trên con đường chuyển dịch, và mở đường cho nền tự chủ về năng lượng”.

Indonesia nhận được tài trợ 500 triệu USD cho quá trình chuyển dịch năng lượngIndonesia nhận được tài trợ 500 triệu USD cho quá trình chuyển dịch năng lượng
Mỹ và UAE ký thỏa thuận về chuyển đổi năng lượngMỹ và UAE ký thỏa thuận về chuyển đổi năng lượng
Cảnh giác với các khoản đầu tư chuyển dịch năng lượngCảnh giác với các khoản đầu tư chuyển dịch năng lượng

Ngọc Duyên

AFP