Bản tin Năng lượng xanh: Trung Quốc công bố Kế hoạch phát triển NLTT năm năm lần thứ 14

14:00 | 26/04/2022

|
(PetroTimes) - Trung Quốc mới đây đã công bố Kế hoạch phát triển NLTT năm năm lần thứ 14 (2021 - 2025) tại 23 tỉnh thành và khu tự trị với mục tiêu lắp đặt hơn 620 GW công suất điện gió và điện mặt trời.
Bản tin Năng lượng xanh: Trung Quốc công bố Kế hoạch phát triển NLTT năm năm lần thứ 14

Trung Quốc mới đây đã công bố Kế hoạch phát triển NLTT năm năm lần thứ 14 (2021 - 2025) tại 23 tỉnh thành và khu tự trị với mục tiêu lắp đặt hơn 620 GW công suất điện gió và điện mặt trời. Đáng chú ý trong kế hoạch, các địa phương gồm Khu tự trị Nội Mông, tỉnh Hà Bắc và tỉnh Cam Túc sẽ lắp đặt ít nhất 50 GW công suất tại mỗi địa phương trong vòng 5 năm. Riêng Khu tự trị Nội Mông có kế hoạch bổ sung khoảng 84 GW, bao gồm 51,15 GW công suất điện gió và 32,62 GW công suất điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc ghi nhận lắp đặt 306 GW công suất điện mặt trời và 328 GW công suất điện gió (tổng là 635 GW). Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tăng tổng công suất điện mặt trời và điện gió lên 1200 GW vào năm 2030. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, mục tiêu này sẽ được hoàn thành sớm hơn vài năm so với kế hoạch. Trong đó, Cơ quan năng lượng quốc tế IEA dự báo, Trung Quốc sẽ đạt cột mốc trên vào năm 2026.

Nhưng thị trường carbon “non trẻ” của Trung Quốc đã phải tạm dừng khi nhiều công ty năng lượng đang chờ đợi sự rõ ràng về chính sách của chính phủ trong bối cảnh giá hàng hóa tăng. Theo Cơ quan Thương mại Khí thải quốc gia Trung Quốc, giá phụ cấp phát thải đã ổn định ở mức 60 CNY/tấn trong bảy phiên liên tiếp. Một vấn đề mà thị trường nước này phải đối mặt là Bộ Sinh thái và bảo vệ môi trường vẫn chưa ban hành các khoản phụ cấp cho năm 2021 và 2022. Hiện vẫn chưa rõ Bộ này sẽ thắt chặt thị trường để nỗ lực hạn chế phát thải hay nới lỏng để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà máy điện bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá than tăng cao. Cho đến nay, các chủ thể duy nhất được phép giao dịch carbon chỉ dừng lại ở các chủ sở hữu những nhà máy nhiệt điện than lớn. Hiện tại, Bộ Sinh thái và bảo vệ môi trường Trung Quốc đang tập trung ngăn chặn sự giả mạo giữa các công ty liên quan đến việc xác minh và cung cấp dữ liệu phát thải sau khi phát hiện ra các vấn đề về dữ liệu trong các cuộc thanh tra cấp tỉnh gần đây. Trung Quốc bắt đầu kinh doanh khí thải vào năm 2021, khi cấp tín dụng phát thải miễn phí cho hơn 2000 chủ sở hữu nhà máy điện. Sau đó, các nhà máy được phép mua và bán khí thải trên thị trường mở.

Tập đoàn điện lực hàng đầu thế giới EDF (Pháp) mới đây đã công bố kế hoạch hydro của mình, đặt mục tiêu lắp đặt 3 GW công suất điện phân để sản xuất hydro vào năm 2030. Mục tiêu này sẽ đòi hỏi khoản đầu từ từ 2-3 tỷ EUR (không bao gồm xây dựng nguồn phát điện), dự kiến sẽ được tài trợ bởi các đối tác của EDF thông qua những cơ chế hỗ trợ tại các nước thành viên của EU. Với mục tiêu trên, EDF đã trở thành một trong những công ty hàng đầu châu Âu đi đầu trong việc sản xuất 100% nhiên liệu hydro carbon thấp. Theo định nghĩa của EU, nguồn hydro carbon thấp phải đảm bảo lượng khí phát thải ở mức dưới 3 kg CO2 cho mỗi kg H2 đầu ra. Với lợi thế là kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp hạt nhân ở Pháp, EDF rất có thể tập trung vào sản xuất hydro “xanh” bằng nguồn điện hạt nhân và từ các nguồn NLTT. Cần lưu ý rằng, kế hoạch lắp đặt 3 GW công suất hydro của EDF sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu hãng nhận được một chính sách hỗ trợ và khuôn khổ pháp lý phù hợp từ chính phủ để thúc đẩy phát triển sản xuất hydro từ quá trình điện phân.

Các dự án điện mặt trời và lưu trữ năng lượng có công suất thiết kế quy mô GW đã được quy hoạch trên quần đảo Riau, Indonesia để bán điện sang thị trường Singapore. Cụ thể, hai nhà phát triển năng lượng mặt trời Quantum Power Asia và Ib Vogt (Đức) đang có kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời công suất 3,5 GW, tích hợp cơ sở lưu trữ năng lượng 12 GWh ở Indonesia. Nguồn điện đầu ra sẽ được cung cấp cho thị trường Singapore thông qua một đường cáp ngầm. Dự án sẽ bao phủ diện tích hơn 4.000 ha trên quần đảo Riau với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Sau khi đi vào vận hành vào năm 2032, nhà máy điện mặt trời sẽ xuất khẩu tới 4 tỷ KWh điện tái tạo mỗi năm cho Singapore (tương đương khoảng 8% sản lượng điện hàng năm của Singapore). Giám đốc điều hành của Ib Vogt Anton Milner cho biết, sáng kiến nhập khẩu năng lượng song phương trên là một dự án mang tính bước ngoặt trên toàn cầu và sẽ là chất xúc tác cho sự chuyển đổi của khu vực sang năng lượng sạch, không phát thải carbon. Trong năm 2021, chính quyền Singapore thông báo sẽ đặt mục tiêu nhập khẩu tối đa 4 GW công suất điện carbon thấp vào năm 2035 để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu LNG. Một đề xuất khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm là tập đoàn Sunseap (Singapore) đang tìm cách phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng công suất 12 GWh, tích hợp sản xuất điện mặt trời công suất 7 GW tại Indonesia nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Singapore.

Viễn Đông