Bản tin Dầu khí 23/2: Iraq đình chỉ hợp đồng cung cấp dầu với Trung Quốc

09:55 | 23/02/2021

|
(PetroTimes) - PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về ngành Dầu khí thế giới.
Bản tin Dầu khí 22/2: Petrobras có tân chủ tịchBản tin Dầu khí 22/2: Petrobras có tân chủ tịch

1. Các nhà lãnh đạo của liên minh OPEC+, Ả Rập Xê-út và Nga, được cho là một lần nữa mâu thuẫn về việc quản lý nguồn cung dầu trước thềm cuộc họp quan trọng của nhóm vào tuần tới.

Như thường lệ, Nga muốn tăng sản lượng dầu, trong khi Ả Rập Xê-út tin rằng một cách tiếp cận thận trọng hơn sẽ đảm bảo cho sự bình ổn thị trường dầu toàn cầu.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi đầu tháng cho biết thị trường dầu toàn cầu đang cân bằng và giá dầu hiện tại đã phản ánh đầy đủ tình hình thị trường.

2. Hãng Reuters cho hay, Mỹ và Canada chiếm 11% lượng nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ trong tháng 1 vừa qua - một tỷ trọng cao kỷ lục của dầu thô Bắc Mỹ đối với nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới.

Tổng nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ trong tháng trước đạt trung bình khoảng 4,8 triệu thùng/ngày, giảm so với tháng 12/2020, nhưng tăng nhẹ so với tháng 1 năm ngoái.

Trong tháng 12/2020, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ ước tính tăng 29% so với tháng 11 và tăng 11,6% so với tháng 12/2019, lên hơn 5 triệu thùng/ngày. Đây là mức nhập khẩu cao nhất trong gần 3 năm.

3. Iraq đã đình chỉ một hợp đồng cung cấp dầu với một công ty Trung Quốc với khoản thanh toán trước vài tỷ USD trong bối cảnh giá dầu cao hơn đã khiến cho hợp đồng này kém hấp dẫn hơn so với vài tháng trước.

Thông tin về thỏa thuận thanh toán trước giữa Iraq và công ty Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11 năm ngoái. Vào thời điểm đó, Reuters trích dẫn một lá thư của công ty tiếp thị dầu mỏ của Iraq, SOMO, tìm kiếm một thỏa thuận trả trước 5 năm được cho là bắt đầu vào tháng 1/2021 và kết thúc vào tháng 12/2025. Iraq sẽ cung cấp dầu thô Basrah.

4. Công ty dầu khí nhà nước Qatar gần đây đã thiết lập một kỷ lục mới cho dự án xuất khẩu LNG lớn nhất từ ​​trước đến nay. Đến năm 2026, nước này một lần nữa sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới khi vượt qua Australia.

Việc ký kết hợp đồng đã bị trì hoãn trong một năm do bất ổn kinh tế - hậu quả trực tiếp của đại dịch Covid-19. Với việc mở rộng quy mô lớn, thị trường có thể bị dư cung trong nhiều năm và tính khả thi của các dự án khác đang chờ quyết định đầu tư có thể bị đe dọa.

Hiện tại, Qatar sản xuất 77 triệu tấn mỗi năm. Với việc mở rộng giai đoạn đầu, quốc gia này sẽ tăng công suất lên 110 triệu tấn/năm vào năm 2026.

Bình An